[Gương mặt 30 năm]: Anh Nguyễn Từ Huy: “Với ngành kỹ thuật hàng không, đam mê có khi là không đủ!”

“Tôi cho là, tôi đã kiên định theo đuổi niềm đam mê và tình yêu với máy bay, với nghề kỹ thuật hàng không của mình”, Phó trưởng phòng kỹ thuật hàng không Nguyễn Từ Huy mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời chia sẻ về bản thân sau hành trình gần 30 năm làm việc tại Vietnam Airlines.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tháng 2/1996, anh Nguyễn Từ Huy vào làm việc tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA). 29 năm cống hiến, anh Nguyễn Từ Huy được vinh danh là một trong những gương mặt tiêu biểu, có đóng góp cho sự phát triển của Vietnam Airlines (VNA).

Từ một cậu bé có niềm đam mê mãnh liệt với máy bay và nghề kỹ thuật hàng không, anh Nguyễn Từ Huy đã dành cả tuổi trẻ của mình để từng bước chinh phục ước mơ.

“Từ những năm tháng còn học cấp 1, khắp nơi trong căn nhà, trên bàn học của tôi đều treo đầy ảnh, dán kín tranh máy bay. Tôi đã nghĩ, dù có thế nào, tôi cũng phải theo ngành hàng không. Cuối cùng, tôi cũng được tuyển vào làm chuyên viên, kỹ sư máy bay tại VNA vào đầu năm 1996”, anh Nguyễn Từ Huy nhớ lại.

Từ chỗ “chưa biết” đến chỗ “hiểu được” công việc kỹ thuật hàng không và làm được những việc đó là cả một quãng đường dài vô cùng gian nan. “Ngành kỹ thuật hàng không đòi hỏi một quá trình học tập rất dài cùng muôn vàn sự ‘gập ghềnh’ của thực tiễn”, anh Nguyễn Từ Huy nhận định.

Tuy nhiên, nếu được dùng một câu để miêu tả về công việc kỹ thuật tại VNA của mình, anh Huy cho rằng: “Nghề kỹ thuật ngành hàng không là làm mọi việc theo quy trình được phê chuẩn để đưa tàu bay vào khai thác an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nguồn lực tàu bay cũng như thực tế điều kiện, hoàn cảnh và môi trường tại Việt Nam”.

Nhớ lại những tháng ngày “chân ướt chân ráo” vào nghề, Phó trưởng phòng kỹ thuật hàng không kể: “Hồi mới đứng vào hàng ngũ kỹ sư máy bay của Ban Kỹ thuật, tôi được giao tham gia vào quá trình xây dựng bộ “Tài liệu Điều hành Bảo dưỡng” (Maintenance Management Exposition – MME) thuộc diện sơ khai với vô vàn bỡ ngỡ cùng hàng loạt khái niệm, định nghĩa, quy trình, tiêu chuẩn, tổ chức quản lý – điều hành bảo dưỡng – kỹ thuật hàng không,… Toàn bộ tài liệu liên quan đến các hãng hàng không phương Tây đều cần đọc hiểu bằng tiếng Anh.

Ấy thế mà ngấp nghé 30 năm sau, năm 2023, tôi lại được giao nhiệm vụ hỗ trợ điều chỉnh, sửa đổi, trình phê chuẩn bộ Tài liệu đó đến phiên bản thứ 6. Lúc này hệ thống VNA đã trưởng thành toàn diện trên mọi mặt. Bộ Tài liệu MME giờ đây đã dần trở thành một hệ thống công cụ quy chuẩn điều hành bảo dưỡng mang tầm khu vực, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hàng không của Nhà chức trách Hàng không sở tại Cục Hàng không Việt Nam, tương thích với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn của các tổ chức chất lượng như IOSA,…”

Cái khó trong hành trình sự nghiệp đương nhiên không chỉ nằm ở tính chất công việc, nó còn đi liền với những thử thách: “Năm 2009, khi tôi được giao phụ trách nối tiếp công việc điều phối bảo dưỡng trà tàu để ‘bán tàu’ ATR-72 đầu tiên sau 17 năm khai thác tại A75 (khi đó chuẩn bị nhập A76 và Phòng Kỹ thuật ở Đà Nẵng để trở thành VAECO ngày nay). Lúc bấy giờ, đây là công việc vô cùng khó khăn, nhất là đối với một chiếc tàu bay phương Tây đầu tiên được khai thác ở VNA trong 17 năm liền.

Sau khi rời khỏi A76, Nội Bài, nơi tổ chức buổi Lễ bàn giao Máy bay VNA-ATR, là một chặng đường bay đầy gian nan tới Toulouse (Pháp) để bàn giao cho các đối tác. Các công tác chuẩn bị, kiểm tra, khắc phục các vấn đề phát sinh, đàm phán với đối tác, thủ tục về luật hay tài chính đều thuộc diện “lần đầu” – tất cả đều vô cùng mới mẻ và lạ lẫm. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa hỏi… Cứ thế cho tới khi giao thành công chiếc tàu đầu tiên (ATR-72 số hiệu VN-B202) và nhận tàu mới (VN-B219) là một hành trình đầy những điều mới lạ…

Sau sự kiện này, Đoàn Công tác chúng tôi được nhận Bằng khen đặc biệt của Tổng giám đốc VNA. Kỷ niệm này cũng mang lại cho tôi rất nhiều giá trị về chữ ‘học’ và ‘hành’ trong sự nghiệp hàng không của tôi. Tất cả điều đó đã giúp tôi phát huy và gặt hái nhiều thành công khác nữa trong lĩnh vực liên quan”.

 

Nói thêm về ngành kỹ thuật hàng không nói chung và VNA nói riêng, anh Nguyễn Từ Huy cho biết đây là một môi trường “đậm đặc” các hệ công nghệ cao, tập hợp đa dạng, đa ngành chuyên môn: “Tất cả đều nhằm phục vụ yêu cầu tiêu chuẩn an toàn cao nhất và bởi vậy mà các chi phí kèm theo cũng khá cao so với nhiều ngành nghề dân sinh, xã hội khác. Theo đó, đặc thù mang tính hệ lụy của môi trường hàng không là tính liên kết, phối hợp, ràng buộc, phụ thuộc và đồng bộ với nhau, đòi hỏi sự chặt chẽ giữa các ngành chuyên môn với nhau”.

Ngày qua ngày, mọi thứ lặp đi lặp lại, khó khăn và thách thức vẫn song hành cùng nhau như được lập trình; nhưng mọi mơ ước, đam mê ban đầu chưa khi nào tan biến. Dù gặp phải không ít thử thách khi làm công việc kỹ thuật ở ngành hàng không, nhưng anh Huy cho rằng, đó chính là thứ nuôi dưỡng sự hạnh phúc trong công việc, giúp anh có thêm động lực cố gắng nhiều hơn:

“Hệ thống kỹ thuật mang đặc thù luôn phải làm việc theo quy trình. Nhưng cái khó nằm ở chỗ, số lượng, chất lượng và việc tuân thủ quy trình lại không ngừng được thay đổi để phù hợp với trình độ công nghệ, môi trường, điều kiện làm việc. Đối với mỗi cá nhân trong hệ thống kỹ thuật, việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật nói riêng và quy trình công tác nói chung luôn yêu cầu rất khắt khe. Bất cứ ai cũng phải chấp hành vì mục đích tối cao là sự an toàn”.

Từ đó đến nay cũng gần 30 năm, anh Nguyễn Từ Huy vẫn dành cho VNA nói chung, Ban Kỹ thuật của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam một tình yêu không đổi.

“Dù có vì yêu cầu nhiệm vụ mà được ‘luân chuyển’ vị trí, các phòng chức năng, qua các kỳ cấu trúc và ‘tái cấu trúc’ thì lĩnh vực chuyên môn cũ – mới đều liên quan tới Ban Kỹ thuật. 2024 và mấy năm tới, tôi vẫn muốn tham vấn, hỗ trợ hệ thống hoàn thiện các bộ tài liệu điều hành và quy trình thứ cấp ở mức độ hoàn thiện cao hơn nữa”, anh Nguyễn Từ Huy nói.

Truyen Thong Noi Bo-COMM
Share bài viết:

Bình luận 7

  1. Quang nói:

    Ngưỡng mộ anh

  2. Nguyễn Hải Thanh nói:

    Chúc mừng và cảm ơn anh rất nhiều vì nỗ lực và đóng góp của anh cho VNA 🌺🌺🌺

    • NTH -VN nói:

      Xin cảm ơn bạn Hải Thanh, xin cảm ơn VNA, cảm ơn Khối Kỹ thuật VNA, cảm ơn Các LĐ/CB/CV Ban Kỹ thuật, nơi tôi cống hiến cuộc đời và sự nghiệp Hàng không của tôi!
      NTH-VN

  3. Nguyễn Văn Thơi nói:

    Chúc anh Huy nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho VNA

    • NTH -VN nói:

      Xin Cảm ơn bạn Alex! Dù gần hay xa thì cũng là nhà Vi-En-Ây để mọi người cùng chia sẻ, đóng góp và cống hiến ạ!
      NTH-VN

  4. Alex nói:

    Cảm ơn anh đã chia sẻ trải nghiệm

  5. Nguyễn Thanh Vân nói:

    Cảm ơn anh về những đóng góp của anh cho VNA!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.