Niềm tự hào từ những thầy cô dìu dắt
“Năm 2019, khi đó tôi vừa trở thành Tiếp viên trưởng bậc 1, trên một chuyến bay từ TPHCM đi Pháp, trong khi mời bữa đêm, tôi có nghe một bạn tiếp viên báo cáo một hành khách đi cùng con nhỏ từ chối dùng bữa vì chị bận ẵm con.
Bạn băn khoăn hỏi tôi: “Mình có thể hỏi lựa chọn của khách và giữ lại để chị ấy dùng sau có được không anh? Chuyến bay dài em sợ chị ấy đói bụng”. Lúc đó, tôi đánh giá rất cao bạn tiếp viên này và đồng ý với ý kiến của bạn.
Sau khi mời xong, tôi đặt thêm câu hỏi gợi ý: “Em nghĩ mình có thể làm thêm gì để chị ấy có thời gian dùng bữa không?”, như chỉ chờ câu hỏi của tôi, bạn ấy liền nói: “Dạ vậy để em ra ẵm em bé một chút cho chị ấy dùng bữa nhé anh!”, thế là bạn ấy đã chủ động chăm sóc tốt cho cả mẹ lẫn em bé.
Đến cuối chuyến bay, vị khách nữ đó nhẹ nhàng dúi vào tay bạn tiếp viên một mẩu giấy ghi địa chỉ của chị ấy tại Pháp và nhắn nhủ: “Khi nào em sang, có thời gian, ghé nhà chị chơi nhé, vợ chồng chị mời em dùng bữa!”.
Niềm vui của tôi lúc ấy không phải chỉ là sự hài lòng của hành khách mà còn là việc tôi đã tạo được một cơ hội để bạn tiếp viên có thể làm nhiều hơn, “nâng tầm dịch vụ” để chăm sóc thật tốt các hành khách của mình”.
Đó là một trong những kỷ niệm khiến TVT – giáo viên An toàn – Khai thác – Dịch vụ Nguyễn Gia Đông 8 vẫn luôn khắc sâu và ghi nhớ trong hành trang bay cùng VNA suốt những năm qua.
Với giáo viên Gia Đông, anh vẫn luôn thầm cảm ơn nghề đã cho anh những trải nghiệm quý báu để anh tiếp tục “truyền lửa” cho những thế hệ tiếp viên kế cận. Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, VNA Spirit đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng chàng TVT – giáo viên trẻ về những áp lực, trăn trở và cả những kỷ niệm để anh nỗ lực mỗi ngày.
Xin chào Gia Đông! Trở thành một giáo viên khi tuổi còn rất trẻ, bạn có áp lực không khi sau 2 năm đến với công việc TV bạn đã trở thành một giáo viên dịch vụ?
Xin chào VNA Spirit, xin cảm ơn anh chị em đã cho Đông được “lên sóng” trong dịp đặc biệt này.
Thật lòng chia sẻ thì trước đây mình chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên, nhưng trong một lần tình cờ được trò chuyện cùng cô Bùi Ngọc Hà – Trưởng phòng Đào tạo ĐTV, khi nghe thấy số điểm TOEIC của mình, cô đã động viên mình ứng tuyển vào vị trí Giáo viên bộ môn tiếng Anh thuộc phòng Đào tạo.
Sau khi phỏng vấn đạt kết quả, mình lại được chính tay cô Nguyễn Thị Thúy Bắc – Trưởng bộ môn Ngoại ngữ của Đoàn tiếp viên dìu dắt và đào tạo. Thời gian đầu khi đi dạy phải nói là “áp lực kinh khủng”: Về chuyên môn, mình phải chịu khó đọc thêm nhiều tài liệu về tiếng Anh và cả về dịch vụ để có thể truyền đạt kiến thức nghề sát với thực tế nhất có thể. Áp lực càng lớn hơn là trước đó mình cũng chưa được đào tạo bài bản về sư phạm, chưa hề biết đến “giáo án” hay “phương pháp giảng dạy” là gì. Tuy nhiên, nhờ có các lớp Kỹ năng sư phạm do Đoàn tiếp viên tổ chức, cũng như sự hướng dẫn tận tâm của các thầy cô dịch vụ mà mình đã từng ngày được cải thiện.
Chưa kể đến áp lực khi đi bay, phải luôn cố để hoàn thành công việc chỉn chu nhất có thể vì lúc đó mình vẫn còn đang là tiếp viên hạng C và còn phải trau dồi học hỏi thêm từ các anh chị đi trước rất nhiều.
VNA Spirit đang tò mò một chút về người truyền cảm hứng cho bạn để trở thành giáo viên và người ấy có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Chắc chắn đó là cô Nguyễn Thị Thúy Bắc – Trưởng bộ môn Ngoại ngữ ĐTV, cô chính là người “train the trainer” cho mình.
Có thể nói, cô Bắc là giáo viên kỹ tính và cầu toàn nhất mà mình từng được gặp. Thời gian đầu khi làm việc với Cô, hai chữ “áp lực” dường như là chưa đủ. Cô để ý từng lời nói khi mình đứng trên bục giảng, rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian của mỗi phần giảng đến từng phút (trễ 1 phút cũng là không đạt yêu cầu). Mỗi ngày sau khi dạy xong, Cô đều đưa ra những nhận xét chi tiết, và tất nhiên, điểm yếu thì lúc nào cũng nhiều gấp mấy lần điểm mạnh.
Dù biết rằng sự khó tính của cô là để tốt cho mình nhưng lúc đó cũng cảm thấy hoang mang và hoài nghi về bản thân vô cùng. Sau đó, mình quyết tâm “tầm sư học đạo”, nhờ các Thầy, Cô tiếng Anh trước đây chia sẻ lại kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy.
Sau thời gian đó, cô Bắc cũng đã có những nhận xét tích cực hơn về chuyên môn của mình và ghi nhận nhiều hơn những điều mà mình làm được.
Có thể nói, cô Bắc đã tạo cho mình một nền tảng vững chắc trong nghề giáo và mình luôn tự hào khi được giới thiệu rằng mình đã từng là một giáo viên được cô hướng dẫn (dù cho tới giờ mỗi lần nhìn thấy cô giơ đồng hồ lên xem giờ thì em vẫn rất áp lực hì hì).
————-
Nỗ lực không ngừng nâng tầm bản thân
Là một giáo viên Dịch vụ và tiếp tục “lấn sân” sang giáo viên An toàn – Khai thác. Điều gì đã thôi thúc bạn “nâng tầm bản thân”?
Từ khi còn là học viên tiếp viên cơ bản, mình đã có niềm đam mê đặc biệt với môn An toàn bay. Mỗi ngày đi học về, mình đều cùng lớp ra quán cà phê để học bài đến gần 10h đêm mới tan, nhưng về nhà lại tiếp tục mở sách ra đọc đến gần sáng, chỗ nào chưa hiểu thì mình lại lên google, youtube tìm tài liệu để đọc, xem hướng dẫn chi tiết. Càng tìm hiểu mình càng thấy thích thú nên thú.
Với một giáo viên trẻ như mình, nếu cô Bùi Ngọc Hà là người tạo động lực cho mình thi Giáo viên dịch vụ thì thầy Nguyễn Thế Phương 7 – Phó Trưởng khoa Huấn luyện bay lại là người động viên mình thi giáo viên An toàn – Khai thác. Và mình đã quyết tâm để trở thành giáo viên An toàn – Khai thác, vừa để phát triển bản thân, vừa để được vinh dự trở thành Tiếp viên cơ hữu của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Theo Đông, những tố chất nào cần có của một Giáo viên An toàn – Khai thác – Dịch vụ và những áp lực cần phải vượt qua là gì?
Trong mọi công việc, đặc biệt là giáo viên, mình nghĩ điều quan trọng nhất là phải thật vững về chuyên môn để khi học viên hay đồng nghiệp gặp khó khăn, chúng ta có thể giải đáp cũng như hỗ trợ họ giải quyết. Khó khăn lớn nhất khi đứng trên bục giảng đó là chúng ta luôn phải hiểu cặn kẽ những gì mình đang giảng để bất cứ khi nào học viên chưa hiểu bài, mình có thể giải thích ngay cho họ hiểu.
Bên cạnh đó, còn là khả năng truyền đạt cho thật hay, sinh động và dễ hiểu. Các giờ học trên lớp thường là các giờ lý thuyết, nếu chỉ theo phương pháp thuyết giảng thông thường, học viên sẽ rất dễ nhàm chán và không tiếp thu được bài. Vì vậy, mình luôn đòi hỏi bản thân phải tìm hiểu, cập nhật thêm các phương pháp sư phạm mới, các trò chơi hay để áp dụng vào bài giảng của mình, để học viên có thể đọng lại kiến thức sau mỗi giờ học.
Còn đối với áp lực thì chắc chắn không chỉ mình mà các thầy, cô đều phải trải qua. Áp lực từ việc duy trì chứng chỉ giáo viên qua từng năm, áp lực trong việc giúp các bạn học viên yếu có thể hiểu bài và thực hiện tốt trên chuyến bay, áp lực từ việc cân đối thời gian giảng dạy – hoạt động thanh niên và phát triển chuyên môn vì kiến thức An toàn hay Dịch vụ đều cập nhật thường xuyên.
Trong quá trình giảng dạy, mình nhớ mãi một kỷ niệm, đó là được một học viên mới dành tặng một ly trà chanh và nhắn là có học trò gửi tặng sau khi tan lớp An toàn bay. Và sau khi tan lớp, tôi nhận được một tin nhắn từ học trò ấy: “Dạ Thầy ơi, em cảm ơn thầy đã luôn tận tình hướng dẫn và kiên nhẫn giải đáp từng thắc mắc của em trong suốt thời gian học. Hôm nay, em xin được mời thầy một ly trà như một món quà nhỏ để cảm ơn thầy, thầy nhận cho em vui thầy nhé!”.
Vừa đi bay, vừa đi dạy, vừa làm công tác mặt đất, tôi hay được hỏi “Em có mệt không?” nhưng chính những khoảnh khắc bé nhỏ này đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn trong từng công việc mà mình đảm nhận. Cảm ơn nghề đã cho tôi những trải nghiệm quý báu!
Vậy liệu có một hình mẫu nào đó để bạn học hỏi trong quá trình công tác giảng dạy?
Đối với mình thì mỗi thầy, cô An toàn – An ninh hay Dịch vụ đều là một “hình mẫu” để mình noi theo. Mình hay nói đùa rằng phương pháp sư phạm hiện tại của em là “chôm chỉa”, “học lỏm” được từ tất cả các thầy, cô trong các giờ học.
Cứ mỗi khi có cơ hội được nghe thầy, cô giảng bài, mình cũng đều để ý cách họ chuẩn bị bài, cách họ truyền giảng, pha trò cũng như tóm ý cho từng nội dung. Vì vậy, càng được nghe nhiều thầy, cô giảng mình lại càng học hỏi thêm được nhiều.
Là một giáo viên trẻ, bên cạnh những kiến thức chuyên môn, bạn mong muốn truyền tải điều gì tới các học viên của mình?
Bài học đầu tiên của nghề tiếp viên là “Định hướng nghề nghiệp”, trong đó có phần “Đạo đức nghề”. Vì vậy, điều lớn nhất mình muốn truyền tải đến các bạn học viên chính là chữ “Tâm” trong nghề.
Khi làm việc có tâm, đặt hết mọi nỗ lực vào để thực hiện tốt chuyến bay và phục vụ thật tốt hành khách, mang lại sự hài lòng, thì những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta: hành khách ghi nhận, đồng nghiệp tin tưởng và được công ty đánh giá cao. Như Elbert Hubbard đã từng nói: “Không cần cạnh tranh với ai cả, hãy cứ làm mọi việc bằng cả trái tim, bạn sẽ thành công!”.
Trong những ngày đặc biệt này, mình muốn dành tặng những lời tốt đẹp nhất đến các thầy, cô – những người đã dìu dắt mình trong suốt những năm qua.
Mình cũng xin kính chúc các anh chị em tiếp viên sẽ luôn khỏe mạnh, bình an, học tập thật tốt và làm việc thật tâm huyết để mang lại sự hài lòng thực sự cho hành khách, góp phần đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không 5 sao trong thời gian sớm nhất.