[20/11] “Tôi thích trồng cây nên rất hiểu ý nghĩa khi hái quả”

Nhìn tác phong đĩnh đạc, chuyên nghiệp của thầy giáo Nguyễn Công Toàn trên bục giảng, ít ai biết được khi về nhà, anh lại là một “nông dân” chính hiệu, có thể dành hàng giờ đồng hồ để chăm sóc, tỉa tót cho vườn lan của mình. Với anh, khi được nhìn ngắm những bông hoa mãn khai, cảm xúc cũng giống như chứng kiến học viên của mình đạt được những thành tích xuất sắc vậy – vô cùng hãnh diện và tự hào.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một giáo viên giỏi, ngoài lý thuyết cần có kinh nghiệm thực tế phong phú

Trở thành thầy giáo là ước mơ từ thời sinh viên của anh Nguyễn Công Toàn (Phó Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng Hồ Chí Minh, Công ty VAECO, kiêm giáo viên dạy Luật Công ty, dạy cơ bản và chuyển loại máy bay ATR72). Do đó khi được Trung tâm Đào tạo VAEO tin tưởng, tạo điều kiện đứng lớp để truyền đạt những kinh nghiệm mình đã tích lũy được cho thế hệ sau, anh đã lập tức nhận lời và cố gắng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để nâng cấp chính mình, tự tin đứng lớp.

Hơn ai hết, anh Toàn luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Bản thân anh có được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của những người thầy đi trước, vì vậy anh càng ý thức hơn nữa về vai trò của công tác giảng dạy.

Anh Nguyễn Công Toàn – Phó Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng Hồ Chí Minh, kiêm giáo viên dạy Luật Công ty, dạy cơ bản và chuyển loại máy bay ATR72. (Ảnh: NVCC).

Gần 20 năm gắn bó với “sự nghiệp trồng người” ở VNA, anh Toàn không nhớ được hết có bao nhiêu học viên của mình đã trưởng thành, trở thành những nhân viên tiêu biểu của ngành. Cũng có những người, từ học viên, giờ là đồng nghiệp của anh, cũng là những thầy giáo kiêm nhiệm, như anh Vũ Đình Lân, TT BD Ngoại trường Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Khoa, Phòng Kiểm soát Chất Lượng Hồ Chí Minh… Đó là “trái ngọt” mà anh nhận được khi “gieo chữ, trồng người”.

Một kỷ niệm mà anh Toàn vẫn còn nhớ mãi, đó là vào năm 2006, anh được cử đi huấn luyện quy trình MOE (giải trình tổ chức bảo dưỡng) cho nhân viên Hàn Quốc. Đó cũng là lớp học ở nước ngoài đầu tiên của anh.

Lớp học có khoảng 8 người và diễn ra trong 2 ngày. Nội dung anh Toàn cần truyền đạt là những quy trình về bảo dưỡng máy bay, cụ thể là khi máy bay của VNA sang Sân bay Incheon, họ sẽ phải kiểm tra thế nào, ghi nhật ký kỹ thuật ra sao, gửi báo cáo về khi có sự cố thế nào, các lỗi mà họ mắc phải là gì… Vì là lần đầu tiên dùng ngoại ngữ để giảng dạy nên anh Toàn vô cùng lo lắng, hồi hộp, mồ hôi túa ra đầy trán… nhưng anh mau chóng lấy lại bình tĩnh, sắp xếp lại những kiến thức trong đầu rồi vừa giải thích, vừa dùng chính những kinh nghiệm thực tế trong suốt thời gian làm bảo dưỡng của mình dể hướng dẫn thật chi tiết, tỉ mỉ. Tuy luật vô cùng trừu tượng và khó hiểu, nhưng bằng những bài giảng trực quan sinh động, nên cuối cùng, học viên cũng đã nắm bắt dễ dàng và khóa học thành công ngoài mong đợi.

Gần 20 năm gắn bó với “sự nghiệp trồng người” ở VNA, anh Toàn không nhớ được hết có bao nhiêu học viên của mình đã trưởng thành. (Ảnh: NVCC).

Anh Toàn cho biết: “Điều làm tôi ấn tượng và gắn bó với công việc giảng dạy này là nhiều kiến thức không có trong sách vở, mình phải dùng chính những kinh nghiệm thực tế để giảng giải cho học viên hiểu đến nguồn cội. Vì là ngành liên quan đến an toàn nên mọi vấn đề trong quá trình bảo dưỡng có liên quan đến các sự vụ uy hiếp an toàn đều được nhắc đến trong bài học, giúp học viên nhận biết và phòng tránh. Ví dụ như bài học về kính chắn gió máy bay (windshield) thì khi kính có bị tách lớp mặc dù tài liệu vẫn cho phép bay, tuy nhiên để tránh kính bị vỡ nứt do phóng điện (arcing), nhân viên kỹ thuật phải chú ý các dấu hiệu đặc trưng như vết mờ, nám đen của dấu hiệu cháy hoặc ban đêm có thể nhìn thấy vết cháy li ti thì phải thay kính ngay tránh sự cố vỡ nứt kính sẽ xảy ra rất sớm thôi”.

Niềm vui giản dị của một thầy giáo “nông dân”

Với anh Toàn, do vừa phải đảm bảo công tác chuyên môn ở Phòng Kiểm soát chất lượng, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy nên hầu như việc chăm sóc gia đình, con cái đều phải nhờ vào bàn tay của người hậu phương vững chắc. Anh Toàn chia sẻ: “Thật may mắn là vợ tôi cũng làm trong ngành hàng không nên rất thấu hiểu và chia sẻ với công việc của chồng. Cô ấy cũng vất vả vì tôi không giúp đỡ được gì nhiều, từ chăm con, đưa đón con đi học… cô ấy cũng phải tự mình làm hết. Các con thấy bố bận rộn, vất vả nên cũng rất chăm ngoan. Những khi bố đi công tác xa, nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ còn luôn gọi điện hỏi thăm, động viên bố, để bố bớt nhớ nhà và hoàn thành tốt công việc”.

Cũng chính nhờ sự cảm thông, ủng hộ của gia đình mà anh Toàn có thể dành hết tâm huyết cho công việc và đạt được những thành tích xuất sắc trong cả công tác chuyên môn lẫn giảng dạy.

Rời “giảng đường”, rời công việc, anh Toàn sẽ cùng vợ tận hưởng những thú vui chung bình dị. (Ảnh: NVCC).

Rời “giảng đường”, rời công việc, anh Toàn sẽ cùng vợ tận hưởng những thú vui chung bình dị của cả hai, đó là chăm sóc vườn lan, cùng chuẩn bị những món ăn mà các thành viên trong gia đình đều ưa thích, hay nếu có nhiều thời gian hơn sẽ đưa các con về quê thăm ông bà, họ hàng… Đó cũng sẽ là khoảng thời gian tạm xa những ồn ào, khói bụi, được gần gũi nhiều hơn với thiên nhiên, nạp năng lượng mới cho những ngày làm việc mới đầy bận rộn sắp tới.

Nói về những dự định của mình trong tương lai, anh Toàn cho biết sẽ cố gắng phát triển năng định dạy thêm các loại máy bay khác, lĩnh vực khác và cố gắng cập nhật thêm thật nhiều kiến thức, kỹ năng mới cho các bạn học viên để có thể bắt kịp với sự phát triển không ngừng của ngành hàng không quốc tế, giúp cho VNA thành công và vươn xa hơn nữa, giữ vững vị thế hãng hàng không số một Việt Nam.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.