[20/11] Áp lực để trưởng thành hơn mỗi ngày

Là một giảng viên chuyên ngành Điều khiển và vận hành thiết bị mặt đất, anh Trịnh Quang Đăng cho biết mình không chỉ phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu phục vụ công việc bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành các trang thiết bị mặt đất… mà còn phải giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú… Nhưng khó khăn không khiến anh lùi bước mà coi đó là động lực để phát triển và hoàn thiện bản thân.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những ngày đầu đứng lớp đầy áp lực

Năm 2006, “thầy giáo trẻ” Trịnh Quang Đăng (Kỹ sư Trung tâm Phục vụ bảo dưỡng, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), kiêm nhiệm giảng dạy các lớp Điều khiển và vận hành thiết bị mặt đất) mới “chân ướt chân ráo” vào nghề. Trong một giờ học Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong, khi đang ổn định lớp thì có một đồng nghiệp lớn tuổi hơn anh Đăng và có chuyên môn rất khá bỗng lên tiếng: “Thầy chuẩn bị nói tới trục khuỷu, tay biên, piston và các kỳ hút, nén, nổ, xả ấy gì, những cái đó chúng tôi biết hết rồi”. Khi đó anh Đăng khá bối rối vì các học viên cũng đã nắm được sơ bộ kiến thức mình chuẩn bị giảng. Một câu hỏi vang lên trong đầu: “Mình phải giảng và nói những gì đây”?

Sau vài phút suy nghĩ, anh quyết định thay đổi phương thức giảng dạy mình đã chuẩn bị từ trước, đổi sang hình thức thảo luận và gọi chính người đồng nghiệp vừa nói lúc trước, cùng một số anh em khác trao đổi, thảo luận về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong, sau đó anh sẽ nhắc lại và tóm tắt từng nội dung một.

Kết quả mà buổi học mang lại là các học viên đã mở mang thêm được vô vàn những kiến thức về động cơ đốt trong, và họ cũng rất ấn tượng với cách giảng này của anh. Người đồng nghiệp khi trước còn bước đến vỗ vai anh và chia sẻ rất chân thành: “Thằng em cũng nắm vững về động cơ đốt trong đấy”. Một kỷ niệm vui những cũng là lời nhắc nhở, động viên rất lớn để anh Đăng cố gắng hơn trong việc giảng dạy của mình: “Muốn trở thành một giáo viên thì trước hết phải là một kỹ sư giỏi nghề, và muốn là một giáo viên giỏi thì phải luôn cố gắng tìm ra cách truyền đạt cuốn hút, dễ hiểu, dễ tiếp thu, thực sự hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng học viên.

Kỹ sư Trịnh Quang Đăng – kiêm nhiệm giảng dạy các lớp Điều khiển và vận hành thiết bị mặt đất. (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu đứng lớp ấy đã là chuyện của gần 20 năm trước nhưng nó vẫn in đậm trong ký ức của anh Đăng như mới ngày hôm qua, vẫn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp xen lẫn tự hào vì đã góp một phần nhỏ công sức của mình giúp anh em đồng nghiệp nâng cao hiểu biết về các trang thiết bị mặt đất.

Mỗi năm, cứ vào tháng 11, khi các thế hệ học trò khắp nơi nơi trên cả nước hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh lại nhớ về những ngày đầu tiên ấy. Với anh, được trở thành một kỹ sư của VNA là ước mơ nung nấu suốt những năm tháng học phổ thông nhưng chưa bao giờ anh lại nghĩ mình có thể đứng lớp, là một thầy giáo đúng nghĩa.

Anh chia sẻ: “Năm 2002, tôi được tuyển dụng vào vị trí Kỹ sư Trang thiết bị mặt đất, tại Xí nghiệp Máy bay A76 – Tổng Công ty HKVN. Bốn năm sau đó, lãnh đạo Phân xưởng có yêu cầu tổ chức các lớp học nội bộ để nâng cao kiến thức về chuyên môn, phục vụ công tác thi nâng bậc thợ và công việc hàng ngày. Không hiểu sao lúc ấy, Ban lãnh đạo lại cử tôi đứng lớp. Sau vài phút ngạc nhiên, ngỡ ngàng, tôi đã nhận lời và không ngờ, đó cũng là cơ duyên khiến tôi gắn bó với công tác giảng dạy cho đến tận bây giờ”.

Anh Đăng tự hào vì đã góp một phần nhỏ công sức của mình giúp anh em đồng nghiệp nâng cao hiểu biết về các trang thiết bị mặt đất. (Ảnh: NVCC).

Nghiên cứu giảng dạy là cách tạo tấm gương tốt nhất cho các con

Có một tổ ấm nhỏ tràn đầy hạnh phúc, với người vợ cũng là một đồng nghiệp đang công tác tại VNA, hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu và đặc biệt có thành tích học tập rất “khủng”, anh Đăng luôn cảm thấy mình là một người may mắn.

Anh chia sẻ: “Vừa làm công tác chuyên môn, vừa kiêm nhiệm giảng dạy nên tôi cũng không có quá nhiều thời gian để gần gũi với con, chăm sóc, dạy dỗ con, nhưng tôi quan niệm những gì mình làm cũng là tấm gương để con nhìn vào, để chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn. Và có lẽ các con nhìn thấy được thật, các cháu ngoan, luôn rất tự giác, chăm chỉ học tập và đạt được những thành tích tốt. Đấy là điều mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều rất mong đợi vào những đứa con của mình”.

Anh Đăng quan niệm những gì mình làm cũng là tấm gương để con nhìn vào, để chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn. (Ảnh: NVCC).

Với anh Đăng, công tác chuyên môn và giảng dạy luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau, vì thế không quá khó khăn khi anh phải thực hiện các công tác kiêm nhiệm. Khi nghiên cứu tài liệu về trang thiết bị, anh không chỉ hiểu rõ về thiết bị và có thể truyền đạt lại cho anh em đồng nghiệp, mà khi thiết bị hỏng hay trục trặc gì đó, anh cũng  không mất quá nhiều thời gian tìm hiểu tài liệu mà đưa ra hướng khắc phục được ngay. Ngược lại, từ thực tế chuyên môn lại bổ sung kiến thức cho anh trong công tác giảng dạy.

Anh Đăng cũng luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại VNA, do vậy để “nâng cấp” bản thân, anh đã dành rất nhiều thời gian tự học tập, nâng cao trình độ kiến thức. Anh đã theo học khóa học “Lý luận và phương pháp giảng dạy” tại Đại học Giáo dục; học Power Point để làm các slide phục vụ trình chiếu tài liệu thêm phần sinh động…

Để “nâng cấp” bản thân, anh Đăng đã dành rất nhiều thời gian tự học tập, nâng cao trình độ kiến thức. (Ảnh: NVCC).

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được chúc anh Đăng và tất cả những người thầy, người cô tại VNA sức khỏe, luôn trách nhiệm, nhiệt thành với nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc, chuẩn quốc tế cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.