Khi khó khăn trở thành động lực
Mở cửa trở về nhà khi đồng hồ vừa điểm 9h tối, chẳng kịp thay đồng phục, Hà Anh ùa ngay vào mâm cơm, xới một bát thật đầy để đáp ứng tiếng “réo gọi” của chiếc bụng đói. Vậy nhưng vừa đến thìa cơm thứ hai thì chiếc điện thoại reo lên. Tổ điều phái gọi đề xuất cô nếu còn ở phòng điều phái thì có thể ra sân bay luôn không vì có chuyến bay cần phi công thay thế gấp.
“Tuy vừa về và hơi mệt nhưng nhà mình rất gần sân bay, nếu mình từ chối thì bên điều phái phải tìm người khác khiến chuyến bay càng chờ lâu, nên mình đồng ý. Thế là mình bỏ dở tô cơm mới xúc được hai thìa chạy đi luôn. Lúc đấy tuy mệt nhưng cũng thấy vui vui vì có thể hỗ trợ đảm bảo chuyến bay khai thác không bị chậm trễ quá. Bay xong về mình làm thêm tô nữa cho bõ.”
Làm công việc liên quan trực tiếp đến khai thác các chuyến bay nên giờ giấc công việc của Hà Anh vẫn thường xuyên thất thường như vậy. Có khi tan sở lúc 2-3h chiều, có ngày lại tới 1-2h đêm, như hôm nay. Nghề bay luôn có một lịch trình bất định mà bất kỳ ai nếu đã lựa chọn thì phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, cho dù đó có là ngày sinh nhật đi chăng nữa.
Chỉ mới đây thôi, trong ngày sinh nhật của Hà Anh, bạn của cô đã đặt bàn khoảng 20h để cô có thể nghỉ ngơi một chút sau khi bay về rồi dự tiệc. Không may là hôm đấy thời tiết rất xấu, rất nhiều máy bay buộc phải bay vòng chờ trên trời ở Tân Sơn Nhất. Cuối cùng, tổ bay phải chuyển hướng hạ cánh ở Cam Ranh, nạp thêm dầu và chờ thời tiết tốt lên. Khi về tới nhà thì đồng hồ đã điểm 22h đêm (so với dự kiến là 17h).
“Mặc dù đành phải huỷ bữa tiệc, bạn mình rất thông cảm và chỉ nhắn nhủ là bay về an toàn. Sau dịp đó mình với bạn cũng chưa sắp xếp được bữa khác vì lịch trình khác nhau, lúc mình nghỉ thì các bạn đi làm, lúc các bạn nghỉ thì mình đi bay. Những lúc đó mình thực sự hiểu rằng nghề này luôn luôn phải sẵn sàng cho mọi tình huống không theo kế hoạch sắp xếp sẵn, có thể bỏ lỡ một số dịp vui.”
Vất vả là vậy nhưng sau hơn 1 năm đồng hành cùng những cánh sen vàng, Hà Anh luôn thấy lựa chọn nghề nghiệp đã đúng và may mắn khi được thành nghề làm việc tại VNA.
Và có lẽ không nhiều người biết, xuất phát điểm của phi công Hà Anh hiện tại lại là một cử nhân ngành Quan hệ quốc tế, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM. Vậy nhưng sau khi tốt nghiệp, Hà Anh tình cờ được truyền cảm hứng với bầu trời từ anh trai, hiện cũng đang là lái chính thuộc đội bay A321 của VNA.
“Trong suốt 12 năm đi học, mình không hề nghĩ rằng sau này mình sẽ làm việc trong ngành hàng không. Thời điểm bước ngoặt ấy thực sự mình không suy nghĩ gì nhiều cũng như chuẩn bị gì nhiều. Ngay khi quyết định rẽ hướng sang nghề phi công, mình đã nộp đơn ứng tuyển để đi học luôn. Mọi thứ lúc đấy diễn ra quá nhanh, mình không có thời khắc nào chựng lại để suy nghĩ lại.”
Mục tiêu mỗi ngày là những chuyến bay an toàn
Hiện, Hà Anh đang là lái phụ thuộc đội bay A321, Đoàn bay 919. Công việc của cô yêu cầu sự hỗ trợ, phối hợp tốt giữa các thành viên tổ bay, từ đó đảm bảo chuyến bay an toàn hiệu quả. Có lẽ bởi vậy mà Hà Anh của hiện tại đã rắn rỏi hơn rất nhiều từ thời điểm “chân ướt chân ráo” gia nhập.
“Công việc này rèn luyện cho mình những kỹ năng tốt không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như tính kỷ luật cao, luôn luôn có sự chuẩn bị lên kế hoạch kỹ càng, sẵn sàng cho mọi tình huống cũng như phản ứng linh hoạt, nhanh nhạy và bình tĩnh xử lý khi các tình huống bất ngờ ngoài dự kiến xảy ra. Về khó khăn thì nghề bay có lịch trình không cố định, di chuyển nhiều nên cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ và cuộc sống cá nhân.”
Tân binh của Đoàn bay 919 luôn cảm thấy may mắn bởi bản thân có những chỗ dựa đầy tin cậy. Khi cần kinh nghiệm liên quan đến nghề bay thì không chỉ có thầy cô, các anh chị em bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ mà còn có anh trai bên cạnh sẵn sàng tư vấn 24/7. Còn nếu phải xử lý vấn đề khó khăn mà chị em phụ nữ hay gặp phải khi đi bay thì cô đã có một tiền bối đầy kinh nghiệm, đó là chị dâu, hiện đang là tiếp viên hạng Thương gia của VNA.
“Từ kinh nghiệm của mọi người mình rút ra những cái riêng phù hợp với mình. Quả thật, chỉ khi thực sự đi bay ngồi trên buồng lái mới hiểu được những khó khăn căng thẳng của nghề này.”
Một trong những lần thót tim nhất của cô phi công trẻ là một lần bay trong bối cảnh trời mưa rất lớn, gió giật, có những đoạn máy bay rung lắc khá mạnh. Thời điểm đó, Hà Anh mới ra nghề, kinh nghiệm bay thời tiết xấu chưa nhiều nên rất lo lắng.
“Tuy nhiên, cơ trưởng rất điềm tĩnh, brief kỹ với mình những gì cần làm, cần chú ý khi vào tiếp cận hạ cánh, và nếu có tình huống phải huỷ bỏ hạ cánh và phải bay lên lại thì cần làm những gì. Lúc vào hạ cánh mưa rất to, trắng trời không nhìn thấy gì cả, đến 1000ft mới bắt đầu thấy được mặt đất và khi máy bay đáp đất an toàn vào bãi thì mình mới yên tâm thở phào.”
Có lẽ với những phi công nhiều năm kinh nghiệm thì đây không phải tình huống quá khó nhưng với một người mới như Hà Anh thì đây là trải nghiệm giúp cô thấy được rõ là trách nhiệm của nghề bay rất lớn để đảm bảo an toàn cho chuyến bay và hành khách, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Với Hà Anh, không có kết quả ngọt ngào nào mà không trải qua rèn luyện. Đôi khi bạn thấy mệt mỏi thì cũng đừng lo lắng, bởi đó là khi chúng ta đang leo dốc để phát triển tiếp, để ngày càng trưởng thành hơn.
“Mình tự hào nói rằng cho dù được lựa chọn lại lần nữa thì vẫn chọn nghề phi công để làm. Mình xin gửi lời cảm ơn tới thầy cô, các anh chị em bạn đồng nghiệp đi trước đã dẫn dắt, truyền đạt kinh nghiệm nghề. Mình đi được đến ngày hôm nay ngoài nỗ lực của bản thân, gia đình thì còn có sự hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều của thầy cô, anh chị bạn bè đồng nghiệp. Mong rằng mình có thể sát cánh cùng mọi người chinh phục bầu trời dài lâu (cười)”.