Doanh nghiệp nhà nước tồn tại và có vị trí quan trọng trong mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, qua các thời kỳ, vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước được khẳng định cả trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lẫn trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, với mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, doanh nghiệp nhà nước cần thể hiện vị trí, vai trò nòng cốt, dẫn dắt, mở đường trong nền kinh tế; là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị cơ cấu lại nguồn vốn, cơ cấu lại các chuỗi sản xuất, cung ứng…
Vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN) và KTNN cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thành phần KTNN bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu.
Trong đó chia thành 3 nhóm cơ bản: Nhóm các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân, như đất đai và tài nguyên gắn với đất đai, vùng biển,…; Nhóm các yếu tố vật chất mà Nhà nước sử dụng vốn ngân sách, kể cả các nguồn vốn mà Nhà nước huy động; Nhóm các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được hình thành trên cơ sở đầu tư Nhà nước, kể cả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Nhóm này là biểu hiện cụ thể của việc Nhà nước thực hiện hoạt động kinh tế. Như vậy, trong thành phần KTNN, DNNN giữ vị trí cơ bản và rất to lớn.
Các DNNN vừa là chủ thể kinh doanh vừa là lực lượng kinh tế nòng cốt do Nhà nước sử dụng trong tác động tham gia vào các hoạt động kinh tế. Là chủ thể kinh doanh, các DNNN phải thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ về tài chính, hoạt động có hiệu quả để bảo đảm quá trình tái sản xuất mở rộng, bảo đảm gia tăng nguồn lực kinh tế mà Nhà nước đã đầu tư cho các doanh nghiệp này.
Là lực lượng tham gia vào các hoạt động kinh tế như một công cụ của Nhà nước, các DNNN phải góp phần tạo ra sự ổn định kinh tế – xã hội, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy, vai trò của DNNN thể hiện trên 3 mặt sau:
Về mặt kinh tế: DNNN có vai trò kinh tế thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau: (1) DNNN giúp khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường và khu vực tư nhân. Đây là vai trò chủ yếu và quan trọng nhất của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì tất cả những khuyết tật của cơ chế thị trường đều làm giảm hiệu quả xã hội của hệ thống kinh tế. (2) Đảm nhận các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. (3) Tham gia vào những lĩnh vực khoa học – công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao. (4) Tham gia vào một số ngành có lợi thế cạnh tranh.
Về mặt chính trị: Vai trò này thể hiện ở hai nội dung cơ bản sau: Một là, nắm giữ những ngành đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia (sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh,…).
Hai là, tham gia chiếm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để chủ động định hướng xã hội, làm đối trọng trong phát triển hội nhập kinh tế quốc tế (bán buôn lương thực, xăng dầu; sản xuất điện; khai thác khoáng sản quan trọng; một số sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin quan trọng; bảo trì đường sắt, sân bay…).
Về mặt xã hội: Do bản chất về mặt sở hữu và mục đích hoạt động, nó phải gánh vác chức năng và vai trò xã hội, khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác. Vai trò này thể hiện ở chỗ nó phải đảm nhận những ngành ở những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị – xã hội mà tư nhân không muốn đầu tư, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu.
Nhìn lại những năm qua, khi kinh tế thế giới suy thoái, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, nhờ có các DNNN mà kinh tế Việt Nam mới bảo đảm cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng khá cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các DNNN còn đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và quốc tế…
Thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối doanh nghiệp nhà nước hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế, trong 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm 143 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương; 335 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty nhà nước; 18 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con và 401 công ty TNHH MTV độc lập.
Trong số 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gồm 35 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương, 126 doanh nghiệp thuộc địa phương) có 3 tập đoàn kinh tế, 17 tổng công ty nhà nước; 6 công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con và 172 công ty độc lập. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông – lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất, kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…).
Vốn chủ sở hữu của các DNNN hơn 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn là đầu tàu, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Một số lĩnh vực họ có vai trò chủ chốt như an ninh năng lượng, lương thực, viễn thông, xăng dầu, tài chính. Các doanh nghiệp cũng tích cực tái cơ cấu, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các DNNN tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực tiếp tham gia phục vụ an ninh – quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh – quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Các DNNN cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế – xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng, viễn thông.
Năm 2023, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh và đóng góp của DNNN vào phát triển kinh tế – xã hội đáng ghi nhận: Tổng doanh thu khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, giải quyết khoảng 0,7 triệu lao động…
Các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy có sự tăng trưởng, phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày càng tăng. Năm 2023, tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng lên 125.847 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, kinh doanh. Các dự án cơ bản được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua khu vực DNNN cũng bộc lộ rất nhiều bất cập. Cụ thể là:
Một là, về quy mô tổng thể. Tỷ trọng của khu vực nhà là quá cao so với các nước, kể cả các nước có tính định hướng xã hội cao như các nước Bắc Âu. Tính đến cuối năm 2023, vẫn còn 676 DNNN. Đây là con số lớn so với số lượng DNNN từ 10 tới 120 tại các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 240 DNNN tại Ấn Độ.
Xét về lý thuyết, khu vực DNNN trong nền kinh tế thị trường không cần có tỷ trọng cao mà chỉ cần chiếm giữ những vị trí đúng như vai trò của nó phải có. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ trọng DNNN được coi là quá lớn khi vượt quá giới hạn 20 – 25% và quá nhỏ khi ở mức dưới 5%.
Trên thực tế, tỷ trọng DNNN ở các nước công nghiệp phát triển đạt mức trung bình dưới 10% GDP, còn ở các nước đang phát triển tỷ lệ này có cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức trung bình trên 10%, trong đó cao nhất là các nước châu Phi (14%), Mỹ La-tinh (10%) và châu Á (9%). Ở các nước chuyển đổi, mục tiêu của các chương trình tư nhân hóa ở các nước này đều hướng đến một tỷ trọng DNNN hợp lý ở mức khá thấp. Ở Trung Quốc, tỷ trọng của DNNN trong GDP dao động ở mức trên dưới 15%.
Hai là, cơ cấu bất hợp lý. Hiện, cơ cấu khu vực DNNN còn bất hợp lý về ngành, vùng, quy mô và mặc dù đã có rất nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa được chuyển dịch thích đáng.
Tình trạng manh mún, chồng chéo, trùng lặp, các DNNN trên cùng một địa bàn mang tính phổ biến dẫn đến đầu tư của Nhà nước bị dàn trải, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNNN, thậm chí giữa các đơn vị của cùng một tổng công ty, gây lãng phí nguồn lực.
Ba là, hiệu quả hoạt động thấp. Năm 2023, 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng
115.270 tỷ đồng, tương đương 4,6 tỷ USD. Mức lỗ lũy kế này gấp 1,7 lần so với ghi nhận cuối năm 2022 (gần 69.900 tỷ đồng). Trong đó, 72 doanh nghiệp lỗ phát sinh hơn 33.700 tỷ đồng. Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó. Số này cao hơn mức ước tính của Bộ Công Thương trước đó (17.000 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu do tập đoàn này phải huy động các nguồn phát giá cao, chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp. Số các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải chưa phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.
Các thống kê cho thấy, chỉ số ICOR ở khu vực nhà nước khoảng 8 – 14 so với khoảng 3 – 5 ở khu vực tư nhân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 – 2020 của cả nước đạt 6,35%/năm, kinh tế Nhà nước chỉ đạt 4,45%, trong khi kinh tế ngoài nhà nước là 6,63%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 9,44%(1).
Như vậy, xét trên khía cạnh tài chính – kinh tế thuần tuý, có đủ cơ sở để kết luận về tình trạng không có hiệu quả của DNNN. Tình trạng này nếu để tiếp tục kéo dài có nguy cơ đe doạ tính an toàn của toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế, bởi các DNNN là các khách hàng vay chủ yếu của các ngân hàng.
Bốn là, trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu. Đến nay, nhiều DNNN được trang bị máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, có những thiết bị lạc hậu, tốn năng lượng và ô nhiễm cao. Đầu tư cho công nghệ cao, hiện đại cũng không được quan tâm thích đáng.
Như vậy, DNNN khó có thể thực hiện được vai trò tấm gương về năng suất, chất lượng làm đầu tàu về khoa học – công nghệ trong điều kiện cạnh tranh hiện nay và tương lai.
Bên cạnh đó, sự đóng góp của DNNN vẫn chưa được như mong đợi. Nhiều DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam; trước hết là các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa như cơ khí chính xác, sản xuất, chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn…
Việc DNNN tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phục vụ an ninh – quốc phòng có kết quả đáng ghi nhận, song thiếu rõ ràng về mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực doanh nghiệp nhà nước
Mặc dù nhiều nhà quản lý và nghiên cứu cho rằng, phải nhìn nhận lại vai trò của kinh tế nhà nước cũng như DNNN. Ở những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xing-ga-po,… DNNN vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong chuyển giao công nghệ, liên doanh góp vốn với nước ngoài. Thực tế cho thấy, ngay tại những nước tư bản phát triển nhất, kết cấu hạ tầng cũng vẫn phải do nhà nước đảm nhận xây dựng và vận hành.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 1997 về chủ đề doanh nghiệp nhà nước đã kết luận: “Mặc dù đã qua hơn một thập niên nỗ lực chuyển đổi với sự đồng tình gia tăng và ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng chính phủ (doanh nghiệp nhà nước – TG) hoạt động kém hiệu quả hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, thì các doanh nghiệp nhà nước ở các nước đang phát triển vẫn chiếm một tỷ trọng lớn”(1)… “Bất chấp các nỗ lực giải thể, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất”(2).
Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, trong thành phần kinh tế nhà nước, một số DNNN chưa xứng đáng với vai trò mà nó đang nắm giữ.
Có thể thấy, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do sản xuất kinh doanh của khu vực Nhà nước chịu nhiều tác động bất lợi do yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng kinh tế – chính trị giữa các nước, đứt gãy nguồn cung, nguyên liệu đầu vào biến động. Ngoài ra, cơ chế, chính sách quản lý còn bất cập, như vướng mắc về thể chế khiến việc thoái vốn, cổ phần hóa chậm, chưa tạo điều kiện họ phát huy sự chủ động.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và vị trí của DNNN, trong thời gian tới, cần tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản sau:
Trước hết, cần quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 22-2-2024, của Thủ tướng Chính phủ, “Về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước” và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan; trong đó chú trọng các nội dung sau:
- Phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, mở đường của DNNN trong nền kinh tế; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị cơ cấu lại nguồn vốn, cơ cấu lại các chuỗi sản xuất, cung ứng… theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ, ưu tiên các ngành mới nổi.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời đẩy mạnh các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.
- Thúc đẩy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong đó lưu ý sử dụng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định DNNN chỉ là một bộ phận cấu thành của kinh tế nhà nước, do đó để bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, DNNN không nhất thiết phải có vai trò chủ đạo, càng không cần nắm tỷ trọng cao và áp đảo ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Phải phân biệt vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế với vai trò và vị trí của các DNNN. Vì chưa có sự tách biệt rõ ràng nên các DNNN vừa thực hiện chức năng kinh doanh vừa thực hiện một số chức năng như cơ quan quản lý nhà nước, lại phải lo đạt chỉ tiêu kinh doanh, và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Do đó, cần có cơ chế bảo đảm để phân định rạch ròi nhiệm vụ chính trị – xã hội mà Nhà nước giao cho với lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, xóa bỏ cơ chế chủ quản theo lối hành chính quan liêu, bao cấp đối với các DNNN, để các doanh nghiệp này được tự chủ trong cơ chế thị trường và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước trước các cơ quan tài chính.
Thứ hai, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong các DNNN đối với vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, để có thể vừa bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước.
Việc tách bạch 2 yếu tố sở hữu và quản trị rất quan trọng. Bởi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không phụ thuộc vào yếu tố sở hữu mà phụ thuộc vào yếu tố quản trị doanh nghiệp. Nếu quản trị kém sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn và hoạt động thấp. Đối với yếu tố sở hữu, vấn đề đặ ra là phải xác định rõ nội dung giám sát của nhà nước, vai trò quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu, cũng như vai trò chủ sở hữu với quyền quyết định kinh doanh.
Thứ ba, cần phân định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần. Đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối.
Kiên quyết sắp xếp, xóa bỏ các DNNN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng nhiều DNNN mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Tổ chức, sắp xếp các DNNN theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để thành lập các tổng công ty nhà nước đủ mạnh và tiếp tục thí điểm các tập đoàn đang có để các đơn vị này thực sự là công cụ của Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN dựa trên cơ sở cơ chế thị trường. Có cơ chế tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế trong nước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thực hiện các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Thứ tư, về công tác cán bộ, xây dựng cơ chế bảo đảm để các DNNN hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, nhưng đào tạo và tuyển chọn cho được đội ngũ những cán bộ quản lý doanh nghiệp ngang tầm cũng rất cần thiết.
Không thể chấp nhận những cán bộ có trình độ chuyên môn thấp, kém năng động, nhất là khi trao cho họ những doanh nghiệp có số vốn lớn hàng trăm tỉ đồng và hàng nghìn người lao động. Quản lý DNNN mang những đặc thù riêng, nhất là phải chấp hành hàng loạt những quy định riêng do Nhà nước đặt ra với tư cách là chủ sở hữu. Vì vậy, phát hiện và sử dụng các cán bộ quản lý DNNN giỏi khó hơn nhiều so với các loại hình khác.
Đẩy mạnh thí điểm chế độ thi tuyển để chọn giám đốc của từng DNNN và chỉ bổ nhiệm có thời hạn dựa trên những điều kiện hợp lý mà các ứng cử viên đưa ra khi tham dự thi tuyển. Song song với đó, cần có một cơ chế đủ sức hấp dẫn để thu hút những con người đầy tâm huyết và năng lực ấy vào đội ngũ quản lý DNNN, đồng thời cần có cơ chế đánh giá, giám sát hiệu quả.