[Khi tôi 30] Nhà tôi ba đời làm Hàng không

Không phải quảng cáo Youtube “nhà tôi ba đời chữa bệnh xương khớp”, “nhà tôi ba đời làm nghề gia truyền” nào đó, mà điều tôi muốn “flex” theo xu hướng của giới trẻ bây giờ may mắn sao lại đúng chủ đề của cuộc thi “Khi tôi 30” do TCT đang phát động. Một câu chuyện để chia sẻ cảm xúc, kỉ niệm, kí ức của tôi về Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong suốt quá trình sinh ra, lớn lên và thời gian gắn bó làm việc hiện tại: “Nhà tôi ba đời làm Hàng không”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gia đình tôi hầu như mọi người đều theo ngành Hàng không, ông bà ngoại tôi làm binh chủng Phòng không – Không quân. Ông nội, bác ruột và bố tôi là kĩ sư Hàng không, còn mẹ tôi và dì trước đây làm ở NASCO. Nhưng từ khi có thêm em trai tôi, mẹ tôi chuyển công tác về Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines để tiện đi lại và chăm sóc hai chị em. Và bây giờ tôi cũng không phải ngoại lệ, sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học, tôi cũng tham gia tuyển dụng và trở thành Tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, nối tiếp truyền thống gia đình.

Ông nội tôi học chuyên ngành Vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa Hà Nội, được cử đi học ở Mát-xcơ-va và sau đó về làm tại xưởng A76. Tuổi thơ của tôi ở cùng ông bà nội phần nhiều vì mọi người cũng biết, ngành Hàng không đặc thù là làm ca kíp rồi đêm hôm nên bố mẹ tôi làm ca suốt và tôi được gửi ở cùng ông bà.

Gia đình ba đời làm ngành Hàng không của Tiếp viên Trần Nhật Linh 138. (Ảnh: NVCC)

Ông bà nội có hai người con trai là bố và chú tôi nên khi mẹ sinh tôi ra ông bà vui lắm. Ông bà không có con gái nhưng lại có cô cháu gái nhỏ đầu lòng như ý rồi. Ông cưng chiều tôi lắm. Những gì tốt nhất, món đồ chơi nào mới nhất tôi cũng sở hữu luôn. Dù là con gái nhưng đồ chơi của tôi ngoài gấu bông, búp bê thì còn có mô hình máy bay là những mẫu logo từ thời còn làm xưởng A76, logo con hạc của ông nội và bố tôi, trước khi trở thành Công ty Kĩ thuật máy bay VAECO bây giờ.

Tôi còn được hưởng quyền lợi từ những chiếc vé ID của bố mẹ, được đi và tiếp xúc với máy bay từ bé. Có những chuyến bay, cô chú tiếp viên cho mấy món đồ chơi gỗ rồi cả stickers, tập tô màu… mê lắm! Lúc nào cũng đòi ông nội hay bố mẹ thưởng cho đi máy bay. Nhiều món đồ chơi đến bây giờ vẫn còn giữ lại trưng bày kỉ niệm trên giá.

Hồi đó, ông nội vẫn chưa nghỉ hưu, ông nội và bố tôi vẫn đi làm theo xe tuyến lên xưởng hàng ngày.

Tôi có hỏi: “Ông ơi ông đi làm gì thế ạ?

Ông bảo: “Ông đi sửa máy bay ù ù đấy, để hè máy bay còn chở con đi chơi.

Hồi đó nghe oai lắm. Trong khi mà bạn bè cùng trang lứa chỉ được ông bà, bố mẹ đèo đi trên xe đạp, xe máy; nhà đứa nào có điều kiện lắm thì được đi ô tô. Còn tôi thì số lần đi máy bay mỗi dịp Tết, hè về không còn tính trên đầu ngón tay nữa. Tôi lúc nào cũng cảm thấy tự hào khi kể cho các bạn ở lớp nghe về máy bay, về những kì nghỉ của cả nhà, được đi gần như trọn vẹn các điểm đến của Vietnam Airlines, tự túc theo gia đình hay theo chế độ nghỉ mát của cán bộ công nhân viên của ông hay của bố mẹ. Chúng bạn cứ hay trêu là “của nhà trồng được” mà.

Năm tôi 3 tuổi, trong ca làm thì có một tai nạn không may xảy ra làm ông tôi bị tổn thương và phải tháo mất đốt ngón tay trỏ phải. Chữ của ông vốn đã đẹp rồi mà sau tai nạn đó, ông tôi bắt đầu tập viết tay trái và chữ viết vẫn nắn nót, mềm mại như ngày nào. Sau ngày đó 3 năm thì ông tôi về hưu và dành hoàn toàn thời gian cho cô cháu gái. Ông đưa đón tôi đi học hàng ngày cũng như dạy tôi học bài và làm bài tập trên lớp. Nhờ có ông nội luyện chữ mà tôi đạt giải thi chữ đẹp cấp trường và được thi tiếp lên cấp quận sau đó, thật sự biết ơn ông nội rất nhiều. Đó là nền tảng kiến thức giúp tôi có hành trang vững tin học lên và đạt nhiều giải học sinh giỏi về sau.

Rồi sức khỏe ông cũng yếu dần sau đó. Năm tôi 7 tuổi, ông qua đời, ông nội không thích chụp ảnh, điều tôi tiếc nuối nhất là từ nhỏ tới khi ông mất, hai ông cháu không có một tấm ảnh chụp chung để khoe với mọi người. Ông nội tôi đây này, ông cưng tôi lắm đấy, nhờ ông và bố mẹ truyền lửa từ bé mà cô bé con đó tiếp tục lớn và đồng hành cùng Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Nhờ cái duyên ấy, cô bé 7 tuổi ngày nào bây giờ đã 28 tuổi, gắn bó được với công việc tiếp viên hàng không sang năm thứ 6 và có một cô con gái nhỏ 3 tuổi. Đồng nghiệp của bố mẹ bây giờ trở thành đồng nghiệp của con. Trước đó chỉ gặp các cô chú bác khi con đi máy bay, đi du lịch cùng bố mẹ nhưng bây giờ thì đã gặp nhau hàng ngày khi đi làm. Mọi người cứ bảo mới ngày nào còn bé tí, bố mẹ còn dắt lên cơ quan chơi hay đi làm cùng mà bây giờ đã thành đồng nghiệp rồi.

Hồi nhỏ thì con dùng vé ID theo chế độ của bố mẹ, bây giờ chính bố mẹ cũng có thể sử dụng được cả chế độ của con. Ước muốn của mẹ là được đi du lịch Châu Âu, nhờ Vietnam Airlines mà hai mẹ con tôi đã lên đường thực hiện chuyến đi đó ngay sau khi có Visa chỉ một tuần mà thôi. Mà nhé, ngoại trừ các tổng tài bá đạo hay nhị đại phú gia trong tay quản lý công ty gia đình; mấy ai có được cảm giác buổi sáng đi làm Sigh-in vân tay thì gặp mẹ, lên máy bay thì lại gặp bố cơ chứ. Một ngày mới cả gia đình cùng nhau đi làm, cả nhà cùng là những mắt xích trong mỗi bộ phận của TCT.

Nhờ truyền thống gia đình, nhờ công việc đi bay tôi yêu thích mà tính tới thời điểm hiện tại, nghề đã giúp tôi đặt chân tới hơn 20 nước và cả trăm địa danh khác nhau. Ngoài nghề tay phải là tiếp viên đi bay thì có thể kiêm luôn nghề tay trái là travel blogger, food reviewer, và cả photographer nữa. Địa điểm nào xa quá thì ta để dành mua vé ID hay codeshare trong Skyteam để khám phá tiếp.

Mong rằng em bé nhỏ xíu của mẹ cũng sẽ yêu thích máy bay như mẹ và mẹ sẽ vẫn tiếp tục là người truyền lửa cho con. Biết đâu mai này con lại trở thành một phần trong đại gia đình Vietnam Airlines như cụ, như ông bà ngoại và như mẹ Linh, tiếp nối truyền gia đình; tiếp nối sự an toàn, chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho mỗi chuyến bay!

Bài dự thi của Tiếp viên Trần Nhật Linh 138 – ĐTV

——————————–

Cuộc thi “Khi tôi 30” được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm thành lập Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Cuộc thi được phát động từ nay đến ngày 31/7/2023 và được kỳ vọng sẽ là nơi toàn thể CBNV VNA Group (bao gồm cả CBNV đã nghỉ hưu) chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm, ký ức… của mình về Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong suốt quá trình gắn bó làm việc.

Các tác phẩm dự thi bao gồm các thể loại: Truyện ngắn, ký, ghi chép, thơ, bài hát. Trong đó mỗi bài dự thi được khuyến khích không quá 2.000 chữ, được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (có hình ảnh minh hoạ).

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.