Kể từ năm 2020, không ít hơn 65 hãng hàng không ngừng hoạt động, theo trang web hàng không AllPlane.tv.
Có ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 gây thiệt hại cho ngành hàng không nhiều hơn suy thoái, chiến tranh hay khủng bố, theo đài CNN.
Tuy nhiên, theo ông Miquel Ros, người sáng lập AllPlane, không thể chỉ đổ lỗi rằng đại dịch là nguyên nhân khiến các hãng hàng không phá sản. Ông Ros bắt đầu theo dõi các vụ phá sản của các hãng hàng không vào năm 2018, khi 18 hãng phá sản. Năm 2019, con số đó đã tăng lên 34. Chủ yếu là các hãng hàng không nhỏ.
Để so sánh, các số liệu từ ba năm đại dịch trông không quá tệ. Năm 2020 chứng kiến 31 hãng ra đi. Năm 2021, 19 hãng ngừng hoạt động. Năm 2022, con số này giảm còn 12. Từ đầu năm 2023 có tiếp ba hãng phá sản, dấu hiệu một năm không thuận buồm xuôi gió với ngành hàng không.
Ông Ros cho rằng đại dịch không phải là tử thần quét sạch các hãng hàng không, mà là một cú hích lớn hơn đối với ngành công nghiệp hàng không. Theo ông, hầu hết những hãng phá sản năm 2020 vốn cũng đang trên đường phá sản, chỉ là một thời gian ngắn nữa thôi. Nhiều hãng đã gặp sự cố trong thời gian khá dài hoặc các liên doanh mỏng manh thiếu quy mô và phạm vi để cạnh tranh với các nhà khai thác lớn.
Theo ông Murdo Morrison, người đứng đầu bộ phận nội dung chiến lược tại trang tin tức về truyền thông FlightGlobal, hầu hết các hãng được cứu là nhờ chính phủ “đặt ngành hàng không vào trạng thái ngủ đông, trả chi phí cố định và phần lớn hóa đơn tiền lương”. Các hãng giảm người, giảm cấu trúc chi phí, vì vậy mặc dù không có doanh thu nhưng chi phí thấp hơn. Rất ít hãng hàng không bị phá sản do hậu quả trực tiếp của đại dịch.
Năm 2023 được xem là năm du lịch trở lại bình thường sau ba năm điêu đứng vì đại dịch. Nhưng điều này có thể không giúp nhiều cho các hãng hàng không.
Một thực tế là giá vé liên tục tăng. Đầu năm 2023, giá vé hạng phổ thông tăng trung bình 36% so với năm 2022, theo dữ liệu từ Flight Centre – công ty đặt vé có trụ sở tại Anh. Cá biệt, giá vé đến New Zealand tăng 81%, giá vé phổ thông từ Anh đến Nam Phi tăng 42%, thương gia tăng 70%.
Song lượng đặt vé trước tiếp tục đà giảm – 22% trên toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2023, so với năm 2019, theo ForwardKeys – cơ quan phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu bán vé của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế. Châu Á – Thái Bình Dương giảm nhiều nhất với 46%, tới châu Phi (18%), châu Âu (15%), châu Mỹ (9%), Trung Đông (5%).
Tuy nhiên, ông Olivier Pont, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên sâu của ForwardKeys, “lạc quan, thận trọng rằng mùa hè sẽ vô cùng bận rộn”.
Dù thế, theo ông Morrison tại FlightGlobal, “vấn đề lớn nhất” với ngành hàng không giờ là năng lực phục hồi. Mùa hè năm ngoái, các sân bay không thể đối phó với sự phục hồi của số lượng hành khách do “các hãng và sân bay không thể dự phòng nguồn lực vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sau khi cắt giảm chi phí”.
Theo Báo Pháp luật TPHCM