Nguồn lực đang dư thừa
Theo thống kê hiện số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt đến thời điểm hiện tại là khoảng 230 tàu, tăng 24 tàu so với năm 2019 (tương ứng tăng khoảng 10% đội tàu bay). Căn cứ theo số giờ bay thực tế của tất cả các hãng, giờ bay trung bình/tàu bay theo từng loại tàu và số tàu bay hiện có của các hãng trong tháng 4.2021, tổng số máy bay dư thừa của các hãng hàng không Việt Nam là xấp xỉ 58 tàu (chiếm 26% tổng số máy bay các hãng).
Trong bối cảnh dư thừa nguồn lực đó, điều bất ngờ là các hãng hàng không liên tục đưa thêm cung ứng vào thị trường, thống kê trong tháng 4.2021, tổng số ghế cung ứng ước tính bằng 137% so cùng kỳ 2019 trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) ước tính chỉ bằng 76% so với 2019.
Mặc dù vậy, với các mục đích khác nhau, các hãng hàng không Việt vẫn tiếp tục nhận tàu bay. So với thời điểm sau dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam cuối tháng 3.2020, các hãng đã nhận thêm 17 tàu bay, cụ thể: Vietjet Air nhận 6 tàu, Bamboo Airways nhận 8 tàu và Vietravel Airlines nhận 3 tàu.
Việc dư thừa cung ứng như nêu trên dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực. Cụ thể, hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội giảm sút do hiệu quả sử dụng tàu bay của tất cả các hãng giảm sút. Việc quá tải tại các nhà ga sân bay (đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài) đã khiến hành khách mất nhiều thời gian hơn cho mỗi chuyến bay và quá tải tại sân bay khiến các chuyến bay cần nhiều thời gian cho cùng hành trình dẫn tới lãng phí thời gian hành khách và khiến chi phí của các hãng hàng không tăng mạnh. Hơn nữa, việc dư thừa cung ứng cũng khiến các hãng hàng không giảm giá, giành khách và thị phần khiến hiệu quả của các hãng hàng không đều giảm sút.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam – ông Bùi Doãn Nề – Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia có thị trường tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới. Vì vậy, so với dự báo thì tiềm năng phát triển kinh doanh hàng không Việt Nam có cơ sở cần được quan tâm mang tính chiến lược dài hạn.
Đại dịch COVID-19 diễn ra khó lường, kéo dài xong vẫn mang tính ngắn hạn, các doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp, vừa khắc phục khó khăn phát sinh do đại dịch vừa chuẩn bị năng lực kinh doanh nhằm khẳng định vị thế cạnh tranh khi thị trường hàng không phục hồi.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM) cho rằng, việc mua máy bay là đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi hãng. Do đó, việc cấp Slot bay cần phải công khai minh bạch, rõ ràng về nguyên tắc cấp theo diễn biến của quá khứ và điều chỉnh dần cho tương lai.
Hiện nay Tân Sơn Nhất đang rất căng việc Slot giữa các hãng, việc cấp Slot không dựa vào tiềm năng hay số máy bay của hãng đó mà phải cấp theo nhu cầu vận chuyển và năng lực đáp ứng nhu cầu của hành khách ra sao để điều chỉnh công bằng giữa các hãng.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Tống, trong tình ngành Hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát như hiện nay mà một số hãng vẫn đầu tư thêm tàu bay là vô lý. Vấn đề quan trọng nhất là ổn định, củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Trong trường hợp các hợp đồng đã được thực hiện từ trước dịch bệnh thì vẫn có thể thương lượng để chậm lại, tuy trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay các hãng cũng có nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Cuộc đua về giá vé
Hiện đã có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4.2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ 2019. Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ gây ra những méo mó trong bức tranh thị trường, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.
Hơn nữa việc bán phá giá vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính hoàn toàn có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng mà tồi tệ hơn là phải lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, cơ quan quản lý cần kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cân nhắc và xem xét một số giải pháp về điều chỉnh phê duyệt mua tàu bay mới theo hướng siết chặt hơn để phù hợp với tình hình thị trường trong bối cảnh hiện nay dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, khả năng vận hành của các hãng và hệ thống hạ tầng cơ sở về đường lăn, nhà ga, kho bãi, dịch vụ mặt đất hạn chế. Ngoài ra, cần phải có biện pháp cân đối giá vé hàng không với giá các loại hình vận tải khác, tránh tình trạng sự mất cân đối của ngành Hàng không sẽ bóp nghẹt sự phát triển của các loại hình khác như vận tải đường thủy hoặc đường sắt.
Theo ông Bùi Doãn Nề, việc cạnh tranh là tất yếu, mang lại quyền lợi cho khách hàng và là động lực phát triển. Cạnh tranh bằng chính sách giảm giá chỉ là một trong hàng loạt giải pháp. Tuy nhiên, cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ, đáp ứng được mong đợi của hành khách ngày càng tốt hơn. Hiện tại có nhiều hãng bay trong nước và quốc tế khai thác tại thị trường Việt Nam.
Việc Cục Hàng không Việt Nam đang có kiến nghị bỏ giá trần là hợp lý vì việc xây dựng giá thành nên giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, giá vé máy bay nên giao cho các hãng hàng không xây dựng nhằm đảm bảo lợi ích hài hoà cho doanh nghiệp và khách hàng.
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh về giá vé, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng, trong điều kiện thông thường không cần đưa ra giá trần mà phải cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ và giá, việc giảm giá thường chỉ dành cho khách đặt mua trước. Việc phát triển của hàng không Việt thời gian gần đây và đặc biệt là sự ra đời của hàng không giá rẻ đã tạo cơ hội đi lại bằng tàu bay cho nhiều người.
“Nếu hãng bán phá giá, cụ thể trong một thời gian dài mà tiền bán vé thu về không đủ số chi ra thì cần phải xử lý nghiêm để tạo minh bạch và công bằng giữa các hãng” – ông Tống cho hay.
Theo: Báo Lao động
Nguyen Mai Huong-COMM