[Tết 2020] Hoài niệm những ngày xuân

Tết với những người mong ước giàu sang hay mong cầu thăng tiến trở thành một bước ngoặt để đạt được những khát vọng của mình. Để những người không may mắn khép lại những muộn phiền ở sau lưng, lập kế hoạch tiếp theo cho năm mới…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Khoảnh khắc đất trời vào xuân, vạn vật thay mình một màu áo mới, con người ta dễ dàng mở lòng mình hơn với mọi sự trên đời. Giao thừa nghiễm nhiên trở thành lý do và cột mốc để người ta đánh dấu sự mong muốn đổi mới hay bắt đầu cho những định hướng của riêng mình. Ở giây phút mà hương vị của đất trời nồng nàng hòa quyện vào từng thớ da thịt, khiến con người ta muốn được thu mình về cái an nhiên vốn có, muốn được nhỏ bé lại như cái thưở bé con “ăn chưa no, lo chưa tới”. Những gì không hay, thậm chí là những sai lầm thất bại trong năm cũ chỉ mong được bỏ lại phía sau, như đứa con trở về với vòng tay của mẹ, muốn được nghe những lời ủ ê an ủi, cho những cơn ác mộng trở thành màn sương tan mau khi nắng sớm. Để rồi khi bình minh của sáng mồng một thức giấc, người ta chỉ thèm nghĩ về ước mơ hạnh phúc của tương lai.

Tết là một nét đẹp, một phong tục truyền thống mà bất cứ ai cũng muốn giữ gìn bởi Tết mang lại cho con người ta bình yên, sự thương yêu và niềm tin theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dù tết có khi còn vất vả hơn ngày thường, nhưng dẫu có vất vả đến mấy, Tết vẫn khiến người ta trông ngóng và yêu quý đến lạ. 

alt textTV Trần Công Vinh 23 – Hoài niệm những ngày xuân. (Ảnh: FBNV).

Tôi mang ơn Tết vì sự bao dung và biến hóa những gì không tốt trở thành tốt đẹp, từ những mối quan hệ, những mâu thuẫn hay tranh cãi đã qua. Tết với những người mong ước giàu sang hay mong cầu thăng tiến trở thành một bước ngoặt để đạt được những khát vọng của mình. Để những người không may mắn khép lại những muộn phiền ở sau lưng, lập kế hoạch tiếp theo cho năm mới. Còn với tôi, Tết là lúc để tôi trở về và tìm lại chính mình, để nhớ về những kỉ niệm xưa cũ…

Ngày ấy cứ tết về, ai cũng thèm đến chảy nước miếng cái hương vị của lạp xưởng, của dưa hấu, của miếng mứt tết ngày xuân và cả nồi thịt kho nước dừa trong veo thơm phức. Quên sao được những phiên chợ hoa trên sông xuôi theo con nước bên hông chợ, chỉ có vài loại hoa quen thuộc nhưng lại là những nét đặc trưng không thể thiếu của tết. Không sạch sẽ, không sang trọng, đôi khi còn lắm bùn đất vậy mà đối với tất cả mọi người phiên chợ đó như trẩy hội, người người nhà nhà tranh thủ ra chọn cho mình vài chậu hoa ưng ý nhất, đặt trước hiên nhà rồi cứ xuýt xoa tâm đắc. Hội chợ lô tô năm nào không về là mấy đứa con nít buồn xo. Cứ đến khoảng 20 tết là đứa nào cũng hỏi ba mẹ: “Năm nay hội chợ có về không?”. Xóm giềng lúc nào cũng vang tiếng, chuyện đầu trên xóm dưới ai cũng tỏ tường, tết rộn ràng chạy qua chạy lại, vậy mà vui. Cái nồng ấm của tình xóm giềng, cái không khí đơn sơ đậm chất quê vậy mà trở thành một miền kí ức đẹp cứ theo mãi những đứa con xa quê. 

Tết xưa với những mong ngóng nôn nao, nên mặc nhiên người ta đón tết với niềm hân hoan khó tả. Ngày ấy, cứ cuổi sáng khoảng 22 -23 âm lịch, sáng bước xuống giường đã thấy mẹ đi chợ về tự lúc nào, sàn nhà đất đầy lá chuối chuẩn bị phơi, những thau đầy thịt đã ướp sẵn, đậu xanh, nếp thơm và cả chuối hấp. Ba ngâm dây lạt, mẹ sàng nếp, còn bà nội thì ngồi gói bánh. Tôi say sưa cái cảm giác được ngồi xem hay nói đúng hơn là cái không khí quây quần bên gia đình. 

Ngọn gió chớm xuân lành lạnh thổi vào nhà, ngoài sân mai vàng nụ đã nở to, ngày nữa sẽ nở tươi đón chào năm mới. Cái cảm giác đẹp nao lòng đến khó tả mà bất cứ những ai đã trải qua dù chỉ một lần cũng thấy may mắn trong cuộc đời. Rồi ba xếp gạch làm lò nấu bánh, gom mấy khúc củi dừa đã phơi ngoài sân. Họ hàng bên nội bên ngoại, rồi hàng xóm chạy qua chạy lại, lúc xem bánh đã chín chưa, lúc lại xin miếng tỏi miếng hành, rộn ràng như nhà có đám cưới to. Bọn trẻ chúng tôi cứ trông chờ mấy đòn bánh đã thành phẩm, ăn chẳng bao nhiêu nhưng thích nhìn cái bánh mới ra lò thơm phức mà đẹp làm sao. Cái nồi bánh cao gấp rưỡi, lửa than vẫn còn đỏ bùng, mẹ hay tận dụng để nướng bánh tráng bánh phồng cho ông nội với ba uống trà, đãi khách. Đó là những ngày bình yên để cảm nhận rõ cái hương vị của buổi sớm bình minh, khi từng dải nắng non xuyên qua kẽ lá và khẽ reo lên. Tết đã đến thật rồi.

alt textVới TV Trần Công Vinh, Tết là lúc để trở về và tìm lại chính mình, để nhớ về những kỉ niệm xưa cũ… (Ảnh: FBNV).

Bây giờ mỗi khi thèm cái tết ngày xưa, tôi lại ngồi nghĩ về những kí ức ấu thơ cũ kĩ. Ba mẹ mỗi năm lại thêm tuổi, tết đến cũng giao lại dần cho mấy anh em trong nhà tôi tự lo liệu, ông bà thì sao cũng được, cái tuổi thất thập lai hi an viên thôi chứ cũng chẳng quan trọng gì. 

Chiều 30 cả nhà giục nhau đi tắm, má thì lo cúng cơm đón ông bà về ăn tết với gia đình. Rồi nôn quần áo đẹp đón giao thừa xong chẳng đứa nào ngủ được vì nôn quần áo mới. Giao thừa ba chuẩn bị đâu mười mấy bản nhạc thâu vào castle rồi chuông chùa điểm vang là bật đến hồi nào hết nhạc mới thôi. Ai trong nhà muốn đi chùa thì theo nội với má, ba ở nhà uống trà tiếp khách qua xông nhà. Mọi người chúc nhau năm mới đủ đầy an khang. Khen nhau vài câu tết nay to hơn tết trước. Độ cũng phải 4 giờ sáng thì ai nấy mới đi vào giấc ngủ. Ấy vậy mà 5 giờ đã thấy ba tôi và ông nội pha ấm trà mới thắp hương buổi sáng tự khi nào.

Đến giờ thì mọi người trong nhà tôi vẫn cùng nhau đón Tết, chỉ khác là mỗi năm mỗi không khí và cảm nhận khác nhau. Nhưng dù có thế nào thì đoàn viên sum họp vẫn là quan trọng nhất… Bởi tôi biết rằng, với nhiều người, sum họp cũng như một món quà xa xỉ. Những kí ức đẹp mà mình may mắn có được, tôi sẽ giữ lại cho riêng mình và trân quý như một thứ tài sản vô giá… 

Xin được cảm ơn vì tôi còn may mắn hơn rất nhiều người, bởi “xuân mang niềm tin tới, bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới”…

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.