Đúng như câu nói: Mùa nào, thức nấy. Là một người mê đọc sách, tôi thấy đọc sách cũng có từng mùa vậy.
Mùa xuân khi mưa xuân lắc rắc bay thì đọc thơ, ngâm nga mấy câu Kiều để hòa nhịp cùng sự giao hòa của trời đất. Mùa hạ khi nắng hanh lên thì đọc truyện ngắn, như mấy câu chuyện lãng mạn của các chàng trai Hà Nội trong tập truyện Nắng trong vườn của Thạch Lam. Đến mùa Đông khi cái gió rét ù ù thổi ngoài cửa thì còn gì thú bằng nằm trong chăn ấm ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết dày cộp. Còn bây giờ, với trời thu mát mẻ của Hà Nội, thì có lẽ không gì hợp bằng 1 tập bút ký. Và “Miếng ngon Hà Nội” là một trong những cuốn sách mà tôi cho rằng hợp hơn cả.
Xã hội công nghiệp phát triển, mọi người làm gì cũng nhanh: nghĩ nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, uống nhanh. Hàng ngày, ai cũng vội vã ăn một bát phở để kịp đi làm, nhưng trong những ngày giãn cách, phải xa món phở, ai trong chúng ta chắc hẳn đều thèm món phở tới lạ lùng. Nỗi nhớ ấy được nhà văn Vũ Bằng viết lại bằng tất cả sự tinh tế, đọc câu văn tả về Phở Bò mà cứ lãng đãng như gieo vần thơ vậy. “Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta… Qua làn cửa kính đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm: chín có, tái có, sụn có, mỡ gàu có, vè cũng có… Người bán hàng thỉnh thoảng lại mở nắp cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ trong rừng mùa thu… Trông mà thèm quá! ”.
Cứ như vậy, toàn bộ cuốn sách là tất cả nỗi niềm đau đáu của người con xa quê và cái lãng mạn của chàng trai Hà Thành, 15 món ăn của Hà Nội được nhà văn Vũ Bằng mô tả với sự chăm chút, kỹ lưỡng, từ nguyên liệu, cách bài trí, đến cách ăn, cách thưởng thức. Không có cao lương mỹ vị, tất cả món ăn đều rất dân dã, từ phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá, thịt cầy, tiết canh cháo lòng, hẩu lốn.
Đại dịch Covid đã lấy của chúng ta nhiều điều, nhưng có lẽ cũng để lại cho chúng ta môt điều: “niềm trân quý cuộc sống, yêu những điều bình dị nhất trong cuộc sống, đặc biệt là tình cảm gia đình” đúng như tác giả đã viết trong cuốn sách cách đây một nửa thế kỷ:
“Những lúc đó ta không thể không liên tưởng tới những ngày dịu ngọt bên cạnh mẹ già, vợ dại dưới cái mái nhà cũ kỹ rêu phong. Ngọn đèn không sáng lóe nhưng đủ soi một cách thân mật vào những mái tóc thân yêu; tiếng ca hát không nhiều nhưng đủ làm cho tim ta ấm áp; mà bữa cơm tuy là thanh đạm, nhưng đủ để cho ta ngon miệng hơn là ăn vây, ăn yến. Đi trong gió lạnh lùng, tôi nhớ đến những buổi sum họp êm đềm, tôi nhớ đến những bữa cơm thân mật, tôi nhớ đến những miếng ngon gia dụng và đêm đêm tôi đã ghi những nhận xét và cảm xúc đó lên trên mặt giấy”.
Một cuốn sách hay để chúng ta cùng đọc thêm yêu cuộc sống.
Do Dong Hung-DGM