[Đọc sách phong cách VNA] Tạm biệt nỗi ám ảnh mang tên “Đồ đạc”

Sau khi tạm hoãn hợp đồng, tôi dư dả thời gian hơn, lại nhân dịp được bạn cho mượn mấy cuốn sách nên lôi ra gặm nhấm và cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” đã mở ra một chân trời mới trong tôi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những năm gần đây, người ta nói nhiều về lối sống tối giản, tôi đơn thuần hiểu là hạn chế đồ đạc trong cuộc sống của mình. Và rồi, sau khi biết về lối sống tối giản, không chỉ căn phòng của tôi thay đổi, mà dường như cuộc đời của tôi cũng thay đổi luôn.

Tôi nhớ ngày tôi vào viện cách li, tôi quên sữa tắm và vô số thứ mà tôi nghĩ mình sẽ cần lắm. Nhưng rồi, tôi vẫn sống 14 ngày mà không cần nó, sữa tắm dưỡng ẩm, nước hoa,… tôi vẫn rất ok với gói sữa tắm bệnh viện phát cho mỗi ngày. Tôi đọc được rằng, những thứ mà trong 14 ngày bạn không nhớ đến nó thì có lẽ cả đời này bạn cũng không cần đến nó nữa đâu.

Lối sống tối giản của người Nhật – Tác giả Sasaki Fumio. (Ảnh: sưu tầm)

Tôi cũng không cần giày thể thao, giày bệt, giày cao gót, sandal bởi đồng hành với tôi mỗi ngày chỉ là một đôi dép lê bạn tặng sinh nhật hai năm trước. Sau này đọc được cuốn sách, tôi mới nhận ra đây chính là lối sống tối giản (Minimalism) mà mọi người thường nhắc tới. Rằng nhiều thứ không có quan trọng như chúng ta vẫn thường nghĩ. Chúng ta đến thế giới này mà không mang theo cái gì cả, nên đừng biến thành nô lệ của đồ đạc. Khi sinh ra, mỗi người chúng ta đều là một người sống tối giản.

Tôi có một cái tính rất giống mẹ, mỗi lần dọn nhà, lôi ra một đống những thứ từ đời nảo đời nào, chả bao giờ dùng đến, nhưng vẫn cứ tiếc rẻ, lại tìm một góc cất đi. Tôi vẫn hay đùa bảo mình là kẻ “ăn mày quá khứ”, vì tôi thích lưu trữ mọi kỉ niệm. Những tấm thiệp, món quà bạn tặng từ hàng chục năm trước, những cuốn sổ ghi chép, nhật kí rồi cả những món đồ đã cũ hỏng. Tôi coi đó là cách mình giữ gìn hồi ức. Thế nhưng, những món đồ ấy cứ nằm bẹp ở một góc nào đấy, mỗi năm tổng vệ sinh nhà mới được lấy ra, trầm trồ một hồi rồi lại trở về chỗ cũ. Vòng lặp ấy cứ không có hồi kết suốt bao năm qua.

Sau cách li tôi cũng chuyển nhà, và tôi phát hiện ra những thứ mà mình đã cất giữ suốt những năm vừa qua với ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ dùng đến, nhưng không, những món đồ ấy cô quạnh ở một góc mà sau đó mãi mãi tôi không động tới. Tôi đã dọn được 4 túi lớn quần áo đem đi quyên góp, vài thùng sách đem tặng, và hàng đống món đồ không tên. Nhật kí, ảnh và thiệp tôi đem scan và không giữ lại nữa, hồi ức đó tôi vẫn lưu trữ, nhưng đặt một cách trân trọng trong tim tôi, chứ không phải một góc bụi bặm trong căn phòng nhỏ.

Tối giản không chỉ là vứt đồ hay giảm thiểu đến tối đa lượng đồ chúng ta có. Mà tôi còn học được rằng, chúng ta cần tối giản cả những suy nghĩ, bận tâm hay những bộn bề cuộc sống. Tập trung nhiều hơn vào bản thân mình để cảm nhận hạnh phúc chứ không phải đi tìm hạnh phúc ở đâu xa. Cuộc đời chúng ta có một quỹ thời gian khoảng 3.153.600.000 giây, một bộ não, một trái tim có dung lượng không đổi, và cũng như một căn phòng có diện tích không đổi.

Nếu ta cứ mặc nhiên tống bất cứ đồ đạc gì vào trong phòng thì căn phòng sẽ ngày càng chật chội, chúng ta càng lười dọn, chúng ta lại càng khó chịu, càng khó chịu thì lại càng lười dọn. Thế hãy để một căn phòng vừa đủ, dù tuần hay tháng tổng vệ sinh một lần nhưng trông lúc nào cũng gọn gàng. Một bộ não chỉ nên ghi nhớ những thứ có ích, một trái tim lưu trữ những điều tích cực, và một căn phòng không có đồ dư thừa.

Lương Thị Thư – NASCO

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.