[Đọc sách phong cách VNA] Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi – Nhật ký Nguyễn Văn Thạc

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã ra đi mãi mãi ở tuổi hai mươi tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Những dòng nhật ký anh để lại góp phần phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta, phản ánh một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Chuyện đời”

Bản thảo gốc có tên “Chuyện đời” là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilong màu xanh, tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen. Anh bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 tức là 28 ngày sau nhập ngũ và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư được Thạc gửi về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc.

Anh hi sinh chưa đầy 2 tháng sau đó, khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Thục đã thay mặt gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi bản thảo gốc về Nhà xuất bản Thanh Niên với mong muốn cho xuất bản cuốn nhật ký này, góp phần để bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ có thể tự hào về một thế hệ thanh niên đi trước mà vững bước hướng tới tương lai.

Tác phẩm được nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu đến độc giả, xuất bản năm 2005.

“Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuốn nhật ký đầy đặn đúng nghĩa, tuôn ra từ ngòi bút của chàng thanh niên giỏi văn đất Hà thành, viết về chuyện người, chuyện đời, theo dòng suy nghĩ và sự kiện trên những miền quê, những chặng đường hành quân.

alt text
Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi – Nhật ký Nguyễn Văn Thạc

Cuốn nhật ký dang dở

Bởi là nhật ký nên chân thật và chân thành.

Anh chỉ là anh.

Là cậu sinh viên khoa Toán – Cơ, rời ghế nhà trường lên đường chống giặc Mỹ. Là người con xa nhà, đọc “Bầm ơi” mà nhớ mẹ. Là chàng trai lòng đầy lãng mạn, nhớ cô bạn gái thân thiết nơi hậu phương. Là cậu thanh niên yêu thơ văn, viết rất nhiều và rất hay, nhưng vẫn không hài lòng mà cho rằng ngòi bút mình cứ tắc, cứ ngắc ngoải. Là anh lính binh nhì, giác ngộ lý tưởng cách mạng, khát vọng lên đường vì ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc.

Đó chính là anh – anh bộ đội cụ Hồ.

“Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.

Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”

Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ.

Giờ đây khi đất nước đã sạch bóng quân thù và đang trên đà phát triển, ai sẽ thay Thạc viết tiếp? Với mong muốn của người đã đi xa mãi mãi, cuốn nhật ký mở ra những trang trống, cho thế hệ bây giờ và sau này, tự hào tiếp bước cha anh.

Nguyen Thuy Linh – CNMT

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.