Chuyện tình Nga và Chi.
“Lá ngọc cành vàng” được đăng lần đầu trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1935, tác phẩm gồm 16 chương, xoay quanh chuyện tình yêu đầy trái ngang của cô gái con nhà quan lại và chàng trai con nhà dân nghèo.
Nga yêu Chi.
Nga thân là lá ngọc cành vàng còn Chi chỉ là anh học trò nghèo, con trai bác đồ Sơn bán xôi chè ở phố chợ. Chuyện tình của họ là những ngày chủ nhật được nghỉ học, để ngóng trông, để giận hờn, để gặp nhau, và để tương tư.
Và rồi, bố của Nga – ông Tri phủ – đã coi thứ tình yêu đó là một tội bất hiếu lớn, là đi ngược với luân lý. Con nhà quan thì không thể yêu đương cưới xin với con nhà nghèo phận tôi tớ, như vậy là trái lời tổ tiên, là nhục nhã. Ông Phủ đã lạm dụng quyền làm cha và quyền làm quan với những luân lý đạo đức cứng nhắc lạc hậu, để đày đọa cô con gái và người yêu của cô, để thẳng tay trừng trị và bắt Nga phải tuyệt giao ngay với Chi.
Vì quá thương nhớ người yêu, Nga hóa điên. Nhờ có chú của Nga làm hậu thuẫn, Chi được đến thăm, Nga khỏi bệnh nhưng lại có thai với Chi. Ông Phủ bắt Nga phải uống thuốc phá thai và đánh đập cô đến chết. Mẹ con Chi cũng bị hành hạ dã man không kém.
“Lá ngọc cành vàng” mặc dù không tránh khỏi những nội dung chiều theo thị hiếu công chúng đương thời bằng câu chuyện tình đầy éo le mùi mẫn với các tình tiết ốm tương tư, chết chóc… Nhưng đây là tác phẩm có ý nghĩa đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong ngòi bút của Nguyễn Công Hoan.
Lá Ngọc Cành Vàng – Nguyễn Công Hoan
Kết cấu tương phản.
Tương phản là hình thức đặt cạnh nhau những sự vật trái ngược về bản chất, nhằm giúp mỗi sự vật nổi bật được đặc điểm đặc trưng riêng, hơn là thể hiện chúng một mình, một chiều, không đối chứng.
Trong văn học đã sớm xuất hiện hình thức tương phản thể hiện dưới nguyên tắc bổ đôi phân cực qua hệ thống nhân vật: trung thần – gian thần, cao cả – thấp hèn, mới – cũ, tốt – xấu, thiện – ác, giàu – nghèo.
Tiểu thuyết “Lá ngọc cành vàng” của Nguyễn Công Hoan được kết cấu trên trục tư tưởng tương phản này. Trong tác phẩm, sự xung đột giữa tình yêu của Nga – Chi với vợ chồng ông bà Phủ không chỉ là xung đột giữa mới với cũ, giữa tình yêu tự do với lễ giáo phong kiến, mà bao trùm chủ đạo đó là mối xung đột giàu – nghèo.
Lão Phủ ngăn cấm tình yêu của con gái một cách tàn ác đầy lạnh lùng, không phải chỉ vì tình yêu ngoài lễ giáo, mà nguyên nhân cốt lõi là vì Chi là con nhà “hèn hạ”, là thân “chất cỏ mình rơm”, là phận tôi tớ, không xứng với Nga “lá ngọc cành vàng” của dòng dõi trâm anh thế phiệt.
Để rồi trước cái chết của đứa con gái ruột, lão ta buông thỏng một câu tàn nhẫn đến không thể tin được: “Thôi được, càng đỡ nhục!” – Câu cuối cùng của tác phẩm là giọt nước tràn ly, là cọng rơm cuối làm gãy lưng lạc đà, xé toạc và vạch trần bộ mặt càn rỡ vô nhân tính của tư tưởng hủ hậu bảo thủ phong kiến, được ngụy trang dưới danh nghĩa gia pháp, lễ giáo, luân lý, đạo đức.
Kết cấu tương phản giàu – nghèo trong “Lá ngọc cành vàng” đã góp phần thể hiện sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa cái tôi cá nhân và chế độ đại gia đình phong kiến, giữa hai phe mới – cũ trong thời kỳ xã hội lai căng. Điều này khá giống với tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn, nhưng điểm khác biệt điển hình chính là đa phần các tác giả của Tự Lực văn đoàn đứng trên lập trường tư sản cải lương và dường như chấp nhận hiện thực, chỉ muốn cải cách để sống chung chứ không đặt vấn đề phủ nhận như các nhà văn hiện thực phê phán – cụ thể ở đây là Nguyễn Công Hoan – nhà văn đứng hẳn về phía người nghèo bị ức hiếp trong khi châm biếm đả kích trực tiếp hạng quan lại lạm dụng quyền thế và tiền bạc để áp bức dân nghèo.
Thái Công – TCS