[Đọc sách phong cách VNA] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya

“Người yêu em không muốn em theo hàng không, ảnh kêu nghề này phiêu bạt quá. Nhưng mơ ước mười mấy năm em không bỏ được, em phải làm sao đây?”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sống trên đời, hẳn chúng ta cũng từng đứng trước vô vàn những trăn trở như thế, mà việc đưa ra quyết định lại chưa từng dễ dàng. Ở lại thành phố hay về quê? Theo đuổi đam mê hay lựa chọn công việc nhẹ nhàng ổn định? Náu mình giữa vòng an toàn, thanh tịnh hay là lăn xả vì một xã hội tốt đẹp hơn? Những tưởng rất giản đơn, nhưng khi thực sự phải lựa chọn mới hiểu, thật gian nan biết mấy!

Có lẽ chính vì thế mà “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” đã ra đời. Giữa hàng chục cuốn sách của Keigo, “đứa con” hiếm hoi không thuộc đề tài trinh thám này lại khiến tôi xúc động hơn bao giờ hết, bởi sự dung dị, tinh tế trong từng con chữ, bởi cái “duyên”, bởi cái “tình”, bởi cảm giác ấm áp vượt lên khỏi những thăng trầm, sưởi ấm trái tim người đọc, rồi lặng lẽ nảy mầm thành điều kỳ diệu trong chính tâm hồn họ.

Hơn ba mươi năm trước, từ một cơ duyên hết sức tình cờ mà tiệm tạp hóa giải ưu Namiya đã ra đời, trở thành chốn dừng chân cho những kiếp người hoang mang, lạc lối. Một đêm khuya của hơn ba mươi năm sau, trên đường chạy trốn sau vụ đột nhập chẳng lấy gì làm thuận lợi, ba tên trộm nghiệp dư nọ vô tình lạc bước vào cửa tiệm, vô tình nhận được những lá thư gửi từ quá khứ, bất đắc dĩ trở thành những kẻ gỡ rối tơ lòng, để rồi tạo nên bước ngoặt số phận cho những người nhờ tư vấn, và cả chính bản thân mình…

Ở Namiya không có những câu chuyện đao to búa lớn rúng động tâm can, ở đây ta chỉ bắt gặp những kiếp người nhỏ bé rất đời, những trăn trở, âu lo cũng rất đời chất chứa trong mỗi cánh thư không đề tên người gửi. Phải lựa chọn thế nào đây, giữa sự nghiệp và tình yêu? Giữa đam mê và trách nhiệm? Giữa thực tại và lý tưởng? Giữa đối diện sự thật và xoay người trốn tránh? Làm thế nào đây, khi bản thân có ước mơ, nhưng mơ ước ấy không nuôi nổi bản thân, gia đình, khi mối lo cơm áo đè nặng lên vai, cản bước ta theo đuổi đam mê?

Ai sẽ giúp ta trả lời những câu hỏi ấy? Kỳ thực vẫn là chúng ta, những khúc mắc ấy, chỉ bản thân mới có thể gỡ bỏ, con đường tương lai, chỉ bản thân mới có thể bước tiếp. Những người tìm đến tiệm tạp hóa Namiya nhờ tư vấn đều là những người đang đứng giữa ngã ba đường, hoang mang chưa chọn được lối đi, hay nói đúng hơn, họ đã có hướng đi cho mình, nhưng còn do dự, còn thiếu một chút dũng khí và tự tin để tiến về phía trước. Tiệm tạp hóa Namiya đem đến cho họ chính là sự lắng nghe, thấu hiểu, điểm tựa tinh thần cùng những lời chia sẻ chân thành, thẳng thắn.

Mọi người đến với Namiya bởi cái duyên, nhưng ở lại là bởi cái tình. Nếu không vì cái “tình”, ông Namiya có cần tận tụy trả lời thư của những người xa lạ suốt bấy nhiêu năm? Có cần nghiêm túc hồi đáp “tờ giấy trắng” tưởng như trò đùa vào những phút cuối đời? Có cần mãi canh cánh trong lòng rằng lời khuyên của mình tác động thế nào đến cuộc đời người hỏi, tác động thế nào đến xã hội này? Nếu không bởi chữ “tình”, ba cậu chàng ăn trộm – kiêm tư vấn viên bất đắc dĩ kia – hoàn toàn có thể ngồi chờ mặt trời lên rồi tẩu thoát, bỏ mặc những lá thư, phó mặc những con người đang chấp chới kia cho dòng xoay số phận. Và nếu không bởi chữ “tình”, những người đến nhờ tư vấn đâu cần dốc ruột dốc gan cùng người lạ, coi lời khuyên của họ như kim chỉ nam, như động lực để phấn đấu, đâu cần đem những lời khuyên ấy khắc sâu vào tâm khảm, để mấy chục năm rồi vẫn còn ghi nhớ, biết ơn, trả nghĩa cho đời?

Nhân vật của Namiya mỗi người mỗi vẻ, mỗi câu chuyện, mỗi số phận riêng, những tưởng chẳng chút liên quan nhưng rồi cái duyên, cái tình đã đưa họ đến với nhau bằng một sợi dây liên kết kỳ diệu, khiến người đọc vừa xúc động vừa bất ngờ, thích thú. Đấy là cái tài của Keigo, có thể đem những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc xâu chuỗi thành một bức tranh lớn, biến những chi tiết tưởng chừng vô lý thành hợp lý, phù phép để những dòng thời gian quá khứ – hiện tại đan xen lớp lang, mạch lạc, đủ li kỳ cũng đủ logic, đủ nhân văn, đủ để in dấu vào trái tim độc giả. Gấp cuốn sách lại, cảm giác từa tựa dư vị của một tách trà chiều, thanh đạm, nhẹ nhàng, có chút đắng chát hòa với ngọt ngào vấn vương nơi đầu lưỡi.

Tôi từng nghĩ, nếu trên đời có tiệm tạp hóa giải ưu thật thì tốt biết bao. Sau này tôi mới nhận ra, kỳ thực Namiya vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống. Giống như đồng nghiệp của chúng tôi từng tâm sự sau chuyến bay giải cứu 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình, những lời hỏi han động viên từ đồng nghiệp, ánh mắt lấp lánh biết ơn của hành khách và cả những lời chúc, lời khen từ rất rất nhiều người, với chúng tôi mà nói, chính là Namiya đó.

“Con người khi sống, hãy vui tươi

Đứng trước trái ngang, miệng vẫn cười

Sang hèn vẫn thế, lạc quan sống

Đau khổ mà chi, uổng kiếp người.”

Hãy cứ mạnh mẽ, lạc quan tiến về phía trước nhé, tôi tin rằng sẽ luôn có một tiệm tạp hóa Namiya cùng vô vàn điều kỳ diệu dành cho mỗi chúng ta.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.