Covid- 19 đã thay đổi cả thế giới.
Những nhân viên hàng không, đặc biệt là các tiếp viên VNA, xưa nay vốn “đi nước ngoài như đi chợ”, thì giờ đây, những Melbourne, Moscow, Frankfurt, Paris, London, những Pusan, Seoul, những Tokyo, Haneda, Fukuoka, Osaka… đã trở thành vô vàn kỷ niệm đẹp đẽ cùng một nỗi nhớ khôn nguôi.
Với riêng tôi, nỗi nhớ ùa về bất kể lúc nào, nhất là khi tôi đang nghỉ luân phiên khá là rảnh rỗi. Và tôi nhận ra mình nhớ nước Nhật nhiều nhất. Tôi nhớ đến nước Nhật khi nấu ăn, chợt nhận ra mình thiếu một loại gia vị thường mua từ Nhật. Một bông hoa, một chiếc lá cũng có thể nhắc tôi nhớ đến cả một mùa anh đào hoặc mùa thu lá đỏ xứ Phù Tang. Một phút dừng chờ đèn đỏ lại nhắc tôi nhớ về tiếng cúc cu khá đặc trưng ở mỗi ngã tư bên Nhật.
Và hôm nay, thêm lần nữa nỗi nhớ ùa về, khi tôi cầm trên tay cuốn “Chuyện ở vịnh Tokyo” của Đinh Lê Hương (Alphabooks, NXB Thế giới).
Khoe luôn với bạn, tác giả Đinh Lê Hương, đã từng là Hương 58, một tiếp viên của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, hiện đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ. Cô ấy cũng tự hào liệt kê dòng giới thiệu đó ngay trên bìa sách.
Nếu bạn là một tiếp viên hàng không, đọc “Chuyện ở Vịnh Tokyo”, bạn sẽ thấy vừa lạ vừa quen. Quen, là vì trong mười mấy năm đi bay, số lần đến Nhật có khi lên đến con số hàng trăm, bạn sẽ thấy đồng cảm với những chuyện Hương kể. Ví dụ như chương “Tokyo và “shop till you drop”, hoặc chương “Những đường tàu Tokyo”, bạn sẽ thấy tâm đắc lắm. Là vì đúng rồi, mình cũng thích mua sắm ở Tokyo lắm, đúng rồi, mình cũng từng bị lạc ở Tokyo khi đi tàu.
Có nhiều lắm những “đúng rồi” sẽ được thốt lên, y như đang được tán chuyện với một cô bạn thân cùng sở thích vậy. Đây chính là hai chương làm tôi nhớ nước Nhật nhất.
Còn thấy lạ, là vì cuốn sách của Hương kể nhiều hơn thế. Cô ấy viết về thời gian du học ở Nhật. Hương dành nhiều chương để kể về các giáo sư, bạn cùng khóa, những môn học, những vấn đề xã hội mà cô ấy quan tâm.
Không cần phải là một người quá yêu thích việc học hành, bạn cũng có thể thấy những chương sách này khá hay. Trước hết là vì bản thân câu chuyện vốn đã hấp dẫn. Chứ sao nữa, toàn những giáo sư, những học viên xuất sắc, bản thân họ đã là những người rất thú vị rồi. Đã thế lại còn được miêu tả dưới ngòi bút sinh động, với cách viết tự nhiên, có lúc hơi “tưng tửng” của tác giả, thì nhân vật và câu chuyện đương nhiên là hiện lên sống động hấp dẫn rồi.
Vậy đấy, cuốn sách kể về “một giấc mơ quá đẹp” của Hương. Khép trang sách lại, hẳn sẽ có bạn đọc cũng tự hỏi mình, rằng giấc mơ đẹp của mình là gì và đã đến hay chưa. Có khi, bạn lại “vượt lười” để đứng dậy làm những việc nho nhỏ thôi, nhưng sẽ góp phần hiện thực hóa giấc mơ của riêng mình.
Và như thế, “Chuyện ở vịnh Tokyo” là những câu chuyện nhỏ nhẹ nhàng nhưng cũng truyền cảm hứng một cách tự nhiên và mạnh mẽ. Chúc cho những ai đọc cuốn sách này cũng đều tìm được một giấc mơ đẹp đẽ cho riêng mình.
Chuyện ở vịnh Tokyo
Tác giả: Đinh Lê Hương
Alphabooks và Nhà xuất bản Thế giới.