[Đọc sách phong cách VNA] Búp Sen Xanh – Nhờ đâu nuôi dưỡng một vĩ nhân?

“Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công và nổi tiếng nhất của nhà cách mạng, nhà văn Sơn Tùng. Tác phẩm tái hiện lại cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Chùa quê ngoại, cho đến khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để hoàn thành “Búp sen xanh”, tác giả đã dày công sưu tầm tư liệu có liên quan và chấp bút trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành năm 1980.

Kể từ ngày ra mắt vào năm 1982 đến nay, “Búp sen xanh” liên tục được tái bản một năm vài ba lần, đây là điều hiếm thấy nếu không muốn nói là duy nhất trong đời sống văn học Việt Nam.

alt text
[Đọc sách phong cách VNA] Búp Sen Xanh – Nhờ đâu nuôi dưỡng một vĩ nhân? (Ảnh: Nxb Kim Đồng)

Một cuốn tiểu thuyết lịch sử

“Trời có thấu chăng trời!
Nước Nam cơ khổ nhiều đời đắng cay.”

Bên gốc cây đa đầu làng Chùa, tiếng đàn bầu réo rắt bay lên theo lời ca của ông Xẩm. Trong ngôi nhà nhỏ phía đầm sen, tiếng rên theo từng cơn đau đứt đoạn, chị nho Sắc đang thời chuyển dạ. Cậu bé Côn ra đời, hòa âm tiếng khóc trong tiếng gà gọi con lên ổ, tiếng bò gọi bê vào chuồng, tiếng chim kêu ríu rít trên mái nhà, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về…

Với một thứ ngôn từ vừa mộc mạc như đất, vừa vững chãi như núi – Sơn Tùng đã phác họa một cách sắc sảo, sống động, và đầy chân thật những năm tháng đầu đời của vị cha già dân tộc Việt Nam, bằng thể loại văn học đặc biệt gọi là tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời đó là tiểu thuyết, không thể giản đơn và sơ lược về sự kiện và nhân vật như truyện sử hay ký sự lịch sử, mà còn tái hiện sinh động cuộc sống con người đi cùng  không khí thời đại. Có tâm hồn, có cá tính, có trang phục, có nhà ở, có đồ dùng, có lời ăn tiếng nói, có bài ca, có trò chơi…

Đọc tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh”, độc giả được sống, thể nghiệm với làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… Và, còn tưởng như ngửi được cả hương sen tinh khiết, chính là loại hương sen từ ngoài đầm bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng chị nho Sắc tỏa ra ngào ngạt thuở ấy.

Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.

Nhờ đâu nuôi dưỡng một vĩ nhân?

Trong mọi bản in của “Búp sen xanh”, đều có một lời đề từ trang trọng của tác giả Sơn Tùng:

“Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời.”

Tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh” là minh chứng cho câu nói trên.

“Côn” có nguồn gốc từ sự tích loài cá hóa chim bằng, mong rằng có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công, nên tự là “Tất Thành”. Tên của Bác do ông ngoại – cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt cho – cái tên đã vận vào Người.

Gia đình Bác là một gia đình nhà nho yêu nước, luôn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Đây là gia đình của một nhà nho có tầm thời bấy giờ, nhưng không bao giờ khinh nhờn những kẻ nghèo mạt, tật nguyền, trái lại còn hết lòng đỡ đần, yêu thương. Đây là gia đình của một nhà nho hay đi dạy học cho con của quan lớn trong triều đình, nhưng không bao giờ vin vào đó mà tư lợi cho bản thân.

Truyền thống hiếu học, thanh bạch và yêu nước của gia đình, với tình người dung dị của quê nhà xứ Nghệ đã thấm nhuần trong tâm hồn Bác. Ở đấy có có làng Sen, có khung dệt của mẹ, có lời dạy của cha, có lời ca của ông Xẩm, có chị Thanh anh Khiêm, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Ở đấy có xứ Huế, trong cuộc sống nghèo khổ mang theo nỗi trăn trở tuổi trẻ về con người và về vận mệnh dân tộc.

“Búp sen xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử giao thoa để cùng nhau cụ thể hóa và trọn vẹn hóa quá trình hình thành một nhân cách cao đẹp, sáng trong của lãnh tụ Việt Nam.

Duyên Bùi – VACS

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.