Theo chị, văn hóa an toàn hàng không có ý nghĩa như thế nào?
Theo mình, văn hóa an toàn không phải là công việc của riêng những cá nhân làm về công tác an toàn mà nó là trách nhiệm của tất cả mọi người trong tổ chức để đảm bảo an toàn của tổ chức dựa trên sự tin tưởng và chia sẻ các thông tin an toàn giữa cấp quản lý và nhân viên, được khuyến khích ủng hộ từ lãnh đạo.
Đánh giá của chị về việc lan tỏa và công tác tuyên truyền vận động thực hiện văn hóa an toàn hàng không của VNA?
Việc lan tỏa và công tác tuyên truyền vận động thực hiện văn hóa an toàn hàng không của VNA đang được thực hiện hiệu quả và mang tích thực tế. Từ việc thay đổi tư duy và cách quản lý, lãnh đạo, đưa ra bộ định nghĩa về hành vi, về văn hóa an toàn, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa chính trực và văn hóa không trừng phạt, đến việc lan tỏa những điều này trong tập thể. Giáo dục và tuyên truyền đến từng các nhân trong tổ chức bằng các hội thảo, các chương trình truyền thông, các chương trình khảo sản văn hóa an toàn đến hay chương trình báo cáo an toàn trong các lĩnh vực để khuyến khích cá nhân có ý thức trong công tác an toàn.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637405150222728579.jpg)
Theo chị, mỗi CBNV của VNA cần làm gì để nắm vững về VHAT, xây dựng VHAT và thực hiện mục tiêu nâng mức VHAT từ tuân thủ lên chủ động vào năm 2020?
Mỗi CBNV VNA cần chủ động cập nhật các bản tin an toàn được chia sẻ của TCT, từ đó rút kinh nghiệm bài học cho mình và cho tập thể của mình. Bên cạnh đó, cần thay đổi từ hành vi tuân thủ quy trình quy định sang cần chủ động sáng tạo trong công việc. Tức là cần phát hiện những tồn tại trong quy trình quy định cần cải tiến để hệ thống vận hành được hiệu quả và an toàn hơn. Chủ động phát hiện những điểm mất an toàn trong công tác để báo cáo kịp thời, có thể đưa ra những phương án hoặc xin ý kiến lãnh đạo, tập thể để cải tiến nâng cao hiệu quả an toàn.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637405152327277327.jpg)
Chị có thể chia sẻ câu chuyện về việc phát hiện những trường hợp, ca khó, bất thường liên quan an toàn bay và đã kịp thời xử lý thành công?
Thời gian vừa qua, Cảng HK Vinh đang cho xây dựng lắp đặt 2 cửa ra tàu bay mới sử dụng cầu ống lồng. Việc xây dựng gây ra nhiều bất tiện trong công tác khai thác do phải ngừng sử dụng 2 cửa ra tàu bay và 2 vị trí sân đỗ. Việc này cũng gây ra những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn. VNA tại Vinh đã có khuyến cáo và được lập thành văn bản giữa VNA, nhà thầu thi công và CHK Vinh về việc cần gia cố và kiểm tra tính chắc chắn của hàng rào vây bao khu xây dựng, tránh để gây tại nạn cho nhân viên và khách hàng cũng như giải phòng FOD ra sân đỗ.
Theo chị, sự phối hợp giữa các đơn vị, các bộ phận để xử lý vấn đề/bất thường có vai trò như thế nào đối với an toàn bay?
Sự phối hợp giữa các đơn vị, các bộ phận để xử lý vấn đề bất thường có vai trò quan trọng đối với an toàn bay. Bởi vì mỗi đơn vị, mỗi bộ phận có một chức năng, nhiệm vụ riêng. Việc phối hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi xử lý vấn đề. Bên cạnh đó, khi phát sinh vấn đề, bất thường có thể không phải nguyên nhân chỉ do một bộ phận mà nằm ở nhiều đơn vị, nhiều bộ phận, cần sự thay đổi và xử lý từ các nguyên nhân đó. Mặt khác, sự phối hợp giữa các bộ phận là cái nhìn tổng quan của toàn đơn vị, sẽ chu đáo và toàn diện hơn là cái nhìn từ một phía, một bộ phận hay một đơn vị
Chị đánh giá như thế nào về việc VNA nâng mức văn hóa an toàn từ tuân thủ lên chủ động vào năm 2020?
Việc nâng mức văn hóa an toàn từ tuân thủ lên chủ động năm 2020 là việc làm cần thiết để xây dựng và cải tiến văn hóa an toàn trong doanh nghiệp. Văn hóa an toàn không phải của riêng những người làm về công tác an toàn mà nó là nhận thức và niềm tin của mỗi cá nhân trong một tổ chức về các vấn đề an toàn. Khi mỗi cá nhân chủ động về văn hóa an toàn, các hành vi an toàn sẽ tích cực hơn, đổi mới và cải tiến được hệ thống để hệ thống trở nên hiệu quả hơn, an toàn hơn.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637405153328345117.jpg)
Là người VNA, chị nhận thức, quan niệm và hành động như thế nào về văn hóa chính trực?
Văn hóa chính trực là văn hóa mà mọi nhân viên đều chịu trách nhiệm về hành động của mình và bù lại sẽ được đảm bảo về đối xử công bằng, chính trực sau mỗi sự việc hay tai nạn. Vì vậy, để có được văn hóa chính trực và xây dựng được những cá nhân dám chịu trách nhiệm về hành động của mình, văn hóa chính trực phải có tinh thần cởi mở và mỗi nhân viên cảm thấy có thể tin tưởng hệ thống. Nó làm tăng sự tin tưởng của nhân viên đối với lãnh đạo trong việc đặt ưu tiên và an toàn hơn là quy trách nhiệm, đổ lỗi.
Là người VNA và đã chủ động tìm hiểu về văn hóa an toàn, văn hóa chính trực trong đơn vị, bản thân tôi thấy cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa về văn hóa chính trực để làm tăng niềm tin của CBNV, xây dựng ý thức báo cáo an toàn và tin tưởng vào hệ thống.
Chị có ý kiến đóng góp gì để giúp VNA xây dựng VHAT thực sự đi sâu vào tiềm thức, hành động và trách nhiệm của mọi CBNV?
Ngoài công tác tuyên truyền và lan tỏa về Văn hóa an toàn, để xây dựng VHAT thực sự đi sâu vào tiềm thức, hành động và trách nhiệm của mọi CBNV, theo tôi, chúng ta cần làm tốt hơn nữa văn hóa tin tưởng. Mỗi cá nhân tin tưởng và tính công bằng của hệ thống, vào văn hóa không trừng phạt để dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Phần lớn những lỗi cá nhân là những lỗi vô ý và việc báo cáo an toàn sẽ giúp xây dựng hệ thống vận hành tốt hơn. Đây là cơ hội quý giá để học hỏi và hoàn thiện quy trình hoạt động thông qua quá trình phản hồi và phân tích sự việc.
Vu Hoang Quy – COMM