Bộ quy chế an toàn hàng không (VAR) của Cục hàng không Việt Nam, VAR19.023 nêu rõ các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện báo cáo nhà chức trách hàng không theo luật định, tuy nhiên mọi tổ chức, cá nhân đều có thể lập báo cáo tự nguyện nếu thấy cần thiết vì mục đích an toàn hàng không.
Báo cáo an toàn không nhằm mục đích đổ lỗi hay quy trách nhiệm. Yêu cầu báo cáo bắt buộc nhằm góp phần nâng cao an toàn hàng không bằng cách đảm bảo việc báo cáo đầy đủ và kịp thời các thông tin liên quan đến an toàn, được thu thập, lưu trữ, bảo vệ và phân bổ đến đúng nơi quy định. Báo cáo tự nguyện của cá nhân góp phần không nhỏ vào việc cải tiến an toàn thông qua các quy trình và chính sách an toàn chất lượng.
Các báo cáo an toàn đầu vào và đầu ra của Hệ thống quản lý an toàn (SMS):
Báo cáo gửi đến SMS (đầu vào) là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu cho hệ thống quản lý an toàn chất lượng:
► Báo cáo bắt buộc: Là báo cáo an toàn mà các cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố và vụ việc an toàn trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng và dịch vụ của VNA theo mẫu quy định sẵn của nhà chức trách hàng không hoặc của nhà khai thác. Các thông báo ban đầu về tai nạn, sự cố ngay lập tức phải được gửi về cấp lãnh đạo và Ban an toàn chất lượng; Báo cáo sơ bộ quy định gửi trong thời hạn 24 giờ.
► Báo cáo tự nguyện: Là báo cáo an toàn mà người báo cáo tự nguyện thực hiện để cung cấp các thông tin an toàn trong hoạt động của tổ chức. Việc báo cáo này không bị ràng buộc bởi các quy định và yêu cầu về pháp lý và hành chính. Tất cả cán bộ nhân viên của VNA, đặc biệt là cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc trong lĩnh vực khai thác bay, khai thác mặt đất, bảo dưỡng tàu bay được khuyến khích báo cáo về các sự cố, vụ việc, những tiềm ẩn gây mất an toàn xảy ra trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng và dịch vụ. VNA cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin an toàn cho hoạt động của công ty.
► Báo cáo bí mật: Là báo cáo an toàn tự nguyện mà thông tin cá nhân của người báo cáo được giữ kín. Mọi cán bộ nhânviên và cá nhân liên quan có thể viết báo cáo bí mật về vấn đề an toàn hoặc tiềm ẩn gây mất an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. VNA sử dụng hệ thống AQD để tiếp nhận báo cáo bí mật. Các báo cáo này được xử lý và thông tin về người báo cáo được bảo mật hoàn toàn.
► Báo cáo định kỳ: Là báo cáo an toàn định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) của đơn vị về tình hình hoạt động và các vấn đề, sự kiện an toàn gửi tới hệ thống quản lý an toàn chất lượng (ATCL) của tổ chức. VNA đang duy trì hiệu quả hệ thống báo cáo định kỳ nội bộ, báo cáo định kỳ gửi Cục HKVN, báo cáo định kỳ gửi IATA…
Báo cáo từ SMS (đầu ra) gồm:
► Báo cáo nhận diện và đánh giá rủi ro (HIRA)
► Báo cáo điều tra sự cố an toàn
► Báo cáo đánh giá
►Báo cáo giảng bình an toàn
► Báo cáo họp an toàn định kỳ
► Báo cáo chỉ số thực hiện an toàn
► Báo cáo cải tiến SMS
► Báo cáo Cục HKVN
VAR 12.075 quy định Hệ thống quản lý an toàn của người có AOC phải quản lý phương pháp báo cáo, gồm báo cáo có hoặc không có danh tính, khắc phục các vấn đề an toàn xảy ra và gửi phản hồi đến người báo cáo.
Trước đây khi chưa có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hình thức báo cáo chủ yếu là sử dụng các mẫu báo cáo thích hợp dạng bản giấy in sẵn, báo cáo qua điện thoại, thư điện tử, hoặc báo cáo trực tiếp… Báo cáo được xử lý sơ bộ tại cơ sở trước khi gửi về đơn vị quản lý (Ban ATCL), mất nhiều thời gian để điều tra xử lý, thống kê lưu trữ khó khăn và không đảm bảo tính khách quan, kịp thời.
Từ năm 2018, cùng với việc phát triển mạnh ứng dụng công nghệ vào hệ thống quản lý điều hành, VNA triển khai phần mềm Quản lý ATCL tổng thể (AQD), khuyến khích cán bộ nhân viên gửi báo cáo an toàn ngay khi xảy ra vụ việc thông qua module eReport (AQD). Các mẫu báo cáo cần thiết đều được tích hợp vào ứng dụng. Mọi báo cáo ATCL lập tức được chuyển tới Ban ATCL. Cán bộ chuyên trách tại Ban sẽ xem xét báo cáo và quyết định cập nhật vụ việc vào cơ sở dữ liệu, sau đó từng vụ việc sẽ được xử lý theo quy trình thích hợp.
Với việc triển khai hệ thống AQD trong quản lý ATCL, VNA đã có bước tiến quan trọng để cải tiến việc báo cáo và xử lý báo cáo an toàn trong tổ chức. Các vụ việc, sự cố an toàn được báo cáo đầy đủ, kịp thời giúp lãnh đạo đơn vị quản lý điều hành và ra quyết định hiệu quả. Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực SXKD đang từng bước thay đổi tích cực văn hóa báo cáo và góp phần đưa văn hóa an toàn của VNA sớm đạt mức tiên tiến 5.0