Gần 2,1 triệu khách quốc tế ‘xông đất’ Việt Nam trong tháng 1/2025, Mỹ thiếu trầm trọng nhân sự kiểm soát không lưu…là những tin chính trong bản tin hôm nay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Gần 2,1 triệu khách quốc tế ‘xông đất’ Việt Nam trong tháng 1/2025
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/2, trong tháng 1/2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1,8 triệu lượt người, chiếm 86,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 228,4 nghìn lượt người, chiếm 11,0% và tăng 29,1%; bằng đường biển đạt 44,9 nghìn lượt người, chiếm 2,2% và giảm 7,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2025 ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết. Doanh thu tháng 1 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Khánh Hòa tăng 36,6%; Đà Nẵng tăng 21%; TP.HCM tăng 17,0%; Cần Thơ tăng 16%; Hà Nội tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 14,7%.
Còn theo Cục du lịch quốc gia Việt Nam, dịp nghỉ Tết 2025 ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương. Cụ thể, Quảng Ninh ước đón 228.700 lượt khách; Đà Nẵng ước đón hơn 228.000 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024; Quảng Nam ước đón 157.000 lượt, tăng 40%; Hà Nội ước đón 142.000 lượt khách, tăng 15,8%; TP. Hồ Chí Minh ước đón 87.358 lượt khách, tăng 16,5%; Kiên Giang ước đón 76.653 lượt khách; TP. Huế ước đón 60.170 lượt khách, tăng 33%; Bà Rịa – Vũng Tàu ước đón 25.176 lượt khách; Lào Cai ước đón 13.000 lượt khách…
“Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương trong làm mới sản phẩm và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp”, đại diện Cục du lịch quốc gia Việt Nam nhận xét.
Mỹ thiếu trầm trọng nhân sự kiểm soát không lưu
Đêm 29/1, khi xảy ra vụ va chạm giữa máy bay dân dụng của hãng American Airlines và trực thăng quân sự Black Hawk rồi rơi xuống sông Potomac, tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Reagan hoạt động trong tình trạng không có đủ nhân sự, chỉ có một nhân viên đảm nhiệm công việc của hai người.
Tình trạng này là vấn đề cố hữu của hàng không Mỹ suốt nhiều năm. Từ dữ liệu của chính phủ và phân tích từ giới chuyên gia hàng không, hãng tin CNN chỉ ra các sân bay trên khắp nước Mỹ đã vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên kiểm soát không lưu trong nhiều năm qua.
Dữ liệu mới nhất từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho thấy, trên toàn bộ các tháp kiểm soát không lưu sân bay và các cơ sở tiếp cận nhà ga trên toàn nước Mỹ, tính đến tháng 9/2023 chỉ đạt được khoảng 70% mục tiêu tuyển dụng kiểm soát viên không lưu có chứng chỉ đầy đủ. Nếu tính cả các kiểm soát viên đang trong quá trình đào tạo, con số này tăng lên khoảng 79%.
Một số tháp kiểm soát không lưu tại các sân bay lớn như ở Philadelphia, Orlando, Austin, Albuquerque và Milwaukee chỉ đạt chưa đến 60% mục tiêu nhân sự là kiểm soát viên có chứng chỉ. Riêng sân bay Reagan chỉ đạt khoảng 63%.
Dù giới chuyên gia hàng không cho rằng lúc này vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu việc thiếu nhân sự có phải là nguyên nhân dẫn đến thảm họa khiến 67 người thiệt mạng vừa qua hay không, nhưng thảm kịch này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Những năm qua, các nhân viên kiểm soát không lưu tại Mỹ nhiều lần cảnh báo về tác động từ tình trạng thiếu nhân sự. Họ đã liên tục gửi báo cáo dưới dạng ẩn danh tới Hệ thống báo cáo an toàn hàng không của NASA.
Cơ sở dữ liệu của NASA cho thấy, riêng năm ngoái, ít nhất 10 báo cáo do các nhân viên kiểm soát gửi lên đề cập đến vấn đề nhân sự, lịch trình làm việc hoặc tình trạng mệt mỏi.