Tình hình thị trường sẽ được cải thiện đáng kể
Theo dự báo của các chuyên gia hàng không, du lịch cho thấy, tình hình thị trường sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2021, khởi sắc hơn trong các năm tiếp theo khi vaccine Covid-19 được tiêm phòng rộng khắp thế giới và tại Việt Nam. Nhu cầu du lịch, đi lại bị kìm nén suốt hai năm có thể trở thành lực nén lò xo đẩy con tàu hàng không lên một tầm cao mới.
Giống như mọi doanh nghiệp trong ngành, vấn đề với VNA là “sống sót” qua đại dịch và chuẩn bị sẵn sàng cất cánh trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nằm trong chiến lược cập nhật kế hoạch SXKD và tái cơ cấu tổng thể TCT giai đoạn 2022-2025, cập nhật tình hình của các hãng HK trong khu vực cũng như khả năng bay Mỹ… Chuỗi hội thảo đào tạo chuyên môn nghiệp vụ online do giáo sư Nawal K. Taneja hướng dẫn sẽ là phương hướng để TCT sớm triển khai các chương trình hành động cụ thể, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Với 50 năm kinh nghiệm, Giáo sư Nawal Taneja đã tham gia làm việc và cố vấn cho nhiều hãng hàng không lớn và các doanh nghiệp trong ngành hàng không trên toàn thế giới.
Ông từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch một hãng hàng không cung cấp dịch vụ máy bay phản lực theo lịch và bay thuê chuyến. Ông cũng đã đảm nhiệm vị trí chủ tịch một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về lĩnh vực vận tải hàng không với phạm vi hoạt động toàn cầu.
Bên cạnh đó, Giáo sư Nawal Taneja cũng là Trưởng ban tổ chức “Hội thảo chuyên ngành Hàng không Quốc tế” trong suốt 25 năm, quy tụ các hãng hàng không và các doanh nghiệp thảo luận về những thay đổi mới nhất trong ngành.
Với chuỗi hội thảo online, Giáo sư đã chia sẻ 7 chủ đề lớn, gắn liền với tình hình hoạt động SXKD của VNA. Như TGĐ Lê Hồng Hà chia sẻ, dự báo thị trường sẽ tốt hơn và đây là lúc chúng ta đánh giá lại bước đi của VNA trong thời gian tới. Chính vì vậy, 07 buổi hội thảo với 07 chủ đề sẽ là dịp để chúng ta đề ra những bước đi cụ thể và thích ứng với tình hình hậu Covid-19.
Phương hướng để VNA phục hồi và phát triển sau đại dịch
Hội thảo đầu tiên được tổ chức ngày 24/9, chủ đề “Kế hoạch chuẩn bị bay Mỹ” đã được Giáo sư giới thiệu đến Ban lãnh đạo TCT và CBNV chuyên trách.
Mỹ là thị trường mà tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều muốn tham gia nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Mỹ cũng là “giấc mơ bay” mà ngành Hàng không Việt đã theo đuổi suốt mấy chục năm qua.
Trước dịch Covid-19, các chuyên gia đánh giá tiềm năng thị trường hàng không giữa Mỹ – Việt Nam là rất lớn, với khoảng 700.000 lượt khách đi lại mỗi năm, trong khi chỉ cần khoảng 30.000-60.000 lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay. Hấp dẫn là thế, tuy nhiên đây cũng là đường bay cạnh tranh khốc liệt và việc đầu tư đội máy bay tầm xa phù hợp rất tốn kém.
Với những nội dung được Giáo sư trình bày trong hội thảo, bao gồm Kế hoạch bay Mỹ của VNA, phân thị khách mục tiêu, định vị sản phẩm, định hướng phát triển kênh bán, lựa chọn đường bay, phương án triển khai giai đoạn 1… TCT sẽ có thêm những định hướng giá trị để việc đưa ngành hàng không Việt chạm tới “giấc mơ Mỹ” được thuận buồm xuôi gió hơn.
Diễn ra ngày 30/09, buổi hội thảo thứ 2 với chủ đề “Làm thế nào để VNA trở thành Hãng HK hàng đầu trong khu vực” có sự tham gia của Người đại diện vốn, Ban Giám đốc, các Ban TCKT, TKTCC, ĐTMS, TT, KHPT, TTBSP, TTHH, DVHK, TTĐHKT và TCNL.
Tại buổi hội thảo, Giáo sư Taneja đã đề cập đến các chiến lược cạnh tranh và phát triển mạng bay, đội bay cũng như đưa ra các yếu tố dẫn đến thành công và chương trình hành động để VNA tiến tới mục tiêu trở thành hãng HK hàng đầu khu vực.
Giáo sư Taneja được xem là một chuyên gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với các chính phủ. Ông đã tham gia cố vấn cho các Cơ quan Hàng không dân dụng, Tài chính, Kinh tế và Du lịch ở nhiều quốc gia về các vấn đề liên quan đến vai trò của chính phủ trong việc tạo điều kiện phát triển ngành hàng không để thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Đây chính là tiền đề quan trọng để hội thảo thứ 3 với chủ đề “Kế hoạch truyền thông để có sự ủng hộ của các bên liên quan (Stakeholders)” được tổ chức ngày 1/10.
Hội thảo tập trung chia sẻ về cơ hội để TCT tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như trong trong khu vực hậu Covid-19. Đối tượng hướng tới để cùng triển khai sẽ là Chính phủ và người dân.
Tại hội thảo lần thứ 4, Giáo sư Nawal Taneja chia sẻ về một chủ đề mà VNA đang rất chú trọng, đó là các chiến lược đàm phán với các bên cho thuê tàu bay và bài học kinh nghiệm từ các hãng HK khác.
Đây là chủ đề quan trọng được TCT rất quan tâm, bởi sự thành bại trong chiến lược đàm phán với đối tác sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền cũng như bài toán tài chính của TCT. Đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các đường bay quốc tế chưa thể mở trở lại còn các đường bay nội địa cũng bị hạn chế khiến cho kết quả SXKD sụt giảm nghiêm trọng so với các năm trước đó. Để duy trì hoạt động, việc tiết kiệm chi phí, đảm bảo dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất đối với Hãng.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm, Giáo sư Nawal Taneja đã chia sẻ cụ thể về chủ đề này đến Ban lãnh đạo và các đơn vị chuyên môn liên quan.
Nằm trong chuỗi các giải pháp tự thân để giảm thiểu thiệt hại, gia tăng doanh thu, duy trì an toàn khai thác và chờ cơ hội bứt phá, TCT đã và đang nỗ lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tổng thể nhằm tối ưu sử dụng nguồn lực, nâng cao hiệu quả và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Các khối chuyên môn, nghiệp vụ được kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động thông qua việc tổ chức lại quy trình làm việc… Tất cả vì mục tiêu chung để VNA vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, duy trì an toàn khai thác, phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của VNA Group trong ngành hàng không.
Đây chính là lý do để buổi hội thảo lần thứ 5 diễn ra với chủ đề “Các giải pháp tái cơ cấu để trở thành một tổ chức tinh gọn, linh hoạt” mà Giáo sư đưa ra ngày 15/10.
Tại Hội thảo này, Giáo sư đã chia sẻ về thực trạng tổ chức của TCT, định nghĩa về mô hình tổ chức linh hoạt (agile) và các yếu tố chính để xây dựng mô hình tinh gọn, linh hoạt.
Với chủ đề “Chiến lược quản trị chi phí tối ưu” – Hội thảo lần 6, Giáo sư đã phân tích về cấu trúc chi phí của VNA, so sánh với các chuẩn mực thế giới. Ông cũng đưa ra thực trạng công tác tài chính của VNA và các giải pháp ứng phó. Hội thảo được tổ chức ngày 22/10 vừa qua và dành cho Ban GĐ, Ban TCKT, KHPT, các Ban giúp việc các Giám đốc khối.
Có thể nói, trước thách thức mang tính lịch sử và sống còn, việc quản trị chi phí tối ưu, đảm bảo dòng tiền là điều tiên quyết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 29/10, Giáo sư Nawal Taneja đã trình bày hội thảo thứ 7, hội thảo cuối cùng trong chuỗi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ online với chủ đề “Tái định vị thương hiệu”.
Các nội dung được Giáo sư đưa ra là thực trạng thương hiệu của VNA, các xu hướng định vị thương hiệu (branding), một số bài học kinh nghiệm của các hãng HK tái định vị thương hiệu thành công và chương trình hành động của VNA. Hội thảo có sự tham dự của TGĐ Lê Hồng Hà, PTGĐ Tô Ngọc Giang và các Ban Khối thương mại.
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi người tiêu dùng toàn cầu – từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách họ tiêu dùng. Và đây là thời điểm phù hợp để VNA tái định vị thương hiệu, khẳng định sứ mệnh Hãng hàng không quốc gia, nâng tầm hàng không Việt và vị thế đất nước trên trường quốc tế, trở thành hãng hàng không quốc tế 5 sao và hãng hàng không được yêu thích tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Có thể nói, bằng kiến thức và kinh nghiệm, Giáo sư Nawal Taneja đã mang đến cho Ban lãnh đạo, CBNV VNA một cái nhìn bao quát, tổng thể về VNA nói riêng và ngành hàng không nói chung sau đại dịch. Từ đó ông có những hướng dẫn, góp ý để TCT có cách tiếp cận, định hướng chiến lược và xây dựng phương án triển khai một cách tiên tiến và phù hợp với tình hình mới.
Giáo sư Nawal Taneja là tác giả của 12 cuốn sách về ngành hàng không. Tháng 12 năm 2010, Airline Business đã ghi nhận ông là một trong 26 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất về lĩnh vực hàng không trong suốt hơn 25 năm qua. Ông là một thành viên của Hiệp hội hàng không Hoàng gia Anh.
Năm 2014, ông được bầu làm thành viên của Emeritus Academy thuộc Đại học Bang Ohio, một tổ chức tập hợp các học giả uy tín với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các hoạt động khoa học hàn lâm trong cộng đồng.
Trong lĩnh vực giảng dạy, ông đã từng tham gia công tác tại nhiều khoa khác nhau thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (với vai trò Phó giáo sư) và tại Đại học bang Ohio (với vai trò Giáo sư, sau đó là Chủ nhiệm Khoa Hàng không và Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ).