Những khó khăn vẫn còn tiếp diễn
Trong khi dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và từng ngày tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không thì thị trường nội địa của hàng không Việt Nam vẫn nỗ lực để phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 trước đó và cả hiện tại, khi dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng khiến VNA tiếp tục phải đối mặt với khoản lỗ hơn 15.000 tỷ đồng trong năm nay (sau khi đã cắt giảm chi phí), đồng thời phải điều chỉnh giảm tần suất, sản lượng khai thác.
Theo đó sản lượng ước thực hiện 2020 tiếp tục giảm 2% so với kế hoạch tháng 7 đã triển khai và bằng 48% kế hoạch năm 2020. Số lượng chuyến bay ước giảm 8% và bằng 55% kế hoạch 2020. Tải vận chuyển có doanh thu tiếp tục giảm 4% và chỉ bằng 35% so với kế hoạch 2020, tương ứng với quỹ tiền lương bằng 35% kế hoạch năm 2020.
Diễn biến dịch Covid-19 rất khó lường và có khả năng kéo dài, hoạt động kinh doanh của hãng còn nhiều khó khăn và chưa có tiền lệ.
Trước những thách thức đó, một lần nữa, VNA buộc phải tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh nguồn lực lao động trong tháng 9 đến tháng 12 năm nay. Trước đó, TCT đã rà soát tất cả chi phí, cắt giảm các nguồn chi không thiết yếu. Từ tháng 4 đến tháng 6, Cán bộ TCT từ cấp Ban trở lên đã tình nguyện không nhận lương, cán bộ cấp phòng chỉ nhận lương tối thiểu vùng, chuyên viên, nhân viên đi làm chỉ nhận lương chức danh. Phi công, tiếp viên chỉ nhận 50% đơn giá lương chuyến bay.
Mặc dù đã nỗ lực làm mọi điều có thể nhưng trước tình hình kinh doanh chưa thể dự báo ngày phục hồi hoàn toàn, trước ảnh hưởng của dịch bùng phát tại DAD, lãnh đạo TCT tiếp tục kêu gọi sự đồng lòng, chia sẻ của toàn thể CBNV, giúp tổ chức tập trung điều hành, tận dung cơ hội sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn.
Tổ chức lại nguồn nhân lực
Với mục tiêu sử dụng nhân lực hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động, tạo ra những giá trị mới, TCT tiếp tục triển khai các giải pháp rà soát, tổ chức lại nguồn nhân lực từ tháng 9 đến tháng 12.
Đối với lao động trực tiếp
Đối với phi công, trong quý III và định hướng giai đoạn tiếp theo, TCT căn cứ theo sản lượng thực tế để điều hành, duy trì năng định, chứng chỉ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, an toàn. TCT không thực hiện tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương với phi công.
Đối với tiếp viên, phân bay tối thiểu 35h/tháng để đảm bảo mức lương tối thiểu; thực hiện phân loại để luân phiên sử dụng nguồn lực giữa các tháng sản lượng thấp. Các tiếp viên chưa đạt chuẩn tiếp tục học tập bồi dưỡng ngoại ngữ đến hết T9, quay lại khai thác với giờ mức 30h/tháng từ tháng 10, ngừng sử dụng TV Nhật Bản và Hàn Quốc đến hết năm 2020.
Đối với lao động giám sát, điều hành, phục vụ khai thác, TCT phân bổ nhân lực trên cơ sở sản lượng thực hiện, đơn vị bố trí nhân lực trực tiếp phục vụ cho hoạt động khai thác để bố trí nguồn lực phù hợp với kế hoạch lao động, định mức lao động, sản lượng giờ bay và chuyến bay khai thác.
Đối với lao động gián tiếp
Trên cơ sở hiệu quả của sản xuất kinh doanh và sản lượng khai thác để TCT sử dụng nguồn lực lao động gián tiếp phù hợp với năng suất lao động, quỹ lương được sử dụng, tái cấu trúc lại nguồn lực theo quy mô hoạt động của sản xuất kinh doanh.
Để chuẩn bị cho công việc đánh giá, tổng kết và xây dựng kế hoạch 2021, từ tháng 9/2020 sử dụng nguồn lực chuyên viên, cán sự, nhân viên gián tiếp như sau: 40% làm việc toàn thời gian; 40% làm việc bán thời gian (làm việc 50% thời gian) và 20% lực lượng còn lại tiếp tục thực hiện tạm hoãn/nghỉ không hưởng lương.
Bên cạnh đó, để chia sẻ khó khăn chung, đối với cán bộ, căn cứ thực tế công việc ở mỗi lĩnh vực, cấp Ban, cấp phòng có thể đăng ký làm việc không trọn thời gian.
Đối với Chi nhánh nước ngoài, TCT triển khai xây dựng và thực hiện phương án tinh giản nguồn lực phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021, đồng thời thay đổi cơ chế trả lương, thưởng cho nhân viên gắn với kết quả thực hiện MP, hiệu quả công việc, cống hiến của CBNV.
Chế độ chính sách tiền lương
Đối phi công, tiếp viên, nhằm sử dụng nguồn lực khai thác hiệu quả, TCT điều chỉnh phương thức nhằm đơn giản hóa chính sách trả lương.
Đối với phi công chuyển toàn bộ tiền lương năng suất vào tiền lương chuyến bay. Lương tháng mới gồm tiền lương chức danh và tiền lương chuyến bay mới. Tiền lương chuyến bay mới chi trả theo giờ bay thực tế khai thác và đơn giá tiền lương chuyến bay mới theo đội bay và năng định.
Đối với tiếp viên, giữ nguyên cơ cấu lương tháng gồm tiền lương chức danh và tiền chuyến bay. Sửa đổi tiền lương chuyến bay từ chi trả theo các khung giờ bay khác nhau thành đơn giá tiền lương 01 giờ bay theo vị trí phân bay trên chuyến bay.
Đối với CBNV mặt đất, TCT không thay đổi chính sách tiền lương so với giai đoạn từ tháng 7 và tháng 8/2020. CBNV được hưởng 100% tiền lương chức danh và 20% tiền lương năng suất mức 1. CBNV làm việc bán thời gian: hưởng tiền lương (100% tiền lương chức danh và 20% tiền lương năng suất) theo ngày làm việc thực tế.
Nhằm chung sức, đồng lòng chia sẻ khó khăn, TCT khuyến khích CBNV sắp đủ tuổi nghỉ hưu hưởng chế độ hưu trí đăng ký nghỉ chờ hưu.
Theo đó, CBNV nghỉ hưu từ 01/01/2021 đến 31/12/2023, đã có đủ thời gian đóng BHXH theo Luật BHXH và hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75%, TCT hỗ trợ mức 4.729.400 VND/tháng (mức tối thiểu vùng năm 2020) cho đến tuổi nghỉ hưu (không tiếp tục đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc); Hỗ trợ CBNV đóng BHYT tự nguyện (BHYT hộ gia đình) cho đến tuổi nghỉ hưu với mức 805.000 VNĐ/năm.
Đối với CBNV nghỉ hưu từ 01/01/2021 đến 31/12/2023 chưa đủ 20 năm đóng BHXH (để hưởng lương hưu) hoặc chưa đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, TCT hỗ trợ mức 4.729.400 VND/tháng cho đến tuổi nghỉ hưu; Hỗ trợ tiền đóng tự nguyện BHXH hưu trí, tử tuất bằng 14% mức tiền lương chức danh ký HĐLĐ đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (tùy điều kiện nào đến trước) và tiền đóng BHYT tự nguyện đến tuổi nghỉ hưu.
TCT chi trả hỗ trợ cho CBNV nghỉ chờ hưu các năm vào tháng 01 hàng năm và hỗ trợ thủ tục tiếp tục đóng BHXH hưu trí, tử tuất, BHYT tự nguyện đến tuổi nghỉ hưu.
Mỗi CBNV là nguồn động lực mạnh mẽ của VNA
Việc đưa ra chính sách nhân sự, tiền lương trong giai đoạn này không phải là điều dễ dàng nhưng lãnh đạo TCT phải chấp nhận rằng giải pháp trên là điều buộc phải làm để những cánh bay mang biểu tượng bông sen vàng tiếp tục cất cánh trên bầu trời xanh.
Với những thành viên nằm trong danh sách những người phải tạm hoãn hợp đồng lao động, mọi người chắc hẳn sẽ cảm thấy băn khoăn, lo lắng vì phải xa công việc nhộn nhịp thân quen, không còn khoác trên mình bộ đồng phục đầy tự hào, mất đi một thói quen hàng ngày vốn đã ăn sâu trong tiềm thức. Tuy nhiên, người xưa thường nói “trong nguy có cơ”, thời gian này là thời điểm để đào tạo, giúp CBNV học tập nâng cao trình độ quản lý, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới ngay khi thị trường phục hồi.
Cơ hội để tiếp tục cống hiến cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn luôn rộng mở. Đại dịch rồi sẽ qua, thị trường hàng không cũng sẽ phục hồi, các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ quay lại. Để không bị bỏ lại phía sau do không còn phù hợp trong môi trường bình thường mới, tất cả CBNV VNA cần rèn luyện cho mình tinh thần chuyên nghiệp, bản lĩnh. Mỗi người phải hiểu bản thân mình muốn gì, làm được gì và nên làm gì, không ngừng học hỏi để phát triển. Đối mặt với những khó khăn và thử thách cũng là cơ hội để mỗi chúng ta vượt qua được vùng an toàn và giới hạn của bản thân.
Đồng lòng chia sẻ những khó khăn khi VNA cần và vững tâm hướng về một ngày mai tươi sáng, mỗi thành viên chắc chắn sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để Hãng hàng không quốc gia Việt Nam “dẫu mưa, dẫu nắng, dẫu khó khăn” vẫn vượt qua một cách nhanh chóng và tiếp tục vươn cao, vươn xa hơn.