Sân bay trung chuyển cạnh tranh nhất khu vực
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu trở thành sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Long Thành sẽ là sân bay quan trọng quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, Long Thành luôn có quãng đường ngắn nhất với cùng tuyến đường bay như vậy từ các sân bay trong khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa và hành khách sau khi quá cảnh hoặc trung chuyển tại Long Thành sẽ di chuyển theo một đường thẳng tới các điểm đến khác theo trục Bắc – Nam của địa cầu, gần hơn khi xuất phát từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan, thuận lợi hơn Changi của Singapore hay Kuala Lumpur của Malaysia, bởi Long Thành gần như ở ngay trung điểm của trục vận tải này.
Do nằm ở vị trí đắc địa, sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế Long Thành góp phần biến Việt Nam trở thành điểm kết nối chiến lược của các công ty đa quốc gia, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, là địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi quốc tế, phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao…
Đối với thị trường trong nước, với việc sân bay hướng ra cao tốc TP. HCM – Vũng Tàu, bên hông là tuyến cao tốc TP. HCM – Dầu Giây hướng ra cao tốc Bắc – Nam, Long Thành kết nối các cảng biển lớn như Vũng Tàu, Cát Lái, Sài Gòn, Cái Mép,… tạo thuận lợi cho hậu cần, giúp giảm thời gian, giá thành vận tải hàng hóa tới các cụm công nghiệp lớn phía Nam nằm tại Đồng Nai và Bình Dương.
Tiến độ hiện tại?
Theo kế hoạch, giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ được phân thành 4 dự án thành phần, bao gồm: dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước (do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư); dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay (do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM làm chủ đầu tư); dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư; dự án thành phần 4 được thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Tính đến tháng 9/2022, sau hơn 20 tháng triển khai, khu vực cảng vụ hàng không thuộc dự án thành phần 1 đang được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Các khu vực nghiệp vụ khác (Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh,…) đang được các chủ đầu tư phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam để làm các thủ tục triển khai theo quy định.
Dự án thành phần 2 cũng đã được khởi công vào ngày 29/9. Dự án bao gồm việc đầu tư công trình xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị công nghệ cho các hạng mục: Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT); trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến VHF không địa (PSR/SSR/Tx); trạm thu sóng vô tuyến VHF không địa và hệ thống giám sát tự động phụ thuộc (Rx/ADS-B); trạm radar khí tượng; đài dẫn đường đa hướng và đo cự li (DVOR/DME); hệ thống giám sát đa điểm (MLAT); hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS); hệ thống cảnh báo gió đứt; hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay; hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Dự án thành phần 3 (công trình thiết yếu), hiện tổng khối lượng đào đắp đạt 15,4 triệu m3, thi công xong 1.545/1.545 cọc đại trà (đạt 100%), đáp ứng tiến độ khởi công đồng bộ các hạng mục chính trong quý 4/2022 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Thiết kế hạng mục nhà ga hành khách, các công trình phụ trợ, chủ đầu tư đang hoàn thiện để thẩm định lần cuối.
Đối với dự án thành phần 4, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt 9/11 danh mục đầu tư. Cục Hàng không Việt Nam đang lựa chọn nhà đầu tư cho 2/9 danh mục, 7 danh mục còn lại đang công bố, mời nhà đầu tư quan tâm đầu tư, tiến độ đáp ứng yêu cầu.
Vietnam Airlines dự kiến đầu tư vào sân bay Long Thành
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, Vietnam Airlines xác định rõ trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia và sẽ thông qua sức mạnh từ đội bay, mạng bay của mình để góp phần xây dựng Long Thành trở thành sân bay trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á. Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng của mình tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các dịch vụ được Vietnam Airlines đề cập gồm cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không, dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác…
Để hiện thực hóa mục tiêu, Vietnam Airlines và các công ty con của doanh nghiệp này sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với ACV để thành lập công ty cổ phần/công ty trách nhiệm hữu hạn…
Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách để các đơn vị trong Vietnam Airlines Group (Pacific Airlines, VASCO) có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng khai thác tại nhà ga hành khách, đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển. Hãng cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét bố trí nhà ga/cánh nhà ga riêng cho Vietnam Airlines… Trước mắt, Vietnam Airlines xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng nhà chứa máy bay để bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, để có những sự chuẩn bị tốt nhất trong tương lai khi sân bay Long Thành chính thức đi vào hoạt động, tháng 10/2021, Vietnam Airlines và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận về chương trình hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Vietnam Airlines và tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh và phục hồi hoạt động của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines và tỉnh Đồng Nai đã đề ra kế hoạch phát triển tuyến đường bay nội địa và quốc tế kết nối trực tiếp Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các địa phương trong nước, phối hợp nghiên cứu kích cầu du lịch, các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước. Hãng sẽ cùng tỉnh tổ chức, tham gia và hỗ trợ các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, đầu tư, thương mại.
Như vậy, khi hoàn thành, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ trở thành “cú hích” lớn cho sự phát triển của ngành vận tải hàng không Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong tương lai.
Bạn có biết?
Về phần kiến trúc, lấy ý tưởng từ quốc hoa của Việt Nam, sân bay quốc tế Long Thành được thiết kế theo hình bông sen cách điệu. Phần sảnh chính có những lớp mái xếp chồng lên nhau như một bông sen đang bung nở. Hình ảnh hoa sen còn xuất hiện trong phần nội thất ở sảnh làm thủ tục và mặt chính của nhà ga. Đây là phương án thiết kế của công ty Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc) – đơn vị đã thiết kế các công trình nổi tiếng như sân bay Incheon, sân vận động Olympic Baku hay trung tâm điện ảnh Busan.
Theo Spirit N06