Tọa đàm có sự tham dự các chuyên gia trong ngành du lịch, thảo luận về các nội dung gồm: vai trò, nỗ lực của các mắt xích trong hệ sinh thái hàng không – du lịch; Du lịch an toàn; các giải pháp nhằm tăng cường thu hút du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Cần Thơ nói riêng…
Toàn cảnh tọa đàm “Thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hậu COVID-19 từ chiến lược liên kết hàng không với du lịch”. (Ảnh: Hải An)
Chia sẻ về vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong việc dẫn dắt ngành du lịch trên cơ sở hợp tác chiến lược với ngành hàng không trong giai đoạn mới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, du lịch và hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển chung. Trong nhiều năm qua, Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không, đặc biệt là VNA đã thường xuyên chủ động tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, mang lại cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Hải An)
Như đã biết, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng to lớn lên ngành hàng không chưa từng có tiền lệ. Ngoài hỗ trợ của chính phủ về an sinh xã hội, kích cầu du lịch là vấn đề quan trọng mà cả Bộ và hàng không cần thực hiện. Bộ đã hoàn thành chương trình kích cầu du lịch Việt Nam và nhận được ủng hộ từ các doanh nghiệp, địa phương với tiêu chí làm sao để du lịch vui, an tâm và thú vị trở lại; xây dựng những gói sản phẩm không chỉ giảm giá và tạo ra những trải nghiệm mới; đề ra những chính sách trong bối cảnh bình thường mới có thể phát triển bền vững và nắm được tấm lý hành khách để có những chiến lược, giải pháp phù hợp.
Kết nối hàng không thuận lợi chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL. Phó Tổng cục trưởng tin tưởng rằng sự kiện VNA ký kết các thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ càng thúc đẩy đi lại thuận lợi hơn trước hết cho khách du lịch nội địa, tương lai là khách quốc tế; góp phần khôi phục, phát triển du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Trước câu hỏi liên quan đến động thái mở bán 4 đường bay tới cửa ngõ khu vực Đồng bằng song Cửu Long là Cần Thơ cũng như chương trình kích cầu du lịch của hãng trong thời gian tới, PTGĐ Lê Hồng Hà cho biết, VNA sẽ làm tất cả những gì trong khả năng trước khi xin hỗ trợ từ chính phủ.
Với vai trò của hãng hàng không quốc gia, với tư cách là người mở đường, VNA đã khai thác trở lại trên 50 đường bay nội địa. Đối với các đường bay tới ĐBSCL, hãng luôn nhận định rằng đây là điểm đến có tiềm năng lớn với tốc độ phát triển kinh tế cao, dân cư đông đúc, nhiều dự án đầu tư vào các thành phố trọng điểm như Cần Thơ… Đó là lý do VNA muốn tạo nên kết nối giao thông thuận lợi cho giao thương và du lịch kết nối ĐBSCL tới các điểm đến khác trên cả nước.
Để làm được điều đó, VNA đã phối hợp với ngành du lịch Việt Nam triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch. Ngay từ khi dịch bùng phát hãng đã chuẩn bị nhiều chương trình phục hồi, chương trình du lịch an toàn cho hành khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Khi Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội, VNA đã tập trung đón đầu nhu cầu về đường bay, kết nối việc thực hiện nhiệm vụ chính trị , kết nối giao thông với du lịch, phối với với Tổng Cục Du lịch phát triển du lịch trên cả nước. Theo thống kê, trong tháng 5 và 6 đã 30 ngàn khách sử dụng các chương trình kích cầu do VNA triển khai.
PTGĐ Lê Hồng Hà chia sẻ những quan điểm từ phía hàng không. (Ảnh: Hải An)
Liên quan đến kinh nghiệm và giải pháp để ngành hàng không tiếp tục phát huy truyền thống và đảm bảo vận chuyển hành khách tốt hơn trong thời gian tới, PTGĐ Lê Hồng Hà cho biết, VNA luôn xác định rõ 3 trách nhiệm mà hãng phải gánh vác. Thứ nhất là trách nhiệm với CBNV, phi công, tiếp viên, nhân viên các đầu sân bay, thứ 2 là trách nhiệm với hành khách và thứ 3 là trách nhiệm đề phòng lây nhiễm chéo dịch bệnh và lây lan cộng đồng. Nhận thức rõ điều này, ngay từ khi dịch bùng phát, VNA đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống dịch và thiết lập bộ chính sách khai thác dịch vụ trong thời gian dịch, đồng thời học hỏi các hãng hàng không trên thế giới và đưa ra các đề xuất được các tổ chức hàng không thế giới công nhận.
Máy bay của VNA được trang bị hệ thống lọc không khí HEPA được Tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận, 100% các chuyến bay khai thác được khử trùng. Các chuyến bay vào tâm dịch và các chuyến bay hồi hương được đánh dấu cấp độ ưu tiên cao nhất, được Ban lãnh đạo TCT cung cấp mọi trang thiết bị tất yếu để phòng tránh dịch. Bên cạnh đó, VNA đã và đang đẩy mạnh check-in online và các thủ tục trực tuyến khác để hạn chế tiếp xúc hành khách, giới hạn giờ phòng chờ Thương gia để có thời gian lau chùi và khử trùng, điều chỉnh nhiệt độ trên khoang tàu để tránh virus sinh sôi. VNA thường xuyên cập nhật chính sách chung của ngành hàng không, áp dụng những cái mới dể đưa vào bộ tiêu chuẩn chính sách của hãng để đảm bảo CBNV an toàn, hành khách an tâm trên chuyến bay.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu ra những tiêu chí an toàn khi đi du lịch. (Ảnh: Hải An)
Tuy nhiên, du lịch trong thời kỳ dịch Covid-19 vẫn còn là vấn nạn toàn cầu đem lại một số hạn chế nhất định, và đứng đầu danh sách là việc phát triển du lịch an toàn. Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, an toàn bao giờ cũng là vấn đề quan trọng nhất. Khi dịch bệnh suy giảm, Hiệp hội đã trình những phương án kích cầu và gặp ngay lập tức Chính phủ đã đề ra tiêu chí an toàn và những giải pháp cần chuẩn bị. Trong tháng 2, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng bộ tiêu chí an toàn, với các tiêu chí quan trọng bao gồm:
- Điểm đến an toàn: điểm đến không có dịch, không nằm trong vùng dịch, là vùng an toàn.
- Doanh nghiệp du lịch an toàn: doanh nghiệp có an toàn không, có tuân thủ quy định nhà nước không, có nhân viên bị nhiễm bệnh không.
- Dịch vụ an toàn: an toàn trong mua sắm, dịch vụ, được tập huấn về an toàn, cung cấp cho hành khách trang bị phục vụ an toàn như khẩu trang, nước rửa tay…
- Vận chuyển an toàn: khử trùng phương tiện và các trang thiết bị vận tải.
Ông Vũ Thế Bình cam kết thực hiện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành hàng không để kiểm soát các tiêu chí một cách nghiêm túc và chủ động. Dù Việt Nam đã vượt qua dịch bệnh nhưng tiêu chí an toàn vẫn luôn phải chú trọng hàng đầu, mọi cơ quan, tổ chức phải luôn sẵn sàng đối mặt với nguy cơ của dịch bệnh.
Travel blogger Ngô Trần Hải An tham dự tọa đàm. (Ảnh: Mai Hương)
Với tư cách là một travel blogger, vừa là người thụ hưởng nhu cầu du lịch vừa có vai trò quảng bá, xúc tiến các hoạt động du lịch, anh Ngô Trần Hải An đã mang đến tọa đàm những chia sẻ về khám phá, nhận định về tiềm năng du lịch ĐBSCL cũng như nguyện vọng của anh để du lịch ĐBSCL phát triển hơn nữa.
Hải An cho biết, anh đã đi khắp nơi trên thế giới nhưng không có một quốc gia nào có mật độ kinh ngạch sông nước, văn hóa sông nước đặc trưng như ĐBSCL. Bởi vậy, chúng ta cần phải khai thác sâu hơn vào vùng sông nước, tích hợp những văn hóa, cuộc sống của người dân vào trải nghiệm du lịch. ĐBSCL cần có một sản phẩm du lịch đặc trưng để hành khách nhớ và quay lại. Hải An đã đề xuất về tiềm năng khai thác chợ nổi Cái Răng, một trong những hoạt động sông nước lớn nhất của ĐBSCL, hiện đang bị hạn chế bởi khung giờ hoạt động từ 5h sáng tới 7h sáng. Hải An đã đưa ra đề xuất xây dựng một văn hóa sông nước kết hợp du lịch để du khách có thể trải nghiệm, cảm nhận, hưởng thụ văn hóa miền sông nước Việt Nam. Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh lên công tác truyền thông trong thời đại 4.0 khi mạng Internet đã trở thành một công cụ đời thường, việc truyền tải cho khách du lịch đặc biệt là giới trẻ rất quan trọng để có thể đánh thức tiềm năng phát triển ĐBSCL.
Một số giải pháp cũng đã được các đại biểu đề xuất như kết hợp ưu đãi giá vé máy bay – tour – khách sạn; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát huy các không gian, đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương và nâng cao chất lượng dịch vụ an toàn.
Nguyen Xuan Nghia – COMM