Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, Chính phủ cùng các bộ ngành đang thúc đẩy kế hoạch “mở cửa bầu trời”, những tín hiệu tốt từ thị trường và cả tinh thần của người VNA, tất cả đã sẵn sàng để… cất cánh.
Trong khó khăn vẫn có những điểm sáng đáng tự hào
Trong một tương lai không xa, khi các sân bay tấp nập trở lại, khi những cánh bay VNA tự do chao lượn trên bầu trời, chúng ta sẽ nhìn lại những ngày tháng hôm nay với màu sắc của hồi ức, để thấy rằng chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua nó như thế nào.
Ngày 2/8/2021, điểm mốc lịch sử của TCT, kể từ khi được thành lập cho tới nay, chỉ có duy nhất 01 chuyến bay chở khách HAN-SGN được khai thác. Suốt cả quý III, do sự bùng phát nghiêm trọng của đại dịch, giao thông, vận chuyển của cả nước gần như tắc nghẽn. Tốc độ triển khai tiêm vắc xin không thể “địch lại” với tốc độ lây lan của biến thể Delta trong cộng đồng. Buộc Chính phủ phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và rất nhiều địa phương khác trên cả nước phải thực hiện chỉ thị 16, 16+, Bộ GTVT đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ trên pham vi toàn quốc.
Hệ quả là sản lượng chuyến bay của VNA Group sụt giảm nghiêm trọng, thị trường nội địa đóng băng. Doanh thu vận tải hành khách gần như bằng không. Các chuyến bay nội địa trong giai đoạn này được triển khai để chuyên chở đội ngũ y, bác sỹ, quân nhân và trang thiết bị y tế vào miền Nam chống dịch.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới tình hình SXKD của TCT, dịch bệnh cũng đe dọa tới sức khỏe của CBNV, buộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TCT phải đưa ra những kịch bản ứng phó nghiêm ngặt như kịch bản “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” để các đơn vị chủ động, linh hoạt áp dụng. Một lần nữa, người VNA lại phải tìm cách thích ứng với điều kiện sinh hoạt và làm việc hạn chế khi thực hiện những quy định này.
Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ấy, với sự đoàn kết và đồng thuận của tập thể người lao động VNA Group, chúng ta đã có được những kết quả đáng khích lệ trong quá trình vượt qua đại dịch.
Bằng việc tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, TCT đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt, đây cũng là cơ sở để chúng ta thực hiện thành công gói giải pháp tăng vốn đã được Quốc Hội, Chính Phủ thông qua và phê duyệt. Theo đó, chúng ta đã hoàn thành việc phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho chổ động hiện hữu để tăng thêm gần 8.000 tỷ đồng cho nguồn vốn và dòng tiền, đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn HOSE cũng như tiếp thêm nguồn lực để tăng cường cho hoạt động SXKD.
Việc phát hành thêm cổ phiếu được TCT triển khai minh bạch, phân bổ đều cho hơn 13.000 người lao động để mỗi người có quyền sở hữu cổ phiếu như nhau, không phân biệt thâm niên công tác hay vị trí làm việc. Đây là phương án được VNA đưa ra nhằm mục đích vừa góp phần tạo nên sự thành công của đợt phát hành, vừa tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc và sự gắn kết của người lao động với VNA, đặc biệt là nguồn lao động trẻ bởi đây là lực lượng nòng cốt sẽ tiếp nối, làm nên sự phát triển của VNA trong tương lai. Trước đó, TCT đã thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và Ngân hàng SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động SXKD.
Bên cạnh đó, TCT đã chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Đặc biệt, TCT đã tổ chức đàm phán trực tiếp với các đối tác cho thuê mua tàu bay quốc tế và đạt được những kết quả khả quan, dự kiến tiết kiệm được cho TCT thêm 1 tỷ Đô la Mỹ trong thời gian tới.
Với việc hầu như không thực hiện các chuyến bay thương mại chở khách thường lệ, nhưng trong Quý III chúng ta đã thực hiện hàng trăm chuyến bay vận chuyển hơn 62 nghìn tấn hàng hoá, hơn 80 chuyến bay chở lực lượng chống dịch cũng như hàng chục chuyến bay hồi hương.
Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, trong mọi hoàn cảnh VNA luôn đặt mục tiêu An toàn là số 1; an toàn trong khai thác, an toàn trong phòng chống dịch bệnh, giữ vững vị thế chủ lực của VNA Group trong ngành hàng không, tái cơ cấu toàn diện và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Về vấn đề phòng và chống dịch, bên cạnh các biện pháp đã được triển khai thường xuyên và liên tục ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện cho tới nay, TCT còn tích cực duy trì cầu hàng không để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ – vừa phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguồn lực y tế phòng chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giao thương. Thông qua hệ thống mạng bay và đội tàu bay quy mô, từ đầu năm 2021 đến nay, gần 10.000 y bác sĩ, cán bộ y tế, quân nhân cùng hàng trăm tấn trang thiết bị y tế đã được VNA vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả đến các tỉnh thành trên cả nước để phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, tập thể CBNV trong toàn Đảng bộ TCT đã tự nguyện đóng góp vào Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng để góp thêm nguồn lực chung tay cùng nhân dân và cả nước. Không những góp của, chúng ta cũng tự hào được góp sức người, với sự tham gia của những tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng xông pha vào lòng dịch, với tinh thần “mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi cách, để thành phố Hồ Chí Minh cũng như các Tỉnh phía Nam mau khỏe hơn, trở lại nhịp sống vốn có”.
Trong nỗ lực tái cơ cấu toàn diện và “giải cứu” tình hình tài chính, giải quyết phần nào tình trạng thua lỗ và thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng của mình, một lần nữa, TCT buộc phải có những điều chỉnh chính sách nhân lực, tiền lương nhằm phù hợp với diễn biến mới. Đây là một trong những giải pháp tự thân để góp phần giúp TCT có thể vượt qua khó khăn hiện tại với mục tiêu ổn định và hướng đến sự phục hồi trong tương lai.
VNA Group cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy nhằm tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả và cải thiện thu nhập cho người lao động. Các khối chuyên môn được kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian. Chúng ta đã giảm 4 đầu mối cấp ban, đơn vị ở Tổng công ty và 70 đầu mối cấp phòng ở cơ quan, đơn vị, tiếp tục hướng đến giảm thêm 25-26 đầu mối trong thời gian tới.
Theo đó, với nhóm nhân lực lao động trực tiếp, TCT căn cứ sản lượng thực tế để điều hành, đảm bảo duy trì năng định, chứng chỉ, hạn chế bay giãn cách và sử dụng nguồn lực hiệu quả, an toàn, tiết kiệm chi phí. Đối với nhóm nhân lực lao động gián tiếp, TCT yêu cầu các đơn vị triển khai tiết kiệm tối đa các chi phí, thắt chặt sử dụng nguồn lực, ưu tiên sử dụng nhân lực đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, đa nhiệm trong công việc. Các chính sách về tiền lương, chính sách khuyến khích đối với lao động có thành tích xuất sắc tương ứng theo từng đối tượng lao động.
Trong công tác thực hiện chuyển đổi số, TCT từng bước chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ theo xu hướng ứng dụng công nghệ số từ tối ưu hóa trải nghiệm bay cho hành khách qua ứng dụng di động Vietnam Airlines, tiên phong trong việc thực hiện các dịch vụ tự làm thủ tục… Đặc biệt việc thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass đã khẳng định năng lực chuyển đổi số của Hãng. Ngoài ra, cũng trong quý III, TCT cũng đã tổ chức Hội thảo đào tạo trực tuyến “Digital Transformation Workshop”, với sự thuyết giảng của các Giáo sư trường Đại học RMIT, nhằm tiếp tục củng cố chiến lược, kế hoạch và mục tiêu công tác chuyển đối số của toàn VNA group.
Trên cơ sở thử nghiệm các chuyến bay ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass, chương trình thí điểm của Bộ Y tế, VNA đã thực hiện nhiều chuyến bay quốc tế thí điểm cách ly tập trung 7 ngày với toàn bộ hành khách. VNA đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm các phương án nhằm từng bước khôi phục mạng bay quốc tế một cách an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng ta đã thực hiện được cam kết bảo về nguồn “tài sản quý giá nhất”, khi đã thực hiện triển khai tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 cho 100% người lao động, tiếp tục đi đầu trong các đơn vị hàng không về công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho CBNV cũng như mang lại sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Đoàn kết – Quyết tâm, sẵn sàng cho việc mở lại các chuyến bay thường lệ
Bước sang quý IV, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biết phức tạp trên toàn thế giới, việc tiêm vaccine vẫn chưa đạt được độ phủ mong muốn nên hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ dự kiến vẫn chưa được kết nối trở lại. Đối với nội địa, các ca F0 được công bố hàng ngày vẫn còn ở mức cao, trong khi các tỉnh thành khác vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, tốc độ mở cửa xã hội không đồng đều và mới đây nhất, UBND Tp. Hà Nội đang kiến nghị chưa mở các chuyến bay chở khách thường lệ đến, đi từ Nội Bài nên dẫn đến hoạt động vận tải hành khách trong 3 tháng cuối năm dự báo chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay như sau đợt giãn cách xã hội năm 2020.
Bên cạnh khó khăn về thị trường do nhu cầu còn yếu, trong khi vì dư thừa tải cung ứng và áp lực về dòng tiền, nhiều hãng hàng không dự báo sẽ giảm giá mạnh để giành thị phần khiến giá vé bình quân có khả năng tiếp tục giảm mạnh, trong khi các khoản chi phí lớn như thuê tàu bay, nhiên liệu bay… vẫn duy trì ở mức cao, khiến áp lực về cạnh tranh và áp lực dòng tiền của TCT vẫn còn rất nặng.
Mặc dù vậy, với những chuyển biến tích cực về khả năng kiểm soát dịch bệnh tại các Tỉnh/T.P trên cả nước cùng với tỉ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cao đã mang tới hi vọng về việc khôi phục giao thương trong nước trở lại. Thêm vào đó, cuối tháng 9 vừa qua, trong cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương về các giải pháp đối phó với dịch bệnh, Chính phủ đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Như vậy, ngành hàng không sẽ cùng với các ngành khác đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói khi tiếp xúc cử tri những ngày đầu tháng 10 vừa qua.
Để chuẩn bị cho các hoạt động khai thác trở lại, TCT sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý và đảm bảo các chính sách quản lý vĩ mô ngành hàng không được phê duyệt và triển khai. Song song, yêu cầu từng khối, cơ quan đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết, kĩ càng cho kịch bản hồi phục trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết nguyên đán. Đồng thời bám sát các cơ quan quản lý nhà nước, đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để mở lại các đường bay nội địa và quốc tế. Trong thời gian này TCT vẫn sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung để xây dựng kế hoạch 2022 theo như các kịch bản được dự báo, đảm bảo chính xác, theo hướng triệt để tiết giảm chi phí, tăng mạnh doanh thu, đẩy mạnh doanh thu phụ trợ… Đồng thời, đưa ra các phương án hoạt động phù hợp với các giả thiết về thị trường theo triển khai của TCT.
Các cấp lãnh đạo tại từng đơn vị cần làm tốt công tác tư tưởng cho CBNV, điều hành chính sách LĐTL cho phù hợp với tình hình và hoạt động khai thác của VNA. Mỗi người phải làm tốt nhất công việc của mình, bởi chỉ có vậy chúng ta mới có thể cùng nhau chiến thắng, đưa VNA vượt qua khó khăn và bắt kịp đà phục hồi.
Thách thức là để tôi luyện, khó khăn là để vượt qua. Giai đoạn sắp tới, Đảng ủy, HĐQT, BLĐ TCT kêu gọi toàn thể CBNV đã đoàn kết rồi thì phải đoàn kết hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn. Có như vậy, chúng ta mới hội tụ đủ sức mạnh nội lực để vượt qua thách thức, cán đích 2021 với niềm kiêu hãnh và lòng tự hào đã đóng góp cho sự trường tồn và phát triển cho hãng HKQG Việt Nam.