TGĐ Lê Hồng Hà: Tạo điều kiện cho VNA thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước

Sáng ngày 5/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế lần thứ nhất của Quốc hội chủ đề “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn. TGĐ Lê Hồng Hà đại diện TCT tham gia Diễn đàn và chia sẻ ý kiến về những khó khăn, cũng như đề xuất một số giải pháp cho ngành hàng không Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
TGĐ Lê Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Diệp Anh).

– – – – – – – – – – – – – – – – – – –

TTNB xin đăng tải bài phát biểu của TGĐ Lê Hồng Hà tại Diễn đàn.

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,

Kính thưa các lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và toàn thể quý đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vinh dự được đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines tham gia Diễn đàn Kinh tế lần thứ nhất của Quốc hội và chia sẻ ý kiến về những khó khăn, cũng như đề xuất một số giải pháp cho ngành hàng không Việt Nam.

Như Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) đã nhận định, Covid-19 là cú sốc lớn nhất mà ngành hàng không phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 2020, khách luân chuyển toàn thế giới đã giảm 66% so với 2019, toàn ngành lỗ kỷ lục hơn 126 tỷ USD. Năm 2021, khách luân chuyển dự báo giảm 50% so với 2019 và lỗ toàn ngành gần 58 tỷ USD.

Nhận biết được vai trò quan trọng của ngành hàng không, Chính phủ rất nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp để hỗ trợ ngành này bởi khi nền kinh tế được tái khởi động, đây sẽ là ngành đóng vai trò dẫn dắt nhờ tính lan tỏa về lợi ích kinh tế, xã hội đến các ngành thương mại và dịch vụ khác.

Đến nay, tổng giá trị hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không toàn cầu là hơn 243 tỷ USD. Điển hình nhất là Mỹ đã triển khai 3 gói cứu trợ từ khi đại dịch xảy ra với tổng giá trị khoảng 74 tỷ USD.

Kết quả là tại Mỹ, 3 hãng hàng không lớn gồm United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines đã lần đầu tiên công bố lãi kể từ khi xảy ra đại dịch, cụ thể lãi của cả 3 hãng đạt 237 triệu USD trong quý 2/2021.

Hay tại Đức, hãng hàng không quốc gia Lufthansa sau khi được Chính phủ triển khai chiến dịch giải cứu, đến nay đã thông báo hoàn trả khoản viện trợ của Chính phủ và không cần sử dụng đến các khoản viện trợ còn lại.

Nhiều nước cũng đã ban hành các chính sách để điều tiết thị trường như: Ấn Độ áp dụng mức giá trần/sàn từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021 để bảo vệ người tiêu dùng cũng như hài hoà lợi ích của các hãng hàng không trong giai đoạn Covid-19; Hàn Quốc kiểm soát thương quyền khai thác quốc tế để đảm bảo việc khai thác hợp lý cho các hãng nội địa trong quá trình tái cấu trúc; Malaysia kiểm soát về tải để tránh tình trạng khủng hoảng dư thừa cung ứng.

Kính thưa các lãnh đạo và các quý vị đại biểu,

Trước đại dịch, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trung bình 16%/năm giai đoạn 2016 – 2019, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của ngành hàng không Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2020 đến nay.

Năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019 và dự báo con số này của năm 2021 sẽ chỉ bằng 40% năm 2020 và 20% năm 2019. Cụ thể, tổng thị trường năm 2021 ước đạt gần 15 triệu lượt khách, trong đó thị trường quốc tế là hơn 400 nghìn lượt khách, bằng 1,3% năm 2019; thị trường nội địa là 14,4 triệu lượt khách, xấp xỉ 39% năm 2019. 

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, các hãng hàng không phải đối diện với rất nhiều thách thức. 

Thách thức trực tiếp và lớn nhất là nguồn thu và dòng tiền bị sụt giảm nghiêm trọng, tiền mặt bị suy kiệt và nợ quá hạn gia tăng do hoạt động chính là vận tải hành khách bị đình trệ, trong khi do đặc thù ngành nên các hãng vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, sân đỗ, nhân sự….

Một thách thức không nhỏ khác là do nhu cầu sụt giảm mạnh, các hãng hàng không phải đối mặt với vấn đề dư thừa nguồn lực. Theo thống kê, trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam chỉ có thể khai thác được 60-70% công suất của đội tàu bay. Riêng các giai đoạn dịch bùng phát mạnh, phải giãn cách theo Chỉ thị của Chính phủ, các hãng chỉ sử dụng được 20-30% công suất. Vấn đề này dẫn tới các hãng buộc phải cạnh tranh giảm giá vé để duy trì dòng tiền. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hệ quả là các hãng hàng không trong nước tự làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau, nhìn rộng ra là năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không trong nước sẽ yếu thế so với các hãng nước ngoài. Hệ lụy của vấn đề này là doanh thu trung bình thị trường nội địa năm 2020 giảm 24% so 2019 và năm 2021 ước giảm 35% so 2019. 

Với vai trò cơ quan quản lý, giám sát các doanh nghiệp, Chính phủ đã sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không ngay khi đại dịch xảy ra, và vẫn đang song hành cùng các doanh nghiệp để tìm kiếm các giải pháp giúp các hãng vượt qua khó khăn, chuẩn bị hồi phục. Một số chính sách đã triển khai như giảm 30% thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% phí cất hạ cánh điều hành bay nội địa, kiểm soát thành lập các hãng hàng không mới trong giai đoạn Covid-19… 

Bên cạnh đó, Chính phủ trong vai trò chủ sở hữu cũng đã hỗ trợ Vietnam Airlines thông qua một số giải pháp như gói giải pháp tài chính, cho phép trích khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng máy bay, động cơ do ảnh hưởng của đại dịch.

Về phía Vietnam Airlines, chúng tôi cũng đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh vận tải hàng hóa và bay hồi hương để tăng doanh thu, mang lại khoản thu gần 5.000 tỷ đồng cho năm 2020 và ước khoảng 6.500 tỷ đồng cho năm 2021, đóng góp lần lượt 14% và 34% trong toàn bộ tổng thu của hãng 2 năm vừa qua. 

Đồng thời, chúng tôi cũng triển khai cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí, tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, tái cơ cấu nguồn vốn, tái cơ cấu tài sản gồm đội tàu bay và các danh mục đầu tư. Tổng chi phí cắt giảm của Vietnam Airlines trong 2 năm qua ước đạt gần 16.500 tỷ đồng, trong đó các giải pháp nỗ lực tự thân là trên 11.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam, khó khăn mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19. Do đó, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và rất cần sự chung tay của Chính phủ để duy trì hoạt động.

Kính thưa các lãnh đạo và quý vị đại biểu,

Theo đánh giá của Vietnam Airlines, một số giải pháp cấp thiết và khả thi mà nhà nước có thể xem xét thực hiện để hỗ trợ ngành hàng không hiện nay là:

(1) Điều tiết thị trường trong giai đoạn Covid-19 để thị trường khôi phục và phát triển bền vững thông qua:

Xem xét cấp phép cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường;

Điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau nhằm bảo vệ năng lực chung của cả ngành hàng không Việt Nam trước các hãng nước ngoài;

Mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.

(2) Tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông qua:

Hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước;

Giảm thêm thuế bảo vệ môi trường;

Tiếp tục giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không,

Hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp;

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

(3) Chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành hàng không để có chính sách riêng cho lĩnh vực này thông qua:

Xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để quản lý phòng chống dịch hiệu quả, giúp tối ưu công tác kiểm tra, quản lý của các cơ quan, hãng hàng không, cũng như giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn.

Ban hành hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay theo từng giai đoạn để các hãng chủ động xây dựng kế hoạch khai thác.

(4) Tạo điều kiện cho Vietnam Airlines thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước và của Hãng hàng không Quốc gia, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành hàng không nước nhà. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không quốc gia trong khu vực đã triển khai các giải pháp để tồn tại như thu hẹp quy mô, tái cấu trúc hoạt động như Thai Airways và Philippine Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Malaysia Airlines và Garuda Indonesia tái cấu trúc để giải quyết các khoản nợ khổng lồ…

Trong khi đó, hình ảnh Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực với hàng loạt dấu mốc ấn tượng như trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới được Skytrax cấp chứng chỉ 5 sao cao nhất về an toàn phòng chống dịch, và mới đây nhất là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam khai thông đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ,…

Trong vai trò Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines cũng là đơn vị nòng cốt đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp hàng không nước nhà, quảng bá và phát triển hình ảnh quốc gia, đóng vai trò là lực lượng chủ chốt thực hiện các nhiệm vụ chính trị như kết nối quốc gia, vùng miền, vận chuyển người Việt từ các vùng chiến sự, vùng dịch về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, vật tư y tế, vaccine phục vụ chống dịch,… Với hệ sinh thái hàng không đa dạng, Vietnam Airlines đang đứng trước cơ hội trở thành tập đoàn hàng không có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines nói riêng và các hãng hàng không nội địa nói chung nhằm mục đích cuối cùng là bảo toàn, nâng cao năng lực của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của quốc gia và mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Chúng tôi tin tưởng, với đường lối chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả của nhà nước và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đúng đắn, ngành hàng không chắc chắn sẽ sớm khôi phục trở lại và phát huy tiềm năng vốn có trong bối cảnh mới, qua đó tiếp tục là đôi cánh của nền kinh tế, xã hội, đưa đất nước phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.