[Tết 2023] 2022 – Một năm nhìn lại

“Bay” trong môi trường kinh doanh đầy những bất ổn tới từ các vấn đề địa chính trị và kinh tế thế giới, Vietnam Airlines đã một lần nữa chứng minh được bản lĩnh của Hãng hàng không Quốc gia, tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn và gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào trong một năm đầy thách thức.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Cơ và hội

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2022, với việc Chính phủ mở lại đường bay quốc tế tới các thị trường trọng điểm như Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles, Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt nói chung đã được “mở hàng” một cách may mắn. Tới cuối tháng 3, khi du lịch quốc tế được mở cửa, Cục Hàng không Việt Nam cũng dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế, đánh dấu sự trở lại bình thường của toàn bộ hoạt động bay quốc tế, sau một thời gian dài “đóng cửa” để chống dịch Covid.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ nới lỏng các điều kiện nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thị trường du lịch, hàng không của nước ta đã có thêm động lực để cạnh tranh mạnh mẽ với khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ mở cửa của thế giới vẫn còn chậm. Nhiều quốc gia chưa gỡ bỏ hoàn toàn các quy định về nhập cảnh, cách ly và hành khách vẫn có tâm lý e ngại khi di chuyển. Đặc biệt, thị trường lớn Trung Quốc vẫn đóng băng do chính sách “zero-Covid” và xung đột chính trị ở châu Âu cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới là các tác nhân làm chậm quá trình phục hồi của thị trường quốc tế. Ước tính cả năm 2022, khách tổng thị trường quốc tế đạt 11,1 triệu khách, gấp 21 lần so cùng kỳ nhưng chỉ tương đương 26,9% năm 2019.

alt text
Sau khi Chính phủ nới lỏng các điều kiện nhập cảnh, thị trường du lịch, hàng không của nước ta đã có thêm động lực để cạnh tranh mạnh mẽ với khu vực và toàn cầu. (Ảnh: VNA)

Trong khi đó, tại thị trường hàng không nội địa, mức phục hồi cao hơn trung bình của thế giới nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, sức mua và khả năng chi trả của người dân chưa cao. Khách tổng thị trường nội địa cả năm ước đạt 43,4 triệu khách, gấp 3 lần so với cùng kỳ, tăng 21,2% so với dự báo và tăng 16,0% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cao, bình quân hơn 124 USD/thùng, cao hơn 14 USD/thùng so với kế hoạch, cùng với việc đồng USD tăng mạnh, thậm chí mạnh nhất so với các đồng bản tệ trong gần 20 năm qua đã làm tăng chi phí của các hãng hàng không. Riêng Vietnam Airlines, chi phí này đã tăng lên gần 3.000 tỷ đồng so với năm trước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng sân bay nội địa vẫn tiếp tục gặp khó khăn; thị trường nội địa thì dư thừa cung ứng. Đây đều là những bài toán khó, đòi hỏi Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không phải tìm ra lời giải.

Nỗ lực và thành quả

Trong bối cảnh đã nêu ở trên, những rủi ro và cơ hội đan xen, Vietnam Airlines đã phát huy mạnh mẽ phương châm “Chủ động thích ứng – Vững chắc niềm tin – Phục hồi phát triển”, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có vai trò của Hãng hàng không Quốc gia là thực hiện các chuyến bay chuyên cơ một cách an toàn, trọng thị và chu đáo; đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và du lịch; chủ động tham gia phát động phục hồi hàng không, du lịch; quảng bá văn hóa, điểm đến Việt Nam.

Bám sát với từng diễn biến phục hồi của thị trường, các hoạt động SXKD của Vietnam Airlines được cân đối để có hiệu quả khai thác. Đến cuối năm 2022, Hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 70% số đường bay quốc tế so với thời điểm 2019 (trước dịch Covid-19). Nhờ vào việc điều chỉnh sản phẩm và cung ứng tải hợp lý, các chỉ tiêu vận chuyển của Hãng đều vượt kế hoạch và Vietnam Airlines vẫn duy trì vị trí dẫn dắt thị trường nội địa trong cả năm 2022.

Ước tính năm 2022, tải của Vietnam Airlines tăng 6,8% so với kế hoạch, trong đó nội địa tăng 10,4%, quốc tế tăng 2,7%; sản lượng khách vận chuyển đạt 18,31 triệu khách và 212.000 tấn hàng hoá. Doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 72.359 tỷ, tăng 21% so với kế hoạch, đặc biệt, trong một số thời điểm Tổng công ty thậm chí đã có lãi.

alt text
Đại diện Vietnam Airlines nhận giải thưởng “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” (World’s Leading Cultural Airline) do tổ chức World Travel Awards (WTA) trao tặng. (Ảnh: VNA)

Bên cạnh các hoạt động SXKD, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines đã triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí. Ước tính cả năm 2022, Tổng công ty đã cắt giảm được khoảng 7.483 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân, đàm phán với đối tác là 4.226 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo Đề án tổng thể tái cơ cấu Tổng công ty báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thành kiện toàn tổ chức Đoàn bay 919, Trung tâm Huấn luyện bay; thành lập Trung tâm Dịch vụ khai thác sân bay (ASOC); thành lập Chi nhánh Việt Nam; điều chỉnh chính sách tiền lương cho phù hợp với tình hình khai thác và diễn biến dịch bệnh.

Song song, Tổng công ty cũng thực hiện tinh giản bộ máy; tổ chức lại quy trình công việc; sắp xếp lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn lực. Trong năm 2022, Tổng công ty đã tinh giản được 2 đơn vị, giảm 4 đầu mối cấp Tổng công ty và 50 đầu mối cấp phòng.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines không ngừng hoàn thiện và nâng tầm dịch vụ. Nhờ vậy, Hãng đã có được sự ghi nhận của cộng đồng và thế giới bằng một loạt các giải thưởng danh giá, như “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa (World Leading Culture Airlines)”; “Hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng ghế Phổ thông” (Asia’s Leading Airline – Economy Class); “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading Airline Brand) do World Travel Awards – “Oscar của ngành du lịch” chứng nhận. Hãng cũng được công nhận là Hãng hàng không MICE tốt nhất châu Á 2022.

Năm nay, Vietnam Airlines xếp thứ 48 trong 100 hãng hàng không tốt nhất thế giới. Ngoài ra, còn có một loạt các giải thưởng trong nước như Giải thưởng Thương hiệu quốc gia năm 2022 do Bộ Công thương Việt Nam trao; Top 10 Thương hiệu được giới thiệu nhiều nhất năm 2022 – Vietnam Airlines đứng thứ 1; Top 10 Thương hiệu tốt nhất Việt Nam (Best Brands 2022) – Vietnam Airlines đứng thứ 2, do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường quốc tế Yougov trao tặng; Top 10 Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2022 do Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam – VNR500 trao; Top 5 Công ty uy tín vận tải hành khách năm 2022; Top 10 thương hiệu dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng. Các giải thưởng khác như Top 10 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam; Giải Khuyến khích toàn quốc về thông tin đối ngoại với MV “Nhanh lên nhé”, giải Ba với phim hướng dẫn an toàn bay ”Âm vang đồng điệu“.

Những thành quả trong một năm qua sẽ là động lực để Vietnam Airlines tiếp tục nỗ lực trong năm mới, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn trên hành trình phục hồi và phát triển.

Theo: VNA Spirit – No.1 2023

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.