[Quanh chúng ta] Tổ sale Việt Nam nhanh nhạy “đu đưa” để giữ vững vị thế “sân nhà”

Nhân dịp các chuyến bay nội địa sắp được khai thác trở lại, chúng ta hãy cùng đến với tổ Sales Việt Nam – Ban TTBSP, để xem những thành viên của tổ đã chuẩn bị những gì cho ngày trở lại nhé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cùng sự thành lập của Phòng Phát triển bán và Tiếp thị – Ban TTBSP, tổ Sales Việt Nam (SVN) ra đời vào một ngày không ai nhớ có đẹp trời không từ năm 2005, khi thế giới vẫn còn yên bình vì Covid-19 chưa xuất hiện mà mới chỉ có Sars và cúm gia cầm H5N1.

Được phân công phụ trách toàn bộ chính sách thương mại hành khách tại thị trường Việt Nam, nhiệm vụ chính của tổ là nghiên cứu nhu cầu thị trường để kiến nghị và xây dựng các chính sách, sản phẩm, giá… nhằm cải thiện hiệu quả công tác bán vé hành khách trên các chuyến bay nội địa và chuyến bay quốc tế khởi hành từ Việt Nam. 

Trái với một số ý kiến cho rằng, các thị trường quốc tế vốn có giá vé cao ngất ngưởng là nguồn thu lợi nhuận chủ yếu của VNA, chính “sân nhà” Việt Nam với đường bay tấp nập thứ 2 thế giới giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới là thị trường đóng góp nhiều nhất khi luôn chiếm tối thiểu 50% cơ cấu doanh thu vận tải hành khách của VNA. Vì vậy, không phải đến năm 2020 khi toàn bộ các chuyến bay quốc tế thường lệ bắt buộc phải dừng khai thác do dịch Covid 19 thì vai trò của tổ SVN mới được chú trọng, mà ngay từ những ngày đầu tiên tổ đã được đặt những kì vọng rất lớn để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của VNA. 

Các công việc chính của Tổ có thể kể đến như: nghiên cứu quy hoạch mạng bán, kênh bán, kênh phân phối; xây dựng chính sách thương mại cho người bán và quản trị người bán tại các các Chi nhánh khu vực, đại lý, khách hàng lớn; theo dõi tình hình cạnh tranh tại thị trường và thông tin đối thủ để tham gia điều hành công tác bán; xây dựng các chương trình bán đại trà, các chương trình bán tại sự kiện, hội chợ, các gói combo du lịch; phát triển Bộ quyền lợi nhóm giá hành khách… tất cả đều với mục tiêu phục vụ và tối ưu định hướng bán của VNA. 

alt text
 Bộ điều kiện nhóm giá hành khách mới của VNA (BFM – Branded Fare Matrix) áp dụng cho các hành trình nội địa – một trong những sản phẩm của Tổ SVN. (Ảnh: TT).

Với vai trò là đầu mối lên ý tưởng và triển khai chính sách, tổ SVN thường xuyên phải phối hợp với rất nhiều đơn vị cả trong và ngoài Khối cơ quan như Ban KHPT, Ban TTCĐS, Ban TCKT, Ban DVHK, Ban TT, TTBSV, các Chi nhánh, các phòng trong Ban TTBSP… để có thể phát triển một sản phẩm hoàn thiện từ ý tưởng ban đầu cho đến khi truyền thông và triển khai ra thị trường. Vậy nên trong khối cơ quan TCT, có lẽ không nhiều đơn vị có mối quan hệ “vừa rộng vừa sâu” như tổ SVN.

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, thị trường nội địa trở thành điểm tựa chính của VNA để duy trì hoạt động kinh doanh và dòng tiền, Tổ lại càng có thêm nhiều nhiệm vụ để phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhanh nhạy “đu đưa” với 2 trend đang rất hot trong VNA hiện nay là tăng doanh thu bổ trợ và chuyển đổi số, Tổ cũng rất tích cực chủ trì thực hiện hoặc tham gia vào các dự án thuộc 2 lĩnh vực này. 

Cụ thể, về doanh thu bổ trợ, Tổ đã thực hiện một số chính sách đáng chú ý nhằm thu hút nguồn khách doanh thu cao như triển khai cơ cấu lại Bộ quyền lợi nhóm giá hành khách, tăng quyền lợi cho nhóm giá Phổ thông linh hoạt, xây dựng chính sách giá không hành lý cho VNA và PA, xây dựng các gói sản phẩm bổ trợ như gói sản phẩm nâng hạng… Đối với hoạt động chuyển đổi số, Tổ tham gia vào nghiên cứu và triển khai áp dụng hệ thống B2B nhằm cải tiến việc quản trị công tác bán và tiếp thị, tăng hiệu quả cho hoạt động của khối Thương mại. 

alt text
Bộ điều kiện nhóm giá hành khách mới của PA (BFM – Branded Fare Matrix) áp dụng cho các hành trình nội địa – một trong những sản phẩm của Tổ SVN. (Ảnh: TT).

Dù là một trong những tổ kì cựu của Ban TTBSP, lại được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, các thành viên trong Tổ SVN lại đều rất trẻ với thâm niên còn chưa đủ để lấy bổ sung tiêu chuẩn ID90. Tuy còn trẻ, các thành viên tổ đã cho thấy mình cũng không hề… nhiều kinh nghiệm khi đôi lúc vẫn khiến huyết áp các lãnh đạo tăng nhanh như giá cổ phiếu HVN lúc có tin sắp được bay quốc tế. 

Tuy nhiên, trong việc kinh doanh, khó có thể khẳng định được phương án nào chắc chắn sẽ mang lại thành công, mà chỉ có thể thử để tìm ra cách làm phù hợp. Đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh tại thị trường Việt Nam nơi các đối thủ của VNA đều không ngừng làm mới bản thân còn tập khách hàng cũng đang dần trẻ hóa. Trong quá trình đó, phẩm chất quan trọng nhất là tinh thần “dám thử”, khả năng tiếp thu và ý thức sẵn sàng học hỏi để tiến bộ sau mỗi lần làm chưa tốt. Và các thành viên tổ hiện tại đều là những con người phù hợp để mang đến một cách tiếp cận mới trong công tác bán, với tinh thần “ham chơi như ham học”, khả năng chịu áp lực, được đào tạo bài bản tại các trường đại học hàng đầu cả trong và ngoài nước, đồng thời thông thạo nhiều ngôn ngữ để sẵn sàng học và tiếp nhận những kiến thức mới.

alt text
“Làm tổ Sales Việt Nam về cơ bản là nhàn” – Những gương mặt trẻ trung của Tổ SVN chia sẻ sau một thời gian làm việc. (Ảnh: SVN).

Vài tháng gần đây, hoạt động kinh doanh của VNA bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn quốc. Tổ SVN cũng không hề nghỉ ngơi mà tập trung chuẩn bị sẵn kế hoạch, chương trình bán để sẵn sàng triển khai ngay khi các đường bay nội địa được phép khai thác trở lại. Dù chưa thể kì vọng thị trường nội địa sẽ hồi phục ngay trong một vài tuần tới, nhưng việc một số đường bay bắt đầu được khai thác trở lại cũng là những tín hiệu tích cực đầu tiên. 

Với nỗ lực hoàn thành tiêm chủng vaccine cùng thay đổi trong cách tiếp cận về chống dịch của chính phủ Việt Nam, tin rằng không chỉ các đường bay nội địa mà cả đường bay quốc tế cũng sẽ được mở lại, và tổ SVN sẽ lại sớm có đất “dụng võ” giúp VNA giữ vững vị thế của hãng HK Quốc gia.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.