Thuộc quản lý của phòng KHĐB, cùng với Tổ Quốc tế, Tổ Lịch bay, Tổ Tổng hợp, Tổ Nội địa đảm nhận các nhiệm vụ liên quan tới mạng bay nội địa của VNA.
Theo đó, Tổ xây dựng sản phẩm lịch bay Nội địa phù hợp với nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn và tuân thủ các quy định của nhà chức trách (Cục HKVN); nghiên cứu các đường bay mới tiềm năng; xây dựng kế hoạch hàng năm với các KPI (tải, khách, doanh thu, hiệu quả, thị phần) cho từng đường bay; dự báo nhu cầu thị trường theo từng giai đoạn và phương án điều chỉnh sản phẩm phù hợp; phối hợp với các đơn vị khác như PRM, OCC, SCC… để điều hành nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu KPI.
Cùng với các tổ khác trong Phòng KHĐB, Tổ Nội địa góp phần trong quy trình tạo ra sản phẩm lịch bay Nội địa để các đơn vị khác triển khai các công tác liên quan như công tác truyền thông, công tác bán, khai thác chuyến bay.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng thách thức đối với tổ Nội địa là công tác dự báo thị trường, nhằm đưa ra những kế hoạch khai thác phù hợp.
Để dự báo thị trường, đòi hỏi phải có các dữ liệu liên tục trong quá khứ để phân tích, tham khảo các xu hướng, đồng thời tổ phải tổng hợp các thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, các sự kiện, tình hình dịch bệnh… trong giai đoạn dự báo để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra dự báo.
Hiện tại, chưa có công cụ nào có thể thay thế hoàn toàn yếu tố con người khi làm công tác dự báo. Khi dịch Covid-19 diễn ra đã làm thay đổi hẳn nhu cầu đi lại của hành khách, khiến cho công tác dự báo cực kỳ khó khăn. Ví dụ, không ai có thể dự báo có ngày tất cả các đường bay nội địa thường lệ phải dừng khai thác như hồi tháng 8,9/2021. Tuy nhiên, Tổ Nội địa vẫn đang rất cố gắng bám sát thị trường để đưa ra những kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với từng sự biến đổi của thị trường, nhằm kiểm soát hiệu quả khai thác của các đường bay.
Đối với mỗi đường bay thì mục tiêu về thị phần cũng đóng vai trò rất quan trọng. Với các đường bay đang có hiệu quả khai thác tốt, tổ Nội địa sẽ đề xuất, báo cáo phương án tăng thêm tải; đối với các đường bay có hiệu quả chưa tốt nhưng có dung lượng khách lớn và đóng góp vào thị phần chung cả mạng bay của VNA, tổ sẽ đề xuất, báo cáo phương án khai thác phù hợp, đồng thời phối hợp với các đơn vị khác để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác của đường bay.
Mặc dù có cơ cấu chỉ với 4 nhân sự, trong đó có 1 người đang nghỉ thai sản, Tổ vẫn đang nỗ lực không ngừng để theo đuổi chung mục tiêu, thống nhất theo kế hoạch đề ra, mỗi thành viên đều tuân thủ các quy trình công việc, khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thì có thể hội ý trong tổ để tìm hướng đi trước khi báo cáo Lãnh đạo Phòng.
Các thành viên luôn theo sát việc quản trị các nhóm đường bay và thực hiện các công việc khác như tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo, xây dựng kế hoạch.
Mỗi nhiệm vụ của tổ đều có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trước mắt là tới doanh thu của TCT, sau cùng là liên quan tới thị trường HKVN, nên tổ luôn nỗ lực tối đa để hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, tuỳ từng giai đoạn mà tổ Nội địa đưa nhiệm vụ nào lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, tổ ưu tiên nhiệm vụ xây dựng sản phẩm lịch bay và phối hợp với các đơn vị khác để điều hành nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu KPI.
Sau rất nhiều nỗ lực, năm 2021 ghi nhận thành công lớn nhất của Tổ Nội địa là ở giai đoạn tháng 4/2021, khi Việt Nam kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh thứ 3 và nhu cầu đi lại bắt đầu phục hồi, tổ đã phối hợp với các đơn vị để đánh giá nhu cầu, triển khai khai thác thêm 10 đường bay mới, nâng tổng số đường bay khai thác lên 60 đường bay nội địa. Đây là số lượng đường bay nội địa mà VNA khai thác cao nhất từ trước tới nay và cũng là cao nhất trong các hãng hàng không tại Việt Nam.
“Chào năm mới 2022, Tổ Nội địa không gì khác ngoài việc mong mỏi dịch bệnh nhanh chóng qua đi, để TCT sớm vượt qua khó khăn và thu nhập của anh chị em đồng nghiệp sẽ phục hồi về như giai đoạn trước dịch” – anh Vũ Lệnh Việt Dũng – tổ trưởng tâm sự.
TTNB-Tổ Nội địa