Hoàn thành sứ mệnh – khẳng định đẳng cấp

Sau 20 năm chuẩn bị, VNA đã trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ, quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới, vào ngày 28/11/2021. TGĐ Lê Hồng Hà chia sẻ về dấu mốc đặc biệt này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Việc trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên mở đường bay thường lệ tới Mỹ có ý nghĩa như thế nào với VNA, thưa ông?

Việc thiết lập đường bay thẳng đến Mỹ là trách nhiệm của VNA trong vai trò Hãng hàng không Quốc gia nhằm góp phần tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời tạo cầu nối thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai quốc gia để đóng góp vào sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho VNA và chúng tôi tự hào đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh.

Bay thẳng thường lệ tới Mỹ không chỉ là khát khao của bất cứ hãng hàng không nào mà còn là mong ước của người dân hai nước. Mỗi năm có khoảng hai triệu lượt người đi lại bằng đường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có kiều bào ta ở Mỹ nhưng thị trường hoàn toàn thuộc về các hãng nước ngoài.

Bạn hãy đặt mình vào địa vị của một người xa xứ, nếu một ngày được trở về quê hương trên chính máy bay của đất nước mình, được thưởng thức món ăn Việt, giao tiếp bằng tiếng Việt, chắc chắn bạn sẽ dâng trào cảm xúc ấm áp và gần gũi.

Bên cạnh đó, việc một hãng hàng không được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ đồng nghĩa với việc nâng cao đẳng cấp, vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong ngành hàng không toàn cầu, đáp ứng được tiêu chuẩn bay đến Mỹ được ví như là ở đẳng cấp “hàng hiệu”. VNA hoàn toàn có thể tự hào với dấu mốc này.

alt text
TGĐ Lê Hồng Hà chia sẻ, VNA hoàn toàn có thể tự hào với dấu mốc này. (Ảnh: VNA).

Quá trình để được phê chuẩn cho phép VNA khai thác các chuyến bay thường lệ tới Mỹ đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Đó là một hành trình rất bền bỉ và khó khăn vì trong hoạt động hàng không, đường bay càng dài thì thách thức càng lớn. Năm 2001, VNA đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đối với thị trường Mỹ được đặt ra từ rất sớm, trước cả khi hai nước ký kết hiệp định hàng không. Nhưng bay đến Mỹ có yêu cầu về an toàn kỹ thuật và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới, mức độ cạnh tranh giữa các hãng trên thị trường cũng rất khốc liệt nên trong lịch sử hình thành và phát triển ngành Hàng không Việt Nam chưa từng có đường bay nào mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị khai thác như vậy.

Xin phép bay đến Mỹ phải vượt qua cả một “rừng” thủ tục vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trước hết sẽ đánh giá năng lực Cục hàng không của quốc gia có hãng nộp đơn xin phép bay, rồi mới đánh giá các hãng hàng không xin phép. Từ đầu tháng 7/2020, VNA đã triển khai kế hoạch xin cấp chứng chỉ của FAA và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn, chất lượng đối với toàn bộ hoạt động từ khai thác bay, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ, đến huấn luyện đào tạo phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ (hành khách, hành lý, hàng hóa), nhân viên địa phương tại Mỹ, xin phê chuẩn các loại hình khai thác đặc biệt/vùng khai thác, đánh giá tác động môi trường (khí thải, tiếng ồn) khi bay trong không phận Mỹ.

Bên cạnh đó, VNA còn phải làm việc với Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA). Họ sẽ đánh giá VNA ở rất nhiều lĩnh vực và trải qua rất nhiều công đoạn. VNA phải chứng minh mình đáp ứng mọi yêu cầu của quy định về an ninh hàng không của Mỹ, kể cả các đơn vị cung ứng dịch vụ cho VNA từ hàng hoá, bảo dưỡng kỹ thuật, khai thác mặt đất, nhiên liệu tàu bay, suất ăn, an ninh sân bay… của Việt Nam và phía Mỹ.

Do đại dịch Covid-19 nên TSA không thể sang đánh giá được trực tiếp nên công tác chứng minh VNA đủ năng lực về an ninh hàng không để khai thác thường lệ đường bay Mỹ gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài đúng 1 năm. 

Trải qua 15 tháng liên tục rà soát, chỉnh sửa hệ thống tài liệu, lắp đặt hệ thống trang bị, bố trí nhân lực, đào tạo huấn luyện đáp ứng các quy trình, quy định của Mỹ, cuối cùng VNA đã được FAA cấp chứng chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa thường lệ đến Mỹ vào ngày 4/11 vừa qua.

alt text
Theo TGĐ Lê Hồng Hà, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho VNA và chúng tôi tự hào đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh. (Ảnh: VNA).

Thế còn quá trình làm việc với các cơ quan quản lý trong nước về thủ tục để bay thẳng đến Mỹ thì sao? Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ không?

Đó là những ngày đầu tiên khi Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) bắt đầu xây dựng dự án để đạt chứng nhận CAT1 của FAA. Chứng chỉ CAT1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Đây là điều kiện tiên quyết về mặt kỹ thuật để các hãng hàng không của Việt Nam bay đến Mỹ.

VNA là đơn vị nòng cốt đi đầu trong việc phối hợp với Cục Hàng không xây dựng, triển khai các quy định và tiêu chuẩn mới theo yêu cầu của FAA. Mọi việc đều bỡ ngỡ nhưng với sự đồng thuận, quyết tâm, các nội dung, quy định, quy chế đều được VNA nghiên cứu và triển khai bài bản, chính xác theo đúng yêu cầu của FAA cũng như Cục HKVN.

Trong quá trình thực hiện, kỷ niệm thì có rất nhiều, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là lần diễn tập khẩn cấp trên loại tàu bay mới của VNA là Airbus A350 ngay khi VNA vừa đưa tàu về đến Nội Bài. Các phương thức tài liệu đều mới, đội ngũ nhân sự của VNA vừa hoàn thành khóa huấn luyện nhưng VNA đã thực hiện xuất sắc, vượt qua bài kiểm tra khắt khe nhất về an toàn dưới sự chỉ đạo của Cục HKVN. Cuộc diễn tập đã được ghi hình và chuyển cho FAA để trở thành tài liệu trong hồ sơ đánh giá, cấp chứng chỉ CAT1 của FAA cho Cục HKVN.

Sau này, các hồ sơ được đệ trình tại thời điểm làm CAT1 với Cục HKVN cũng được FAA và VNA sử dụng để làm cơ sở tham chiếu chéo trong quá trình làm thủ tục cấp phép bay thường lệ đến Mỹ. Trong đó, các nội dung bao gồm quản lý an toàn khai thác, đào tạo huấn luyện, VNA đều xuất sắc vượt qua “hàng rào” kiểm tra và giải trình của FAA để đạt được giấy phép cuối cùng vào đầu tháng 11 vừa qua.

Việc thiết lập đường bay thẳng đến Mỹ là trách nhiệm của VNA trong vai trò Hãng hàng không Quốc gia nhằm góp phần tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời tạo cầu nối thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai quốc gia để đóng góp vào sự phát triển lâu dài của Việt Nam. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường hàng không sụt giảm và các điều kiện đi lại bị hạn chế, ông có thể lý giải tại sao VNA quyết định mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ trong bối cảnh này?

Chính đại dịch Covid-19 là yếu tố quan trọng thúc đẩy VNA bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm nay.

Rơi vào khủng hoảng, các hãng hàng không toàn cầu phải tự thay đổi để thích nghi và VNA cũng vậy. Trong nguy có cơ, và cơ hội của chúng tôi chính là đẩy sớm kế hoạch bay Mỹ.

Hai năm qua, thị trường quốc tế sụt giảm rất mạnh, nguồn lực máy bay thân rộng dư thừa, xử lý bán và cho thuê đều gặp khó khăn. Tài sản lớn nhất của một hãng hàng không là đội bay mà cứ phải đậu dưới đất mãi thì không thể có dòng tiền, nên chúng tôi phải tìm mọi cơ hội để cất cánh.

Việc mở thêm đường bay Mỹ sẽ giúp VNA tăng thêm doanh thu, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau Covid-19.

Dựa trên nhu cầu hồi hương của cộng đồng người Việt tại Mỹ, yêu cầu giao thương giữa hai nước ngày càng được củng cố, phát triển, cũng như các lợi ích về nguồn thu tiềm năng và tối ưu nguồn lực, đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ.

alt text
Trong nguy có cơ, và cơ hội của VNA chính là đẩy sớm kế hoạch bay Mỹ. (Ảnh: VNA).

Thị trường hàng không Việt Nam – Mỹ có rất nhiều tiềm năng, nhưng luôn cạnh tranh quyết liệt và có chi phí cao, ông nhận định thế nào về thách thức đối với VNA tại thị trường này?

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường hàng không Việt Nam – Mỹ là một trong những thị trường đầy tiềm năng. Năm 2019, thị trường này ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019, là thị trường có dung lượng đến Việt Nam lớn thứ 10 và là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam.

Kế hoạch bay Mỹ của VNA có rất nhiều thách thức. Đường bay thẳng này có thời gian bay dài, chiều đi dài hơn 13 tiếng, chiều về dài hơn 16 tiếng. Do đó VNA không thể khai thác hết tải của tàu bay dẫn đến doanh thu chuyến bay giảm.

Ngoài ra, VNA gặp phải cạnh tranh rất lớn trên đường bay này do giá vé rẻ được khai thác bởi các hãng hàng không bay 1 điểm dừng (China Airlines, Eva Air của Đài Loan; Korean Air, Asiana Airlines của Hàn Quốc; All Nippon Airways, Japan Airlines của Nhật Bản…).

Vậy đâu là lợi thế của VNA để khai thác, duy trì đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ?

Để đảm bảo cạnh tranh khi tham gia thị trường, VNA tự tin có các lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Thứ nhất, VNA sẽ là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay thẳng giữa hai nước, qua đó rút ngắn thời gian bay 3-10 tiếng bay so với các đường bay 1 điểm dừng, nhờ vậy tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội, chi phí cơ hội của khách hàng.

Thứ hai, VNA có mức an toàn vượt trội. Đã nhiều năm VNA được Skytrax công nhận là hãng hàng không đạt tiêu chuẩn dịch vụ 4 sao, và đang xây dựng kế hoạch để đạt 5 sao. Về mặt an toàn, phòng chống dịch bệnh, VNA cũng đã được Skytrax đánh giá mức cao nhất 5 sao, là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới đạt được mức xếp hạng này. 

Thứ ba và cũng rất quan trọng, VNA là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, biểu tượng của Việt Nam, với đội ngũ tiếp viên, nhân viên người Việt. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, doanh nhân người Việt trên thị trường.

Kế hoạch khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ của VNA tới Mỹ thế nào? Điểm đến và thời gian khai thác có gì đặc biệt?

Từ 28/11/2021, VNA sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng không điểm dừng giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. VNA sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Thời gian bay từ TP.HCM đến San Francisco là 13 tiếng 50 phút, và chiều về là 16 tiếng 40 phút. Theo giờ bay này, chuyến bay từ San Francisco khởi hành vào cuối ngày, sau một đêm ngủ trên máy bay là hành khách có thể tràn đầy năng lượng đón ngày mới ở bên kia bán cầu. Chuyến bay từ TP.HCM khởi hành cuối giờ chiều và đến San Francisco khoảng 19 giờ 30 phút, khách có thể làm thủ tục nhập cảnh rời sân bay trước ban đêm hoặc tiếp tục nối chuyến đi trong nội địa.

Và giá vé sẽ là bao nhiêu thưa ông?

Dự kiến giá vé của chặng bay một chiều giữa Việt Nam và Mỹ do VNA khai thác sẽ từ 800 USD, bao gồm thuế, phí.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Spirit N.05

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.