Tỷ lệ OTP đạt 100% là điều không thể
Về lý thuyết, một chuyến bay được xem là đúng giờ nếu nó khởi hành không sai lệch quá 15 phút so với giờ bay dự kiến. Khoảnh khắc 15 phút trễ nải ấy có thể do một số hoạt động kiểm tra nhỏ về máy móc, giấy tờ, hay đường băng bị quá tải, thời tiết xấu, quá nhiều hành lý, hàng hóa đến trễ, thậm chí vì hành khách tranh cãi, ẩu đả với nhau…
Ngay cả khi đã trừ đi 15 phút ấy, thì việc một hãng hàng không có thể đạt được tỷ lệ đúng giờ 100% là điều gần như không thể. Bởi hoạt động khai thác hàng không chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố.
Ngoài năng lực quản lý, vận hành, tình trạng máy bay, các yếu tố như hạ tầng sân bay, dịch vụ mặt đất, quản lý không lưu, thời tiết (mưa, bão…) và những tình huống bất thường khác (sức khoẻ hành khách,..) đều có thể tác động đến hoạt động mỗi chuyến bay.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ tại các sân bay nước này, 5 hãng hàng không có chỉ số đúng giờ cao nhất năm 2021 lần lượt là Hawaiian Airlines – 90,1%, Delta Air Lines – 88,2%, Alaska Airlines – 83,2%, American Airlines – 81,6%, United Airlines – 79,8%. Điều này có nghĩa là trong suốt năm vừa qua, có tới 90,1% số chuyến bay của Hawaiian cất cánh, hạ cánh đúng giờ. Lý giải tương tự với các hãng còn lại.
Ở Việt Nam, Vietnam Airlines có tỷ lệ bay đúng giờ là 95% trong cả năm 2021 và xấp xỉ 90% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Trong số những yếu tố thông thường khiến hoạt động khai thác bị ảnh hưởng, dẫn tới việc các hãng hàng không không thể đạt tỷ lệ OTP 100%, thì ở nước ta, nguyên nhân chính được cho là do năng lực hạ tầng sân bay quá tải. Ví dụ như một nhà ga chỉ có công suất phục vụ 50 triệu khách, nhưng phải đón tới hơn 100 triệu khách.
Năm 2019, sân bay Nội Bài đã đón 450-500 chuyến bay/ngày, kể cả quốc tế và nội địa. Đến thời điểm hiện tại, Nội Bài đang đón hơn 600 chuyến bay/ngày.
OTP của hãng bay nhỏ và hãng lớn không giống nhau
Cần phải hiểu rằng các hãng bay nhỏ với số chuyến bay khai thác hằng ngày không nhiều thì càng có nhiều khả năng đạt điểm OTP cao hơn các hãng bay có tần suất khai thác dày hơn, do những ảnh hưởng dây chuyền của hệ thống. Khi một máy bay đến muộn, chuyến bay tiếp theo không thể thực hiện đúng giờ. Các chuyến bay về hạ cánh vào cùng một thời điểm tạo nên phân cách ngắn, dẫn đến các chuyến cất cánh phải chờ và cất cánh muộn. Vì vậy, tỷ lệ OTP của một hãng bay khai thác 400 chuyến/ngày rất khác biệt với tỷ lệ đó của hãng chỉ khai thác 100 chuyến/ngày.
Ở Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia hiện đang sở hữu mạng lưới đường bay rộng nhất, kết nối tới 21 sân bay nội địa, 49 sân bay quốc tế trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Hãng còn có thỏa thuận liên danh với 23 hãng hàng không, điều này giúp cho mạng lưới đường bay của Vietnam Airlines phủ khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Úc và Bắc Mỹ. Khi so sánh với những hãng bay có tần suất khai thác tương tự trên thế giới thì tỷ lệ OTP của Hãng được các chuyên gia trong ngành đánh giá là tương đối cao.
Thực tế là bên cạnh việc tôn trọng khách hàng và mong muốn gia tăng uy tín của Hãng hàng không Quốc gia, thì OTP còn có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả về chi phí khai thác. OTP thấp làm nảy sinh nhiều khoản phí tốn kém, bao gồm bồi thường, đặt lại hành trình cho hành khách, bảo hiểm, tiền làm thêm giờ cho phi hành đoàn… Ngoài ra, hãng hàng không cũng phải chịu những chi phí phát sinh như nhiên liệu, phí đỗ tàu bay tại sân bay…Số lượng chuyến bay càng nhiều, thiệt hại của hãng bay càng lớn khi OTP thấp.
Ngược lại, theo một số liệu thống kê, mỗi phút bay đúng giờ có thể giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí từ 5 – 10 USD trên một chiếc máy bay. Nếu tất cả các máy bay giảm được một phút đậu trên đường băng giữa các chuyến, chi phí hoạt động tiết kiệm được một năm có thể lên tới 5 – 10 triệu USD.
Vì vậy, các hãng hàng không đều nỗ lực để tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho chính hãng hàng không, cho khách hàng và cả nền kinh tế.
Theo Spirit N0.5