Hãy cùng trò chuyện với ông Lê Bá Tùng – Trưởng Phòng An Ninh Hàng không của Hãng hàng không Quốc gia để tìm hiểu thêm về quá trình “gian nan” này.
Được biết, VNA đã bắt đầu tiến hành thủ tục tại các cơ quan chức năng của Mỹ từ tháng 11/2016 và đã được Bộ Giao Thông Vận Tải Mỹ (DOT) cấp Giấy phép khai thác từ tháng 8/2019, nhưng vì sao đến bây giờ mới được TSA thông qua, thưa ông?
Sau khi được DOT cấp giấy phép bay thẳng thương mại thường lệ vào tháng 8/2019, VNA tiếp tục làm việc với rất nhiều cơ quan chức năng của Mỹ, đặc biệt là Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Chỉ khi đáp ứng yêu cầu của các cơ quan này, VNA mới được làm việc với TSA là cơ quan quan trọng nhất (kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001) để đủ điều kiện khai thác chuyến bay thương mại thường lệ đến Mỹ.
Phải biết rằng trước khi có tên gọi là TSA như hiện tại thì Cục An ninh Vận tải Mỹ từng được đặt tên là Cục 11/9, do lịch sử ra đời của Cục gắn liền với sự kiện đáng nhớ này. Khi vụ khủng bố xảy ra, Mỹ bắt đầu nhận thấy tính chất nghiêm trọng của an ninh hàng không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, vì vậy mà TSA được ra đời. Nói như thế để chúng ta hiểu được mức độ khắt khe và nghiêm ngặt của TSA đối với các hãng bay nước ngoài muốn khai thác vào thị trường của họ.
VNA đã làm những gì để thuyết phục TSA?
Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với TSA từ tháng 10/2020 và trải qua rất nhiều công đoạn. Bước đầu tiên là xây dựng Chương trình an ninh hàng không cho đường bay tới Mỹ đáp ứng quy định pháp luật của họ về an ninh hàng không, như các biện pháp bảo đảm an ninh tàu bay; các biện pháp bảo đảm an ninh hành khách, hành lý xách tay, hành lý ký gửi, hàng hóa, bưu gửi; biện pháp bảo đảm an ninh suất ăn; các biện pháp bảo đảm an ninh cho các chuyến bay VIP chuyên cơ…
Bước thứ 2, chúng tôi tổ chức huấn luyện đào tạo cho các nhân viên có liên quan, từ tổ bay đến nhân viên mặt đất. Phòng An ninh Hàng không sẽ đào tạo trực tiếp cho đội ngũ giáo viên của Trung tâm Huấn luyện bay (FTC) và Trung tâm Đào tạo thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS). Kế đó, đội ngũ giáo viên thuộc 2 trung tâm này sẽ triển khai đào tạo cho hệ thống nhân viên, nhằm đảm bảo các quy trình an ninh trên không cũng như các quy trình phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa…
Sau khi hoàn thành tổ chức đào tạo, chúng tôi tiến hành gửi các bằng chứng cho TSA để chứng minh VNA đáp ứng các yêu cầu của quy định về an ninh hàng không của Mỹ, kể cả các đơn vị cung ứng dịch vụ cho VNA từ hàng hoá, bảo dưỡng kỹ thuật, khai thác mặt đất, nhiên liệu tàu bay, suất ăn, an ninh sân bay… của Việt Nam và phía Mỹ.
Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất của VNA trong quá trình thuyết phục TSA?
Trong quá trình làm việc từ tháng 3-10/2021, do vấn đề nội bộ từ phía nước bạn, TSA đã thay đổi 6 lần nhân sự phụ trách các hãng hàng không khu vực, trong đó có Việt Nam. Cứ tới khi đã đến gần hơn với giấy phép phê duyệt, lại có người mới tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, chúng tôi phải bắt đầu công cuộc chứng minh, thuyết phục từ đầu.
TSA khi cấp phép cho hãng bay nào, sẽ phải cử người đến tận nơi để kiểm tra, đánh giá. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, họ đã nhận xét gì về hạ tầng hàng không ở Việt Nam nói chung và điều kiện bay của VNA nói riêng?
Trước đây, TSA đã đánh giá và cấp phép cho 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất về đảm bảo an ninh hàng không để các hãng hàng không bay thẳng đến Mỹ. Giấy phép của TSA đã thể hiện hạ tầng hàng không của 2 sân bay này đáp ứng tiêu chuẩn an ninh hàng không của phía Mỹ để khai thác đường bay thẳng.
Từ ngày 2 – 13/12/2021, TSA sẽ kiểm tra, đánh giá an ninh hàng không của 2 sân bay này để gia hạn giấy phép và thanh sát các hãng hàng không quốc tế có đường bay thẳng đến Mỹ từ 2 sân bay này, trong đó duy nhất VNA là hãng hàng không Việt Nam có đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ.
Là người đầu tiên nhận được thông tin TSA chấp thuận phê duyệt VNA đủ năng lực về an ninh hàng không, ông có suy nghĩ, cảm xúc gì đặc biệt?
Thật khó diễn tả. Bạn cũng biết đấy, mở đường bay thẳng tới Mỹ không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị của Hãng hàng không Quốc gia. Và để hoàn thành được nhiệm vụ này, chúng ta nhất định phải thông qua TSA. Thực tế là cũng có nhiều hãng bay Việt theo đuổi TSA từ lâu rồi, nhưng VNA đã trở thành hàng hàng không đầu tiên có được chấp thuận này. Đây là niềm tự hào của không chỉ đội ngũ phòng An ninh Hàng không chúng tôi, mà còn là niềm vui chung của Hãng, của ngành cũng như của đất nước. Tất cả chúng ta đều hi vọng rằng trong tương lai, ngành Hàng không Việt sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, sau sự kiện ý nghĩa này.
Rất cảm ơn cuộc trò chuyện của ông!
Theo Spirit No.5