Đón bình minh phía trước

Thị trường vận tải nội địa tăng trưởng nhanh và việc bước đầu tái cơ cấu có hiệu quả đã giúp Vietnam Airlines ổn định kết quả kinh doanh, tạo tiền đề thuận lợi để bước sang giai đoạn phục hồi trong năm 2023.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phục hồi rõ nét

Những tín hiệu phục hồi của thị trường hàng không nội địa được thể hiện rất rõ trong báo cáo mới nhất được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải vào cuối tháng 10/2022. Theo đó, tháng 9/2022, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 3,5 triệu khách, trong đó nội địa đạt 2,9 triệu khách, tăng 1.679,3% so với tháng 10/2021.

Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp, sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa của các hãng bay Việt Nam có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. “Nhu cầu giao thương, du lịch của người dân được bung ra sau thời gian dài bị dồn nén do dịch Covid-19 đã giúp thị trường hàng không nội địa đang phục hồi nhanh hơn dự báo, đặc biệt là trên các đường bay trục Bắc – Nam và các đường bay kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch lớn”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá. 

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đã đạt 21.156 tỷ VNĐ – tăng gần 350% so với cùng kỳ năm trước. Dù biên lợi gộp chỉ đạt 0,8% nhưng đây là quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lãi gộp trở lại với mức 165 tỷ VNĐ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 51.107 tỷ VNĐ – tăng 173% và lỗ sau thuế đã giảm tới 4.370 tỷ VNĐ so với 9 tháng đầu năm 2021. Đà phục hồi chung của thị trường và những kết quả bước đầu khả quan sau khi Vietnam Airlines chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 đã cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung dòng tiền cho doanh nghiệp. 

alt text
Vietnam Airlines chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19. (Ảnh: VNA).

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Hãng đang triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 nhóm giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu, gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ; Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền (2022-2025); Phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu (2023-2025). Đây cũng là nhóm giải pháp nằm trong Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã được Tổng công ty trình cấp có thẩm quyền.

Việc tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines là việc cần làm và làm nhanh để Hãng sớm vượt qua khó khăn, nắm bắt được thời cơ, bứt phá, vượt lên. Trong khi chờ Đề án được thông qua, Vietnam Airlines cũng đã chủ động thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu nằm trong thẩm quyền như đàm phán giãn các khoản thanh toán đến hạn; thanh lý các tài sản (trong 6 tháng đầu năm 2022 đã bán thành công 2 máy bay cũ); đẩy nhanh tiến độ cơ cấu tài sản (bán, bán và thuê lại máy bay); cắt giảm các chi phí không cần thiết… 

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Vietnam Airlines sẽ được cải thiện đáng kể nếu Hãng thoái được vốn tại Pacific Airlines ngay trong năm 2022. Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ giảm được ít nhất 4.000-5.000 tỷ VNĐ lỗ lũy kế hợp nhất từ việc thoái vốn khỏi Pacific Airlines và thoái phần vốn góp còn lại tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air. 

Lạc quan thị trường 2023

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2023, ngành hàng không vẫn sẽ là lĩnh vực có tốc độ phục hồi nhanh nhất, trong đó lợi thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp sở hữu mạng đường bay lớn như Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, bất chấp việc thị trường quốc tế phục hồi chậm, nhiều chuyên gia vẫn đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng thị trường hàng không trong năm 2023. Trong đó, thị trường nội địa vẫn là điểm sáng với tổng sản lượng vận chuyển nội địa ước đạt 46,7 triệu khách, tăng 2,7% so với năm 2022.

alt text
Nhiều chuyên gia vẫn đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng thị trường hàng không trong năm 2023. (Ảnh: VNA).

Một tín hiệu tích cực nữa đối với các hãng bay Việt Nam là công tác đàm phán khôi phục và tăng số lượng các chuyến bay vận chuyển hành khách thường lệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, thị trường chiếm tới 34% sản lượng khách quốc tế đang diễn ra tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong trường hợp thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế sẽ phục hồi rất nhanh, có thể sớm trở về mức trước dịch vào năm 2024. Đây là cú huých rất lớn đối với các hãng bay từng có lịch sử khai thác thành công thị trường tỷ dân này như Vietnam Airlines. “Nếu giải quyết tốt bài toán tỷ giá thì lực đẩy từ thị trường sẽ giúp ngành hàng không Việt Nam cất cánh trong năm 2023”, VNDIRECT nhận định.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng, Phó trưởng ban Triển khai tái cơ cấu Vietnam Airlines nhấn mạnh: “Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định tới khả năng phục hồi và trở lại quỹ đạo phát triển của Hãng Hàng không Quốc gia trong 5 năm tới”.

Theo HRT245

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.