Đổi mới tư duy để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo hỗ trợ nhà nước thực hiện các nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà những doanh nghiệp khác không muốn làm. Nhưng khi khủng hoảng đi qua, có không ít doanh nghiệp nhà nước bị “trói tay” bởi các vấn đề cơ chế nên khó bứt phá để phục hồi và phát triển sau đại dịch. Chúng tôi đã trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn đề này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong cả giai đoạn chống dịch và phục hồi kinh tế vừa qua?

TS Nguyễn Đức Kiên: Báo cáo của cơ quan hữu quan tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV vừa diễn ra cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện tương đối tốt vai trò, trách nhiệm xã hội của mình khi đất nước gặp khó khăn. Thể hiện trong việc đóng góp rất lớn vào Quỹ Vaccine, hỗ trợ người lao động thực hiện ba tại chỗ trong đợt dịch bùng phát thứ 2,3 và chia sẻ khó khăn trong đợt bùng phát dịch thứ 4.

Xuyên suốt cả quá trình đó cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn đảm nhận vai trò lớn nhất và gánh chịu nhiều rủi ro nhất. Đơn cử, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện cho người dân, doanh nghiệp trong các năm 2020-2021 và trước đó không tăng giá bán điện đã góp phần rất lớn giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, EVN đã lỗ do bù giá 16 nghìn tỷ đồng. Hay như vừa qua khi thị trường xăng dầu trong nước bất ổn, chỉ có những cây xăng của doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty xăng dầu quân đội bán hàng 24/24 giờ và không tính toán đến chi phí ở khâu phân phối. Đó là những đóng góp vừa là vô hình, vừa hữu hình cho sự ổn định chung của kinh tế-xã hội. 

Tuy nhiên có quan điểm cho rằng doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị là điều đương nhiên, vì họ cũng được hưởng nhiều đặc quyền, ưu ái?

Đó là cách nhìn nhận không đầy đủ, không đề cập đến những nỗ lực nhằm nâng cao năng lực quản trị, và vấn đề vướng mắc đặc thù về cơ chế của khối doanh nghiệp này. 

Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng đã đồng thời tự mình nâng cao năng lực quản trị vượt qua khủng hoảng. Tôi lấy ví dụ trường hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã đàm phán với các chủ nợ, đối tác bán và cho thuê máy bay và giảm được hơn 700 triệu USD (tương đương hơn 17 nghìn tỷ đồng), lớn hơn tổng mức vốn nhà nước giao tại doanh nghiệp. Nhưng bước vào giai đoạn phục hồi để phát triển, chính Vietnam Airlines lại bị đang vướng mắc cơ chế và không thể thực hiện ngay các biện pháp để tự mình vực dậy giống như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Đến nay, đề án tái cơ cấu của Vietnam Airlines chậm được phê duyệt, có nguy cơ làm giảm sút năng lực tài chính, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. 

alt text
Vietnam Airlines lại bị đang vướng mắc cơ chế và không thể thực hiện ngay các biện pháp để tự mình vực dậy giống như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. (Ảnh: Phạm Hùng).

Xin ông phân tích rõ hơn về những quy định chặt chẽ của pháp luật khiến quá trình tái cơ cấu Vietnam Airlines đang chậm hơn so với nhịp phục hồi của nền kinh tế. Điều này ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp?

Do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, Vietnam Airlines đã xây dựng đề án tái cấu trúc, trong đó có phương án tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cho cổ đông bên ngoài. 

Về mặt lý thuyết, khi một doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn lưu động thì trước hết phải thoái vốn tại các công ty con hoặc phát hành tăng vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp kêu gọi vốn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phát hành tổng cộng hơn 1,3 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ để huy động vốn. Nhưng nghiệp vụ này chưa được áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước vì nhiều cơ chế, chính sách còn bật cập, chưa thống nhất, chậm sửa đổi phù hợp với thực tiễn. 

Vietnam Airlines phải lập đề án trình Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Vướng mắc là ở chỗ, theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, khoản đầu tư từ tiền ngân sách nhà nước vào Vietnam Airlines phải đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn theo Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hơn nữa, lĩnh vực kinh doanh của Vietnam Airlines không thuộc ngành nghề nhà nước phải đầu tư vốn. 

Phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới cũng vướng một số quy định của Luật Chứng khoán. Còn theo phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ sẽ bị tính vào trần nợ công. Bảy năm qua, Chính phủ không bảo lãnh vay của doanh nghiệp nhà nước để đầu tư phát triển. Hiện nợ công của Việt Nam tính theo GDP mới đã giảm về ngưỡng 44-45% GDP so với mức trần nợ công Quốc hội cho phép 65% GDP. Trong bối cảnh hiện nay, đây là phương án nhanh và khả thi nhất để xem xét tháo gỡ khó khăn về huy động vốn cho doanh nghiệp, nhưng nếu vẫn theo quan điểm cứng nhắc coi trần nợ công là tiêu chí bất biến và thiếu linh hoạt trong áp dụng các quy định của pháp luật thì giải pháp này cũng không thể thực hiện được. 

Nghĩa là cần có quyết định đặc thù để doanh nghiệp nhà nước có đủ không gian để hoạt động như một doanh nghiệp và gánh vác nhiều trách nhiệm được giao, thưa ông?

Tôi khẳng định hoàn toàn có thể bóc tách các khoản lỗ do điều kiện khách quan doanh nghiệp gặp phải để đánh giá lại khả năng tài chính, chất lượng tài chính của doanh nghiệp, làm cơ sở cho Vietnam Airlines thực hiện các biện pháp gọi vốn theo quy luật của thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta tự hào vì giữ được nợ công, duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, thì đây chính là dư địa để thực hiện chính sách thí điểm nhằm hỗ trợ một số doanh nghiệp nhà nước có năng lực quản trị tốt bảo toàn vốn, bứt phá thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó. 

Tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã có những biến động sâu sắc, không ai có thể dự báo được mọi thứ thay đổi rất nhanh sau đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga-Ukraine. Cho nên phải có những thay đổi từ tư duy để phù hợp với tình hình mới, từ đó có những quyết sách đúng, hành động đúng. 

Theo quan điểm của ông, cần nhìn nhận lại như thế nào về vai trò của doanh nghiệp nhà nước để có các quyết sách đúng và hành động đúng?

Đây là nội dung mà chúng ta cần xác định rõ khi nhìn nhận và xử lý các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở đây Nhà nước phải có hai vai, một vai là người điều hành nền kinh tế chung, coi cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều là doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động trên đất nước Việt Nam, được đối xử bình đẳng như nhau. Nhưng vai thứ hai cũng rất quan trọng, Nhà nước là chủ sở hữu phần vốn tại doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Nếu không nhận thức đúng, không tách bạch hai vai trò này sẽ dẫn đến những quan điểm phê phán, làm mất động lực cho những người đang công tác trong các doanh nghiệp nhà nước. 

Lâu nay do không nhìn nhận đúng, nên đã xuất hiện sự bất bình đẳng thể hiện ở việc đánh giá hiệu quả kinh tế và chế độ đãi ngộ. Về đánh giá hiệu quả, khi nền kinh tế vận hành thông suốt, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của khối doanh nghiệp nhà nước thường không thể quy đổi thành những con số cụ thể, trong khi các vướng mắc về cơ chế cũng không được thấy rõ, khiến dư luận đánh giá khối này hoạt động kém hiệu quả dù nhận được nhiều ưu ái. 

Về chế độ đãi ngộ, thử làm một phép so sánh cơ bản sẽ thấy, tổng tài sản của một ngân hàng thương mại cổ phần không thể bằng một tập đoàn kinh tế nhưng lương của lãnh đạo ngân hàng lên đến 200 triệu đồng/tháng, trong khi lương của người điều hành doanh nghiệp chỉ được tối thiểu 50 triệu đồng/tháng. Cơ chế đãi ngộ đó khiến doanh nghiệp nhà nước không thể giữ được người tài, giữ được chất xám. 

Có một nghịch lý là kinh tế Việt Nam phát triển tương đối cao so với khu vực nhưng vẫn luôn dưới tiềm năng, chính là do chúng ta đã nhìn nhận được vấn đề nhưng khâu tổ chức thực hiện không triển khai được bằng các văn bản pháp quy để chống rủi ro cho những người làm trực tiếp. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tô Hà  – Báo Nhân Dân 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.