Tên gọi “Quân đội Nhân dân” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Một tên khác được nhân dân yêu mến đặt cho là “Bộ đội cụ Hồ”.
Ngày 22/12/1944, Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng, chia thành 03 tiểu đội, Ngày 22/12 được xác định là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Về lý luận: Đảng ta đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin về quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào tổ chức, xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam sát với điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, xây dựng ra lực lượng vũ trang cách mạng với ba thứ quân (Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân và du kích).
* Về thực tiễn đã chứng minh: dù bất kỳ tình huống nào cũng phải tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, là một nguyên tắc bất di, bất dịch của Đảng trong xây dựng Quân đội, đồng thời là yếu tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta.
* Quân đội ta là Quân đội “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu”.
Xuất phát từ vai trò của quần chúng trong lịch sử, trong quá trình tổ chức, xây dựng, giáo dục, rèn luyện QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ, Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”, “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào có thể tiêu diệt được”, “Có dân là có tất cả”.
“Vì nhân dân mà chiến đấu”, đã được thể hiện trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân công tác, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và còn được thể hiện trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
* Là đội quân chiến đấu dũng cảm, mưu trí, quyết chiến, quyết thắng
Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, Quân đội ta đã cùng với toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội đã làm nòng cốt cùng toàn dân và các lực lượng vũ trang chiến đấu và giành thắng lợi vang dội trong các chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), Biên Giới (năm 1950) và cuộc quyết chiến chiến lược Đông Xuân (năm 1953 – 1954) với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (năm 1972) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975; góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những kỳ tích hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 33 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta.
Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, bên cạnh niềm tự hào về một quân đội bách chiến bách thắng, còn là dịp để chúng ta nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn tất cả những gì mà quân đội của chúng ta đã từng và đã trải, đã chiến đấu, hi sinh, để trưởng thành lớn mạnh, để thắng lợi vẻ vang; là dịp để chúng ta tôn vinh tất cả những thế hệ đã hiến dâng cuộc đời mình cho vinh quang của dân tộc, cho độc lập, tự do của đất nước; là dịp chúng ta tưởng nhớ những người đã mất và cố gắng làm tròn trách nhiệm của những người còn sống, đang sống…
Phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tự hào khi có rất nhiều những nhân viên từng trải qua quân đội là sỹ quan chỉ huy máy bay chiến đấu, chiến sỹ các quân binh chủng, công nhân viên quốc phòng… đã và đang làm việc trong các vị trí như phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất, góp phần vào sự phát triển của hãng, lan toả niềm tự hào và tinh thần người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.