[22/12] Đoàn Bay 919 – yếu tố bất ngờ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Đã nửa thế kỉ trôi qua, nhưng dấu ấn về những phút giây quân và dân cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đã lập lên chiến công bắn rơi các pháo đài bay của Mỹ, tạo tiền để cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 thắng lợi vẻ vang là không thể quên đối với mỗi người. Ôn lại những mốc son lịch sử, những bài học nghệ thuật quân sự của cha anh, vừa là niềm tự hào vừa là động lực to lớn để mỗi CBNV và phi công Đoàn bay 919 phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa với tinh thần của hôm nay “Chủ động thích ứng – Giữ vũng niềm tin – Phục hồi phát triển”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sát cánh cùng phi công tiêm kích

Năm 1972, Mỹ leo thang đánh phá bằng không quân trở lại miền Bắc nước ta với quy mô lớn và vô cùng ác liệt. Các sân bay là một trong những mục tiêu chúng tập trung phá hoại. Cuối tháng 12 năm 1972, có ngày chúng huy động 90 lần chiếc đánh phá có tính chất huỷ diệt các sân bay Gia Lâm, Nội Bài – là nơi các máy bay của Trung đoàn 919 cất hạ cánh, thực hiện nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường và bay thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trên giao. 

Để đảm bảo lực lượng hoạt động lâu dài, Trung đoàn đã tổ chức sơ tán người, phương tiện đến các vị trí an toàn. Tại các sân bay chỉ duy trì một lực lượng nhỏ thường trực, đảm bảo cho máy bay hoạt động khi cần thiết. Các máy bay trực thăng, được Trung đoàn sơ tán lên sân bay Hoà Lạc và thường trực để phối hợp, cơ động chiến đấu cùng Trung đoàn phi công tiêm kích; tham gia cứu nạn, tìm kiếm phi công; tìm cứu người bị thương vận chuyển đến nơi an toàn. 

Đội máy bay IL 14 được lệnh sơ tán lên sân bay Lạng Sơn cất giấu. Tuy vậy, trong năm, IL 14 vẫn tổ chức bay thực hiện nhiệm vụ được 122 lần chuyến, bay huấn luyện được gần 100 lần chuyến. 

Đội máy bay AN 2, trong năm 1972 bay hơn 450 lần chuyến với 474,6 giờ bay an toàn chuyên chở phi công, thợ máy, chỉ huy của các trung đoàn tiêm kích cơ động trên các sân bay toàn miền Bắc.

alt text
Năm 1972, Trung đoàn 919 dùng trực thăng Mi-6 cẩu 400 lần chiếc MiG-17/21 phục vụ yêu cầu cơ động chiến đấu và sơ tán, bảo quản máy bay. (Ảnh tư liệu).

Đội máy bay LI 2 của Trung đoàn và các tổ bay cũng phải cơ động, sơ tán, tránh sự đánh phá của không quân Mỹ. Các tổ bay đã thực hiện nhiều chuyến bay đưa phi công chiến đấu đi quan sát địa hình miền Bắc, giúp các phi công lái MIG thông thạo địa hình để thuận lợi trong việc không chiến với máy bay địch. Nhiều tổ bay LI 2 cả tuần phải bay làm quân xanh cho máy bay MIG của ta tập luyện. Ngoài ra, LI 2 còn thực hiện bay được 159 lần chuyến vận tải các loại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội bay LI 2 của Trung đoàn đã bị tổn thất. Ngày 3 tháng 3 năm 1972, tổ bay LI 2 gồm các đồng chí Nguyễn Văn Phong, Bùi Thế Tần, Nguyễn Minh Dũng, Trương Công Chính, Đào Văn Hoà, Cao Văn Tuyển bay vận chuyển đoàn cán bộ Trung đoàn Không quân tiêm kích E-921 đi công tác vào sân bay Vinh đã gặp nạn, hy sinh cả tổ bay. 

Trong những ngày chiến dịch ác liệt của năm 1972, các máy bay trực thăng chỉ để lại một số ít trực ban chiến đấu, còn lại được sơ tán tại các bãi tre làng như: Làng Nha, Dâu, Keo, Đa Tốn… Các máy bay được phân tán rộng và xa người bay. Việc bảo dưỡng kỹ thuật làm định kỳ phải thực hiện tại chỗ, nên tổ bay phải có mặt để tiến hành. Phương tiện đi lại chủ yếu của anh em phi công là xe đạp. Có khi phải đèo nhau 15- 20km mới đến nơi máy bay đậu. 

Cuối năm 1972, không quân Mỹ rình mò, bắn phá ác liệt, Tiểu đoàn 5 trực thăng của Trung đoàn 919 đã triển khai di chuyển toàn bộ lực lượng và phương tiện xuống sân bay Kiến An và tổ chức trực ban chiến đấu luôn ở sân bay này, vừa tổ chức huấn luyện để giữ vững kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đêm 18 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ liên tục dùng B52 đánh bom xuống sân bay Gia Lâm. Nhiều quả bom đã rơi trúng đường băng sân bay. Trung đoàn 919 huy động lực lượng, cùng với nhân dân xung quanh nhanh chóng sửa chữa. Liên tiếp trong nhiều ngày sau, B52 của Mỹ liên tục dội bom hủy diệt sân bay. Bom Mỹ đã phá hủy một máy bay IL 18, 1 máy bay AN 24, 2 trực thăng MI 4 và giết hại nhiều người, trong đó có tổn thất hy sinh của chiến sỹ của Trung đoàn 919.  

Cuối năm 1972, cuộc tập kích chiến lược bằng đường không với quy mô lớn nhất chủ yếu bằng B52 của Mỹ bị thất bại hoàn toàn. Quân và dân miền Bắc mà chủ yếu là lực lượng phòng không không quân đã chiến đấu xuất sắc, bắn rơi 87 máy bay địch, trong đó có 34 chiếc B52, mà hầu hết là rơi tại chỗ. Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chiến thắng này buộc Mỹ phải xuống thang và đề nghị gặp lại điện diện Chính phủ ta ở Pari để bàn việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Giữa lúc sân bay Gia Lâm còn vương khói bom và lỗ chỗ hố bom chưa kịp san lấp, tổ bay chuyên cơ IL 18 của Trung đoàn 919 lại cất cánh chở Cố vấn Lê Đức Thọ sang Pari ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Năm 1972, Trung đoàn 919 dùng trực thăng Mi-6 cẩu 400 lần chiếc MiG-17/21 phục vụ yêu cầu cơ động chiến đấu và sơ tán, bảo quản máy bay. Trực thăng Mi-6 cẩu 3 trạm radar lên một số điểm cao thuộc vùng núi tỉnh Hòa Bình, Hà Tây góp phần tạo thế bố trí lực lượng mới, đảm bảo cho các đơn vị phòng không – không quân của ta đánh địch. Mi-6 cũng cẩu một số khẩu pháo cao xạ ra bãi nổi giữa sông Hồng, chiếm lĩnh địa bàn có lợi đánh trả địch, bảo vệ sân bay Gia Lâm và thủ đô Hà Nội.

alt text
Những chiếc Mi 6, loại máy bay trực thăng vận tải khổng lồ thời đó được sử dụng như những chiếc cẩu bay, hàng ngày miệt mài chở chiến đấu cơ đi giấu vào rạng sáng và đặt lại tại đường băng khi trời chập choạng tối chờ lệnh xuất kích. (Ảnh tư liệu).

Yếu tố bất ngờ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Trong giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại năm 1972, đế quốc Mỹ và tay sai tăng cường trinh sát, đánh bom phá hoại cơ sở quân sự, kinh tế, đường sá của ta ở miền Bắc. Máy bay trinh sát của chúng bay hàng ngày, có thể nói “trên sân bay để khẩu súng trường chúng cũng phát hiện được”. Do vậy cứ rạng sáng, những cánh bay trực thăng Mi6 phải chở máy bay Mig đi giấu trong làng hoặc trong rừng.

Những chiếc Mi 6, loại máy bay trực thăng vận tải khổng lồ thời đó được sử dụng như những chiếc cẩu bay, hàng ngày miệt mài chở chiến đấu cơ đi giấu vào rạng sáng và đặt lại tại đường băng khi trời chập choạng tối chờ lệnh xuất kích. Thậm chí các phi công còn cẩu Mig vào tận sân bay dã chiến ở Đồng Hới, Troóc (Quảng Bình) để phục kích không quân Mỹ, đặc biệt là “pháo đài bay B 52”. Không chỉ cẩu máy bay, tại các sân bay, thành phố lớn…, các cánh bay của Đoàn bay 919 thường xuyên cẩu cả giàn radar, pháo cao xạ lên núi hoặc di động khắp nơi. Mi 6 có thể cẩu được các loại pháo cao xạ cỡ nòng 37 tới 57 ly.

Không quân Mỹ hết sức bất ngờ, bối rối, không hiểu ra sao những chiếc Mig 21, Mig 17 lại có thể bất ngờ tấn công đội hình của họ từ sau lưng khi họ xâm nhập vùng trời Bắc Việt. Sau này nhiều phi công Mỹ sang Việt Nam kể lại: máy bay trinh sát chụp không ảnh về báo cáo không có ụ pháo cao xạ nào, hoặc sân bay hoàn toàn bỏ ngỏ vì không thấy radar. Không quân tới đánh lại thấy ụ pháo cao xạ ở khắp nơi, đồng loạt nhả đạn. Hoặc máy bay lọt thỏm trong màn hình radar đối phương.

Phi công Mỹ luôn nghĩ rằng Mig chỉ có thể xuất kích đánh chặn từ các sân bay miền Bắc, và họ có phương án tác chiến trong trường hợp này. Vì Mig cần 2.000m đường băng cất hạ cánh, trong khi các sân bay dã chiến, chẳng hạn ở Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ dài từ 1.200 – 1.400m.

Nhưng họ đâu biết rằng máy bay ta đã được trực thăng “cẩu” vào, trực sẵn chờ không quân Mỹ tới là tập kích sau lưng. Tuy đường băng ngắn không thể hạ cánh nhưng vẫn có thể cất cánh được. Đánh địch xong phi công sẽ hạ cánh tại một sân bay ở miền Bắc. Đây là cách mà ta áp dụng ở nhiều sân bay để linh hoạt đánh địch khiến chúng không ngờ.

Đánh xong mỗi trận, phi công Đoàn bay 919 lại chuyển vị trí pháo, radar sang vị trí khác hoặc núi khác để tránh địch phát hiện, đánh bom. Việc thành lập trận địa pháo cũng khá sáng tạo. Chỉ cần công binh khoét một hố vừa đủ trên núi để trực thăng cẩu pháo, đạn dược và người lên là có thể đánh địch một cách bất ngờ. Nhờ những sáng tạo trong cách đánh mà không quân ta dù ít cả về số lượng máy bay lẫn mức độ hiện đại của vũ khí, trang thiết bị, vẫn lập những chiến công xuất sắc khiến không chỉ nước bạn mà cả kẻ thù cũng kinh ngạc.

alt text
Đánh xong mỗi trận, phi công Đoàn bay 919 lại chuyển vị trí pháo, radar sang vị trí khác hoặc núi khác để tránh địch phát hiện, đánh bom. (Ảnh tư liệu).

Đã nửa thế kỉ trôi qua, nhưng dấu ấn về những phút giây quân và dân cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đã lập lên chiến công bắn rơi các pháo đài bay của Mỹ, tạo tiền để cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 thắng lợi vẻ vang là không thể quên đối với mỗi người. Ôn lại những mốc son lịch sử, những bài học nghệ thuật quân sự của cha anh, vừa là niềm tự hào vừa là động lực to lớn để mỗi CBNV và phi công Đoàn bay 919 phấn đấu nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa với tinh thần của hôm nay “Chủ động thích ứng – Giữ vũng niềm tin – Phục hồi phát triển”.

TTNB Đoàn bay

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.