Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành hàng không thế giới ở mức độ chưa từng có: làm tê liệt nhiều hãng hàng không nhỏ, kéo sụp hàng loạt hãng lớn và khiến nhiều hãng phải cầu cứu sự hỗ trợ của chính phủ các quốc gia. VNA cũng đã phải viện tới sự hỗ trợ của nhân viên khi hàng ngàn nhân sự của hãng tình nguyện làm việc không lương hoặc nhận lương tối thiểu trong suốt mấy tháng dịch bùng phát. Dù vậy, nếu tìm kiếm điểm tích cực mà đại dịch mang lại cho VNA thì đó chắc chắn phải là quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích về trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là tiết kiệm chi phí bán hàng như chi phí thuê địa điểm, duy trì phòng vé, phí hoa hồng, chiết khấu đại lý… nên không ngạc nhiên khi VNA đã sớm đi trước đón đầu, không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Trong các kế hoạch của VNA, mục tiêu tăng trưởng của chuyển đổi số luôn ở mức gấp hai, gấp ba lần mức tăng trưởng chung. Thế nhưng kết quả những năm qua đều chưa thỏa mãn được kỳ vọng vì một lý do cơ bản là thay đổi thói quen tiêu dùng luôn khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội bị bắt buộc thì “ở nhà là yêu nước” và tăng cường sử dụng dịch vụ qua mạng là hệ quả tất yếu. Bối cảnh đó đã tạo bước ngoặt cơ bản cho chuyển đổi số nói chung và VNA nói riêng.
Số liệu thống kê tháng 5/2020 cho thấy, lượng khách hàng mua vé trực tuyến của VNA trong tháng đã tăng 1,5 lần so cùng kỳ, tỷ trọng doanh thu bán trực tuyến cũng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019 và vượt hơn 35% so với tỉ trọng mục tiêu của cả năm 2020. Hành vi và thói quen tiêu dùng đã thay đổi khi khách hàng nhận thấy những lợi ích từ chuyển đổi số.
Dụng “cơ” trong “nguy”, Hãng Hàng không Quốc gia đang “thừa thắng xông lên” với chuyển đổi số. Trong 5 tháng đầu năm, Hãng đã giới thiệu hàng loạt tiện ích mới để tăng cường trải nghiệm khách hàng, đáng chú ý là: Tiện ích mua combo dịch vụ bổ trợ bao gồm ghế và hành lý với giá ưu đãi qua Website hoặc ứng dụng di động; Mở rộng các hình thức thanh toán trả sau bằng QRPay/Internet Banking, thanh toán bằng tiền mặt tại các cửa hàng tiện ích (Vinmart, Circle K…), trả góp bằng thẻ quốc tế; Thanh toán trả ngay bằng ví điện tử MoMo…
Cũng trong tháng 7 này, VNA sẽ tiếp tục cho ra mắt tính năng đổi vé tự động trên Mobile app, cho phép khách hàng mua vé trực tuyến có thể chủ động đổi vé (gồm cả ngày bay và hành trình bay) ở bất kỳ thị trường nào. Dự kiến, nhiều tính năng và dịch vụ mới sẽ tiếp tục được giới thiệu trong thời gian tới.
Trong “nguy” có “cơ” và VNA đang cho thấy mình đã tận dụng được tốt các cơ hội hiếm có để giảm bớt sức ép bất lợi của thị trường lên hoạt động kinh doanh, hướng tới những yếu tố nền tảng cho tăng trưởng trở lại hậu Covid-19.
Theo HRT