[60 năm Đoàn bay] Làm chủ công nghệ hiện đại

Cùng với các hoạt động tính toán nguồn lực, tuyển dụng phi công chuyên nghiệp… Đoàn Bay 919 chủ động trong phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ khai thác tất cả các loại máy bay hiện có trên thị trường thế giới, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả cao cho TCT.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thực hiện Quyết định số 1611/QĐ-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ngày 12/3/2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và bắt đầu từ ngày 1/4/2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần.

Giai đoạn 2010 – 2015, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không cũng tăng cao. Hàng không nội địa trong giai đoạn này tăng trưởng trung bình 12,5%/năm.

Để đáp ứng như cầu tăng trưởng của thị trường, Đoàn Bay luôn chú trọng công tác phát triển lực lượng phi công để đảm bảo nguồn lực khai thác.

Năm 2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam bắt đầu triển khai giới thiệu hình ảnh mới, diện mạo mới theo chương trình nhận diện thương hiệu mới, các phi công của Đoàn Bay cũng khoác lên mình những bộ đồng phục mới khỏe khoắn, hiện đại và thời trang.

Đến hết năm 2015, đội bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam có 80 chiếc. Trong năm, Tổng công ty đã hoàn tất công tác tiếp nhận, đưa vào khai thác đồng thời loại máy bay thế hệ mới nhất của thế giới A350-900 ngày 3/7/2015, Boeing 787-900 ngày 4/8/2015 trên đường bay nội địa Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đường bay nội địa này, máy bay Boeing 787-900 đã được đưa vào khai thác trên đường bay quốc tế đầu tiên giữa Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh và Heathrow (London, Anh) từ tháng 9/2015, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên trong khu vực khai thác dòng máy bay hoàn thiện mới nhất của Boeing trên đường bay thẳng từ Đông Nam Á đến châu Âu. 

Lễ dón máy bay A350 của VNA năm 2015.

787-9 Dreamliner là phiên bản mới nhất trong dòng máy bay Being 787 tiết kiệm nhiên liệu của hãng Boeing. Boeing 787-9 có thể bay xa hơn, vận chuyển nhiều hành khách và hàng hóa hơn so với các loại máy bay khác cũng như các phiên bản 787 trước đó. Đồng thời, công nghệ chế tạo mới được áp dụng giúp dòng máy bay mới này mang lại hiệu quả cao hơn cho nhà khai thác khi tiết kiệm 20% nhiên liệu và giảm 20% khí thải ra môi trường so với dòng máy bay tương đương.

Dòng máy bay này có khoảng cách tối đa lên tới 15.750 km, vận tốc 954 km/h, chiều dài 63,73 m, chiếu cao 18,76 m và sải cánh: 60.93 m. 

Siêu máy bay Boieng 787-9 Dreamliner.

A350-900 có 3 khoang hạng ghế với tổng cộng 305 chỗ. Trong đó Khoang Thương gia được trang bị 29 ghế có thể ngả phẳng 180 độ thành giường nằm, tạo sự thoải mái tuyệt đối cho hành khách, đặc biệt là trên các chuyến bay đường dài.

53% khung máy bay A350 được làm bằng sợi cacbon, giúp A350 trở thành một trong những siêu tàu bay tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay, lên đến 25% so với các dòng máy bay thay thế trước đó. Đồng thời, theo thống kê, A350 cũng góp phần làm giảm khí thải môi trường đến 25%.

Với sự bổ sung hai loại máy bay mới, cơ cấu tổ chức của Đoàn Bay 919 năm 2015 tăng lên thành 6 đội bay, gồm các đội B787, B777, A350, A330, A321, ATR-70. Do tiếp nhận thêm hai dòng máy bay mới, đồng thời một số phi công, chủ yếu là từ đội bay A321 xin nghỉ việc đã khiến Đoàn Bay gặp khó khăn về nguồn nhân lực kỹ thuật cao so với nhu cầu khai thác. Mặc dù vậy, Đoàn Bay vẫn nỗ lực hoàn thành xuất sắc kế hoạch khai thác. Kết quả, Đoàn Bay đã thực hiện được 128.310 chuyến bay, tăng 6% so với kế hoạch, với trên 294.976 giờ bay, trong đó có 236 chuyến bay VIP.

Để có nguồn lực cho hai đội bay mới, Đoàn Bay đã chủ động đẩy nhanh công tác đào tạo chuyển loại cho phi công cơ bản và huấn luyện nâng cấp chuyển loại, cân đối lực lượng giữa các đội bay, đồng thời tuyển dụng thêm phi công nước ngoài để đáp ứng nhu cầu kế hoạch khai thác của Tổng công ty.

Nhờ những nỗ lực này, trong năm 2015, Đoàn Bay đã chuyển loại được 250 phi công, trong đó huấn luyện chuyển giao công nghệ cho 2 đội bay mới gồm 84 phi công B787 và 56 phi công A350, nâng cấp lái chính 38 phi công, huấn luyện giáo viên 40 phi công và 69 phi công cơ bản.

Đoàn Bay đã chủ động đẩy nhanh công tác đào tạo chuyển loại cho phi công cơ bản và huấn luyện nâng cấp chuyển loại.

Việc đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và khai thác an toàn hai loại máy bay mới B787 và A350 trong năm 2015 của Đoàn Bay 919 là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ phi công Đoàn Bay 919, được lãnh đạo Tổng công ty, các đối tác cung cấp máy bay và các hãng hàng không đánh giá cao. Kể từ đó, Đoàn Bay có thể chủ động phát triển nguồn lực, phi công Việt Nam có thể tiếp thu chuyển giao công nghệ khai thác bất kỳ loại máy bay mới, hiện nào của thế giới.

Việc huấn luyện đào tạo của Đoàn Bay thu được kết quả tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu để khai thác hai đội tàu bay mới B787 và A350. Công tác an toàn cũng đạt kết quả tốt, cả năm chỉ xảy ra 20 vụ việc liên quan đến an toàn bay, vụ việc ở cấp độ 3 có 32 vụ, giảm 30% so với năm 2014.

Năm 2016, số lượng phi công của Đoàn Bay đã lên tới 1.153 người, trong đó gồm 816 phi công Việt Nam và 337 phi công nước ngoài.

Bằng việc tính toán đảm bảo cân đối lực lượng phi công giữa các đội bay, điều hành linh hoạt khi lịch bay thay đổi đột xuất do phát sinh các yếu tố kỹ thuật, thương mại, thời tiết… Đoàn Bay đã hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Kết quả, Đoàn Bay thực hiện được 128.236 chuyến bay an toàn, với tổng giờ bay là 307.630 giờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 178 chuyến bay VIP.

Dù gặp vấn đề về thiếu nhiều giáo viên bay ở đội bay A321, ảnh hưởng đến tiến độ huấn luyện, nhưng Đoàn Bay đã chủ động nâng cấp, chuyển loại 90 phi công, nâng cấp lái chính 15 phi công, huấn luyện 34 giáo viên phi công.

Trong năm 2016, Đoàn Bay cũng đã thực hiện chính sách lương mới cho phi công, với chế độ làm việc 9 ON 1 OFF, hoàn thành tính toán và chi trả lương, thưởng và các khoản phụ cấp kịp thời, đúng quy định.

Sau quá trình tích cực chuẩn bị, trải qua nhiều kỳ đánh giá liên tục, ngày 12/7/2016, Vietnam Airlines đã chính thức được Skytrax trao chứng chỉ hãng hàng không quốc tế 4 sao lần đầu tiên. Các năm 2017, 2018, Vietnam Airlines tiếp tục được nhận chứng chỉ danh giá này. Đây là chứng minh rõ ràng cho đẳng cấp chất lượng dịch vụ mà Vietnam Airlines nói chung và Đoàn Bay 919 nói riêng cung cấp.

Để theo kịp mức tăng trưởng thu nhập trong ngành, giúp phi công và CBNV yên tâm công tác, từ năm 2008, Tổng công ty đã nhiều lần tiến hành điều chỉnh mức thu nhập cho Đoàn Bay 919.

Tháng 8/2008, Tổng công ty tiến hành cải cách tiền lương lần thứ nhất cho tất cả các nhóm CBNV, trong đó, với lực lượng phi công, thu nhập cho lái chính được tăng hơn 10%, lái phụ tăng 5,12%.

Đến lần điều chỉnh thứ hai kéo dài từ tháng9/2014 tớitháng 7/2015, thu nhập của lái chính được tăng 23%, lái phụ tăng 13%. Mức thu nhập theo đánh giá hiệu quả công việc cũng được tăng tới 200%.

Tháng 7/2015, cơ cấu thu nhập của phi công có sự thay đổi mạnh, khi lái chính được tăng 32,3%, lái phụ tăng 15%.

Năm 2017, sau khi thực hiện chuyến bay chuyển sân giao chiếc máy bay B777 cuối cùng cho đối tác, Đội bay B777 kết thức sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, cơ cấu tổ chức của Đoàn Bay còn 5 đội bay gồm các đội B787, A350, A330, A321, ATR-72. Về bộ máy hành chính, Đoàn Bay đã thay đổi tổ chức công việc một số phòng nghiệp vụ.

Đội bay A321 do phát triển lên quy mô lớn, với số lượng phi công lên tới trên 700 người, đã được chia tách thành hai đội gồm đội A321 phía Bắc và đội A321 phía Nam.

Năm 2017 cũng đánh dấu mốc đặc biệt của Vietnam Airlines cũng như phi công Đoàn Bay 919 với 20 năm khai thác an toàn tuyệt đối.

Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới phức tạp và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cùng với hoạt động khủng bố tại châu Âu đã ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn an ninh cho các chuyến bay tới châu Âu và Đông Bắc Á, Đoàn Bay vẫn thực hiện an toàn 129.848 chuyến bay với 315.976 giờ bay, đảm bảo an toàn cho 220 chuyến bay VIP. Tháng 11/2017, Việt Nam làm chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Đoàn Bay đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ bay chuyên cơ, bay phục vụ hội nghị, đồng thời vẫn đảm bảo được hoạt động khai thác phục vụ hành khách an toàn tuyệt đối.

Về công tác huấn luyện, Đoàn Bay đã chuyển loại được 106 phi công, nâng cấp lái chính 28 phi công, huấn luyện giáo viên 22 phi công và đã đáp ứng đầy đủ nguồn lực khai thác và mở rộng đội tàu bay của Tổng công ty, đồng thời cung cấp nguồn lực phi công cho Jetstar Pacific và Angkor Air (K6). 

Tháng 12/2017, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đồng chí Tô Ngọc Giang, Phó Đoàn trưởng được bổ nhiệm chức vụ Đoàn trưởng.

Năm 2018, thị trường lao động trong ngành hàng không trở nên cạnh tranh rất gay gắt khi xuất hiện hãng hàng không mới. Trước tình hình này, lãnh đạo Tổng công ty đã có nhiều biện pháp để ổn định tâm lý, đảm bảo chế độ, quyền lợi cho lực lượng phi công nhằm ổn định lực lượng, đảm bảo nguồn lực khai thác.

Từ đầu năm, Đoàn Bay đã chuẩn bị kế hoạch chuyển dần đội ngũ phi công từ đội bay A330 sang các đội bay A350, A321 để đến năm 2019 trả toàn bộ các máy bay A330.

Cuối năm 2018, bộ phận điều độ phân lịch bay của Đoàn Bay cùng bộ phận điều độ phân lịch của tiếp viên tại Đoàn Tiếp viên được điều chuyển về tập trung tại Trung tâm điều hành khai thác của Tổng công ty. Trước khi điều chuyển, bộ phận có trên 30 cán bộ, là những người luôn nỗ lực đảm bảo cân đối đủ nguồn lực để phục vụ nhu cầu khai thác. Cùng đóng góp vào thành tích đảm bảo nguồn lực là phòng Nhân lực trong việc tuyển dụng phi công nước ngoài, bộ phận đào tạo, đặc biệt các thời điểm khó khăn về lực lượng như các năm 2014, 2018.

Giữa tháng 11/2018, VNA đã tiếp nhận chiếc máy bay A321neo đầu tiên theo chương trình nâng cấp đội bay. Trước đó, phi công của Đoàn Bay đã có quá trình chuẩn bị chu đáo, từ huấn luyện chuyển loại đến xây dựng tài liệu khai thác, cũng như góp ý với nhà sản xuất để hoàn thiện sản phẩm nhằm phục vụ hành khách tốt nhất.

Lễ tiếp nhận chiếc máy bay A321neo đầu tiên theo chương trình nâng cấp đội bay của VNA. 

Đến cuối tháng 11, hãng đã nhận chiếc A321neo thứ 2. Đây là dòng máy bay tích hợp công nghệ tiên tiến với động cơ thế hệ mới, giúp giảm 15% tiêu thụ nhiên liệu và sẽ giảm đến 20%  mức tiêu thụ nhiên liệu vào năm 2020.

Với sự bổ sung dòng máy bay A321neo, đội bay Airubus của VNA sẽ có 57 máy bay A321neo, 3 chiếc A330 và 12 chiếc A350-900. Đội bay A321neo sẽ nâng tổng số máy bay của VNA lên khoảng 110 tàu vào năm 2020.

Năm 2018, Đoàn Bay đã thực hiện được 130.410 chuyến bay với 327.574 giờ bay đảm bảo an toàn.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn Bay vào tháng 5/2019, từ đầu năm 2018, lãnh đạo Đoàn đã phát động hàng loạt phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện, tuyên truyền, các cuộc thi nội bộ, thu hút đông đảo CBNV và cả cán bộ hưu trí tham gia.

Năm 2019 cùng với việc bổ sung thêm đội máy bay và chủ động tăng cường thêm nguồn lực phi công, Đoàn Bay 919 phấn đấu đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối và hiệu quả cho 141.758 chuyến bay với 354.727 giờ bay, đồng thời tiếp tục đảm bảo nguồn lực phi công hỗ trợ cho các Hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines như Vasco, Jestar Pacific, Cambodia Angkor Air.

Trải qua gần 30 năm tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải hàng không phục vụ các nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Bay 919 tiếp tục phát huy tính kỷ luật, không ngại khó khăn gian khổ và những phẩm chất cần thiết của đội ngũ người lái máy bay. Công tác đảm bảo an toàn khai thác bay luôn là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được chú trọng với kết quả ngày càng cao. Với những cố gắng và nỗ lực tột bậc, đội ngũ phi công và cán bộ nhân viên Đoàn Bay đã không ngừng học tập nâng cao trình độ để từng bước tiếp thu, thay thế các chuyên gia, giáo viên, phi công nước ngoài trong hoạt động chuyển giao công nghệ khai thác các loại máy bay mới, ngày càng hiện đại từ ATR-72, A320/321, B767, F-70, B777, A330 đến các loại máy bay mới và hiện đại nhất hiện nay trên thị trường vận tải hàng không quốc tế là B787 và A350. 

Với những cố gắng và nỗ lực tột bậc, đội ngũ phi công và cán bộ nhân viên Đoàn Bay không ngừng học tập nâng cao trình độ làm chủ công nghệ hiện đại.

Cùng với các hoạt động tính toán nguồn lực, tuyển dụng phi công chuyên nghiệp, phân bay ngày càng hiện đại và hiệu quả kết hợp với công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ phi công ngày càng chủ động, độc lập, tự chủ đã và đang đảm bảo vững chắc cho Đoàn Bay 919 chủ động trong phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ khai thác tất cả các loại máy bay hiện có trên thị trường thế giới, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả cao cho hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Bên cạnh những thành công trong hoạt động bay khai thác của các phi công Đoàn Bay 919 luôn có sự hỗ trợ đắc lực của các Phòng nghiệp vụ như một hậu phương vững chắc, từ các thủ tục bảo đảm các bằng cấp chứng chỉ còn hạn hiệu lực theo quy định, xây dựng các tài liệu, quy trình, kế hoạch đào tạo huấn luyện, phân bay, tuyển dụng phi công Việt Nam, phi công nước ngoài… đến xây dựng và thực hiện các chế độ đãi ngộ, phục vụ ăn nghỉ, đi lại, theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh, đồng phục bay… Đồng thời cũng phải kể đến các hoạt động phong trào thi đua lao động, thể thao văn hóa, đền ơn đáp nghĩa… ngày càng sôi nổi của Đoàn Bay trong thời gian qua cũng luôn được Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên Đoàn Bay quan tâm ủng hộ mang ý nghĩa động viên khích lệ tinh thần rất lớn, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong đội ngũ cán bộ nhân viên và phi công vì mục tiêu phát triển Đoàn Bay 919 ngày càng vững mạnh.

TTNB Đoàn bay

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.