An ninh hàng không là gì?
Tại Việt Nam, khái niệm về an ninh hàng không đã được quy định rõ trong Khoản 1 điều 190 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Nội dung như sau:
An ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang thiết bị nhằm mục đích ngăn chặn, phòng ngừa và đối phó với những hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Mục tiêu là bảo vệ an toàn cho hành khách, cho tàu bay, tổ bay và những người dưới mặt đất.
Ở thời điểm hiện tại, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có những quy định vô cùng chặt chẽ trong ngành an ninh hàng không. Đây là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng với nền quốc phòng an ninh, có mối liên kết chặt chẽ, sâu sắc tới nhiệm vụ bảo vệ và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Từ yếu tố con người cho đến vật chất, cụ thể là tàu bay đều được giám sát trực tiếp cực kỳ nghiêm ngặt. Điều này đảm bảo sự an toàn tuyệt đối đến mức chi tiết trong tất cả mọi hoạt động diễn ra ở sân bay.
Bên cạnh đó, các tổ chức an ninh hàng không đều được tổ chức bài bản, có khuôn mẫu. Mọi quy trình tuyển dụng, đào tạo đều vô cùng nghiêm ngặt, khắc nghiệt. Tại tất cả các cảng hàng không, lực lượng túc trực bắt buộc phải có mặt thường xuyên. Như vậy mới có thể kịp thời ngăn ngừa, ứng phó với bất cứ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra.
Hành khách cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định về an ninh, an toàn hàng không
Ngành hàng không đang phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch COVID-19. Lượng khách tăng cao trong nhiều thời điểm cùng với việc xuất hiện một số hành khách vi phạm, uy hiếp an toàn bay như nhảy múa tại khu vực sân đỗ, trào lưu quay video tại cửa sổ máy bay tăng nguy cơ cháy nổ…. đang gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm an toàn, an ninh sân bay cũng như gây ảnh hưởng đến sự an toàn của chính hành khách.
Đối với những hành khách di chuyển bằng phương tiện hàng không, việc tìm hiểu và tuân theo những quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực Hàng không dân dụng của nhà chức trách, nhà khai thác là vô cùng quan trọng.
Nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác giám sát an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại an toàn bằng đường hàng không của người dân, đồng thời tăng cường nhận thức của cộng đồng, xây dựng văn hóa an toàn hàng không bền vững, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an ninh hàng không.
Chỉ thị yêu cầu các cảng hàng không chú trọng công tác giám sát an toàn tại các khu vực của sân bay nơi có mật độ hoạt động cao của tàu bay và các phương tiên, các khu vực hạn chế trọng yếu liên quan đến an toàn khai thác. Đồng thời, kịp thời ngăn ngừa, khuyến cáo đối với hành khách vô ý thực hiện các hành vi không tuân thủ các quy định an ninh, an toàn tại các khu vực này; kịp thời phát hiện và báo cáo cảng vụ hàng không xử lý nghiêm những hành khách cố ý không chấp hành quy định an ninh, an toàn.
Một số trường hợp vi phạm an ninh, an toàn hàng không có thể bị cấm bay
Các trường hợp vi phạm quy định về an ninh, an toàn hàng không có thể bị xử lý bằng hình thức cấm bay được quy định tại Điều 18 Nghị định 92/2015/NĐ-CP, cụ thể:
Cấm bay từ 03 – 12 tháng | |
1 | Hành khách gây rối |
2 | Sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay |
3 | Có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên máy bay |
4 | Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng |
5 | Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng |
6 | Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên máy bay |
Cấm bay từ 12 – 24 tháng | |
1 | Đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những trường hợp bị cấm bay từ 03 – 12 tháng |
2 | Xâm nhập trái phép vào máy bay, cảng hàng không, sân bay |
3 | Đưa vật phẩm nguy hiểm (vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ) vào máy bay, sân bay… |
4 | Cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của máy bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng |
5 | Cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay |
Cấm bay vĩnh viễn | |
1 | Đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi bị cấm bay từ 12 – 24 tháng |
2 | Bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay |
3 | Chiếm đoạt bất hợp pháp máy bay trên mặt đất |
4 | Chiếm đoạt bất hợp pháp máy bay đang bay |
5 | Sử dụng máy bay như một vũ khí |
6 | Chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay |
Những nội dung này nên được truyền thông rộng rãi và phổ biến hơn để tăng cường công tác tuyên truyền cho hành khách tránh vi phạm!