Bản tin Pháp luật tháng 9/2023, giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới ban hành liên quan đến Hàng không, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như sau:
Văn bản liên quan đến Hàng không |
- Chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù
Thông tư 23/2023/TT-BGTVT Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 17/7/2023 quy định về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không (có hiệu lực từ 01/9/2023). Chế độ lao động đặc thù của nhân viên hàng không áp dụng từ ngày 01/9/2023 như sau:
– Nhân viên hàng không được áp dụng chế độ lao động đặc thù theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về hàng không dân dụng.
– Người sử dụng lao động không được bố trí người lao động là nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động hoặc chấp hành xong các hình phạt trong vụ án hình sự vào làm việc tại các chức danh nhân viên hàng không trong thời hạn 05 năm kể từ các thời điểm sau đây:
+ Kể từ khi có quyết định xử lý kỷ luật lao động có hiệu lực đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm a, đ, e, g khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2023/TT-BGTVT, bao gồm:
(i) Vi phạm các quy định, nội quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không;
(ii) Trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân;
(iii) Lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa;
(iv) Sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định
+ Kể từ khi được xóa án tích trong vụ án hình sự.
Hình thức xử lý kỷ luật lao động đặc thù tại Thông tư 23/2023/TT-BGTVT không thay thế hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên hàng không theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư 46/2013/TT-BGTVT ngày 25/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không và Điều 2 Thông tư 28/2020/TT-BGTVT ngày 29/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng không.
Chi tiết xem tại: https://caa.gov.vn/van-ban/23-2023-tt-bgtvt-28548.htm
- Quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không
Văn bản hợp nhất TT số 45/ VBHN-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 07/8/2023, Thông tư Quy định chất lượng dịch vụ hàng khách tại cảng hàng không do Bộ Giao thông vận tải ban hành, các thông tư được hợp nhất gồm:
Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2017;
Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không, có hiệu lực kể từ này 01 tháng 9 năm 2023.
Chi tiết xem tại: https://caa.gov.vn/van-ban/45-vbhn-bgtvt-28552.htm
Nghị định |
- Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 159/2020
Nghị định 69/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/9/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 14/9/2023.
Quy định về luân chuyển người quản lý doanh nghiệp nhà nước:
Nghị định 69/2023/NĐ-CP đã bổ sung Điều 40 a vào sau Điều 40 của Nghị định số 159/2020. Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước, kiểm soát viên muốn được luân chuyển phải đạt 5 tiêu chuẩn, điều kiện:
– Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
– Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển.
– Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
– Còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
– Có đủ sức khoẻ để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Các trường hợp từ chức, miễn nhiệm:
Về từ chức, miễn nhiệm người quản lý doanh nghiệp Nhà nước, kiểm soát viên, nghị định số 69 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 52, 53 Nghị định số 159/2020.
Việc xem xét cho từ chức đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn Nhà nước được thực hiện trong các trường hợp:
- Xem xét chấp thuận trong trường hợp người xin từ chức gặp hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Hoặc trong trường hợp, người xin từ chức có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của Đảng (đối tượng, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền); Hoặc vì các lý do chính đáng khác của cá nhân.
Việc xem xét miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn Nhà nước được thực hiện trong 7 trường hợp:
- Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
- Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm.
- Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của Đảng. Đối tượng, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
- Là người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước là người đứng đầu để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-69-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-159-2020-ND-CP-nguoi-dai-dien-phan-von-Nha-nuoc-579216.aspx
- Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Nghị định 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/7/2023, sửa đổi Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.
Theo đó, có nhiều quy định mới về đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 15/9/2023 như sau:
– Hướng dẫn mới về đánh giá cán bộ, công chức bị kỷ luật Đảng.
– Sửa đổi tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
– Sửa đổi quy định ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
– Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức điện tử.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-48-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-90-2020-ND-CP-danh-gia-chat-luong-can-bo-cong-chuc-572720.aspx
- Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và bãi bỏ khoản 7 Điều 4 của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Sửa đổi mục đích phát hành trái phiếu:
Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu:
Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung các nguyên tắc phát hành trái phiếu sau:
– Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi đáp ứng các quy định sau:
+ Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;
+ Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
– Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Sửa đổi quy định về mệnh giá trái phiếu:
Mệnh giá trái phiếu được quy định như sau:
– Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam. (Trước đây, trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam).
– Trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, mệnh giá thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.
Việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu được quy định như sau:
– Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.
– Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
– Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
+ Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.
+ Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
++ Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
++ Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
++ Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định 65/2022/NĐ-CP (nếu có).
Chi tiết xem tại : https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-65-2022-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-153-2020-ND-CP-chao-ban-giao-dich-trai-phieu-doanh-nghiep-529835.aspx
- Sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật đấu giá tài sản.
Nghị định 47/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/7/2023 (có hiệu lực ngày 05/9/2023) sửa đổi Nghị định 62/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản, yêu cầu mới đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến như sau:
– Công khai, minh bạch, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin.
– Thời gian trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến là thời gian thực và là thời gian chuẩn trong đấu giá trực tuyến.
– Hoạt động ổn định, liên tục và phải đạt cấp độ 3 theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
– Đáp ứng các yêu cầu về việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ thông tin.
– Có các chức năng nghiệp vụ tối thiểu sau đây:
+ Cho phép cá nhân, tổ chức đăng ký tài khoản tham gia đấu giá. Mỗi cá nhân, tổ chức được đăng ký duy nhất một tài khoản tham gia đấu giá, trả giá.
+ Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả bằng mã định danh riêng.
+ Hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.
+ Hiển thị liên tục trong suốt thời gian đấu giá mức giá cao nhất đã trả đối với phương thức trả giá lên và mức giá bằng giá khởi điểm hoặc giá đã giảm thấp nhất đối với phương thức đặt giá xuống để những người tham gia đấu giá có thể xem được; người đủ điều kiện tham gia đấu giá nhưng không tham gia cuộc đấu giá;
+ Bảo đảm người tham gia đấu giá không thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá sau thời điểm kết thúc nộp hồ sơ; thực hiện việc trả giá sau thời điểm kết thúc cuộc đấu giá.
Chi tiết xem tại : https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-47-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-62-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-Dau-gia-tai-san-555031.aspx
- Sửa đổi nội dung về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/9/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực 18/9/2023.
Sửa đổi, bổ sung 14 nội dung của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 152/2020)
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Nghị định số 152/2020 về sử dụng người lao động nước ngoài như sau:
Về xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Chi tiết xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-70-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-152-2020-ND-CP-lao-dong-nuoc-ngoai-579513.aspx