Ngày tôi bước chân qua ngưỡng cửa của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, tôi chỉ là một chàng trai 22 tuổi, đầy bỡ ngỡ trước một môi trường mới lạ và đầy thách thức.
Mỗi ngày ở đây đều là một hành trình khám phá, trưởng thành và trong hành trình ấy, người để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong những ngày đầu tiên không ai khác chính là cô Nguyễn Thị Thương Thương – một giảng viên tận tụy tại Trung tâm Huấn luyện bay FTC.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hàng không, cô Thương đã thừa hưởng niềm đam mê bầu trời và biến nó thành động lực lớn lao để cống hiến hết mình cho Vietnam Airlines. Từ một tiếp viên trưởng được đào tạo tại Australia, cô đã nỗ lực để trở thành giảng viên xuất sắc, không ngừng nghiên cứu và biên soạn giáo trình, đặt nền móng cho việc giảng dạy các kỹ năng mềm – một yếu tố quyết định thành công của các phi công trong môi trường hội nhập.
Lần đầu tiên tiếp xúc với cô trong lớp học Kỹ năng xử lý công việc hiệu quả, tôi lập tức ấn tượng bởi phong thái chuyên nghiệp, cách cô truyền đạt những bài học không chỉ bằng lý thuyết mà còn qua những câu chuyện từ trái tim. Mỗi lời cô nói đều như chạm đến khát vọng bên trong tôi, giúp tôi nhận ra rằng một phi công không chỉ cần làm chủ kỹ thuật mà còn phải rèn luyện thái độ, tư duy và khả năng làm việc nhóm – những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại làm nên sự khác biệt.
Cô Thương không chỉ dạy, mà còn truyền lửa. Tôi vẫn nhớ những câu nói đầy động viên của cô như: “Tôi tin chắc bạn sẽ làm được điều đó.” Dường như qua mỗi lời động viên, cô gieo vào chúng tôi niềm tin mãnh liệt rằng không có giới hạn nào là không thể vượt qua. Không khí tích cực trong lớp học của cô chính là nơi tôi bắt đầu học cách đối mặt với áp lực và biến nó thành cơ hội để trưởng thành.
Những bài học từ cô không chỉ giúp tôi xây dựng nền tảng vững chắc về kỹ năng mềm mà còn hình thành trong tôi một hình mẫu về sự chuyên nghiệp mà tôi luôn hướng tới. Là một phi công, mỗi chuyến bay không chỉ là hành trình mà còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong buồng lái và đội ngũ tiếp viên. Những giá trị mà cô truyền đạt – từ sự bình tĩnh, ân cần đến khả năng xử lý tình huống – đã trở thành những nguyên tắc cốt lõi, giúp tôi không chỉ làm tốt công việc mà còn lan tỏa sự tự tin, tích cực đến đồng nghiệp.
Cách cô làm việc với học viên và đồng nghiệp là tấm gương sáng về sự hòa đồng và nguồn năng lượng bất tận. Tôi hiểu rằng môi trường làm việc của tôi là nơi mỗi thành viên phải thấu hiểu, sẻ chia và hợp tác. Chỉ khi sự đồng điệu được thiết lập, một chuyến bay mới thực sự an toàn, trọn vẹn và đầy ý nghĩa.. Chính những bài học từ cô Thương đã giúp tôi nhận ra điều đó và không ngừng hoàn thiện bản thân.
Những năm tháng Covid-19 đi qua, nhưng ký ức về khoảng thời gian đó mãi mãi in đậm trong tôi, không chỉ bởi những khó khăn mà còn vì những khoảnh khắc ấm áp tình người. Lúc đó, tôi đang trong quá trình huấn luyện chuyển loại Airbus A320/A321 tại TP.HCM, cách xa gia đình ở Hà Nội. Một mình nơi đất khách, tôi phải học cách tự chăm sóc bản thân, đối diện với nỗi nhớ nhà và cả áp lực tài chính khi các chuyến bay bị tạm dừng. Không ít lần, tôi thấy mình chông chênh giữa những thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi.
Giữa bối cảnh ấy, cô Nguyễn Thị Thương Thương – “Mrs. Love” mà chúng tôi trìu mến gọi – chính là ánh sáng giúp tôi giữ vững niềm tin. Cô vẫn luôn dành thời gian nhắn tin, gọi điện hỏi thăm tôi và các đồng nghiệp. Những lời dặn dò chân thành của cô, dù giản dị như: “Em nhớ pha nước cam uống đều đặn để tăng sức đề kháng nhé!”, lại trở thành liều thuốc tinh thần quý giá, giúp tôi cảm thấy mình không hề đơn độc.
Cô không chỉ là một giảng viên mà còn như một người thân, một điểm tựa tinh thần trong giai đoạn đầy thử thách ấy. Từng lời hỏi thăm của cô giống như lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng, dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, tôi vẫn có một gia đình lớn – Vietnam Airlines – luôn sát cánh và đồng hành cùng tôi.
Từ những cử chỉ quan tâm nhỏ bé ấy, tôi nhận ra rằng giá trị lớn lao nhất mà Vietnam Airlines mang lại không chỉ là những kiến thức chuyên môn, mà còn là tình đồng đội, sự sẻ chia và gắn bó. Những ngày tháng ấy dạy tôi rằng, để trở thành một phi công, không chỉ cần kỹ năng và bản lĩnh mà còn cần cả một trái tim biết quan tâm và đồng cảm, như cách cô Thương đã từng đối đãi với chúng tôi.
Và tôi tự nhủ, dù mai này có bay đến những chân trời xa xôi, tôi vẫn sẽ luôn ghi nhớ những bài học quý giá ấy – những điều đã khiến tôi vững bước vượt qua thử thách và giữ trọn niềm tin vào con đường mình đã chọn.
Với tôi, cô Thương không chỉ là một người thầy mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao, người đã đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình xây dựng hình ảnh một phi công chuyên nghiệp. Mỗi lần bước vào buồng lái, tôi luôn nhớ đến cô – người đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê, lòng tận tụy và tinh thần trách nhiệm với nghề.
Cảm ơn cô Thương – người đã dạy tôi rằng sự chuyên nghiệp không chỉ nằm ở kỹ năng, mà còn ở cách chúng ta ứng xử, đối mặt với thách thức và nỗ lực vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Những bài học của cô sẽ luôn là kim chỉ nam để tôi không ngừng phấn đấu, để mỗi chuyến bay không chỉ là công việc, mà còn là hành trình lan tỏa giá trị và ý nghĩa.