[Gương mặt 30 năm] Vé điện tử và dấu ấn sự nghiệp tại Vietnam Airlines

Tháng 2/2007, Vietnam Airlines thí điểm bán vé điện tử thương mại là một bước tiến lớn trên hành trình phát triển của Hãng, bắt kịp xu hướng chung của ngành hàng không thế giới. Được tham gia vào công tác chuyển đổi vé điện tử ngay từ những ngày tiên, đến nay, khi vé điện tử đã trở nên phổ biến với mọi hành khách, anh Trần Minh Hoan – Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Campuchia cho rằng đây là dấu ấn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Anh Trần Minh Hoan – Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Campuchia. (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1993, liền ngay sau đó chàng sinh viên khoa Quản trị và Kinh doanh Du lịch – Trần Minh Hoan dự thi vào lớp Cán bộ Hàng không khóa 2 của Vietnam Airlines. Thời điểm những năm 90, việc thi tuyển với đầy đủ kỹ năng về Kinh tế và tiếng Anh là điều mới mẻ và cực kỳ thách thức đối với các sinh viên mới ra trường. Mặc dù không có thông tin cụ thể về công việc mình sẽ làm song khao khát chinh phục “những cơ hội mà rất ít người có được” lại khiến anh Hoan càng thêm quyết tâm ôn luyện để thi đỗ vào ngành Hàng không. Trải qua các vòng thi gắt gao, anh Hoan may mắn trúng tuyển và tham gia đào tạo chuyên ngành 3 tháng trước khi được phân công công tác tại Ban Tiếp thị Hành khách (nay là Ban Tiếp thị và Bán sản phẩm). 

“Có thể nói đam mê của tuổi trẻ đã được thỏa mãn khi mình công tác tại Ban Tiếp thị Hành khách. Ngày ấy, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng đầy thú vị. Mình như một tờ giấy trắng và Vietnam Airlines đã vẽ lên mình những nét bút đầu tiên. Gần 30 năm gắn bó, mình rất vinh dự khi được đóng góp sức lực và kiến thức vào sự phát triển hệ thống bán của Hãng. Trong các công tác quy hoạch hệ thống giá cước, chủ trì phân phối giá cước đến các hệ thống phân phối toàn cầu, chủ trì soạn thảo và ban hành Quy định quản lý Phụ thu Hành khách, chủ trì biên soạn lại Điều lệ vận chuyển, tham gia chuyển đổi Vé điện tử, chuyển đổi hệ thống phục vụ hành khách… mình đều được tham gia. Cảm giác đi từ những ngày đầu, chưa có gì đến khi “những đứa con tinh thần” vận hành suôn sẻ, mang lại giá trị cho Vietnam Airlines là những cảm xúc rất đã.” 

Mỗi nhiệm vụ khó, mỗi dự án thách thức đều được anh Hoan coi là một “đỉnh núi” mà mình cùng chiếc máy bay màu xanh dương vượt qua. Không chỉ vượt qua mà còn phải chắp cánh để chiếc máy bay ấy được sải cánh vươn cao. Và theo anh, được tham gia vào công tác chuyển đổi và xây dựng hệ thống vé điện tử của VNA là một trong những cơ hội kiến tạo “đường băng” thuận lợi nhất để Hãng phát triển, bắt kịp xu hướng và hội nhập cùng hàng không thế giới. 

Chương trình Vé điện tử (VĐT) là một bộ phận trong chương trình đơn giản hoá thủ tục hàng không của IATA. Theo đó, đến ngày 31/05/2008 là ngày tất cả chứng từ hành khách giấy (vé, MCO) do IATA quản lý tại hệ thống đại lý tiêu chuẩn thanh toán tập trung (BSP) sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Bởi vậy, tất cả các hãng hàng không thành viên IATA, công ty phục vụ sân bay và các hệ thống phân phối toàn cầu cùng phát triển chương trình VĐT của mình của IATA để kịp thời hạn này. Mỗi hãng hàng không có cách lựa chọn và đường đi khác nhau tuỳ vào đặc điểm kinh doanh, tình hình phát triển nội tại của riêng mình, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng chỉ có một. Đó là triển khai thành công VĐT. 

Anh Trần Minh Hoan cùng các đồng nghiệp tại VNA. (Ảnh: NVCC)

Đáp ứng yêu cầu này, VNA đã lựa chọn SITA là nhà cung cấp dịch vụ VĐT cho mình vào tháng 10/2006. Tiếp đó là một loạt công tác chuẩn bị được triển khai với khối lượng cực kỳ lớn và đòi hỏi khắt khe. Anh Hoan nhớ lại Tổ triển khai VĐT thời điểm đó gồm thành phần chủ chốt từ Ban Tiếp thị Hành khách, Tài chính Kế toán, Dịch vụ Thị trường, Trung tâm Thống kê và Tin học hàng không và các Chi nhánh trong nước. Thời điểm hiện tại vé điện tử gần như đã được “phổ cập” đến mọi hành khách song ở những năm 2006 thì khái niệm này còn khá xa lạ và mơ hồ. Là những người mở đường nên Tổ triển khai phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu, trao đổi thường xuyên liên tục với đối tác để đưa ra phương án khả thi nhất. Bên cạnh công tác triển khai hệ thông tại sân bay thì các thành viên còn phải song song hoàn thành các văn bản, quy trình, hướng dẫn liên quan và đào tạo cho nhân sự liên quan

“Giai đoạn đó thực sự rất bận nhưng cũng là lúc tôi cảm thấy mình được vượt qua giới hạn của bản thân, làm mới chính mình. Có lẽ đó là nhiệm vụ đầu tiên từ khi vào VNA mà mình được làm việc, trao đổi với nhiều bộ phận, nhiều đối tác và cùng lúc tiếp xúc với nhiều kiến thức, thông tin cũng như học được nhiều kỹ năng mới đến vậy.” 

Sau khoảng nửa năm làm việc với cường độ căng thẳng thì cuối cùng, ngày 04/12/2006 cũng được lựa chọn là ngày triển khai thử nghiệm cho khách nội bộ sử dụng VĐT trên các đường bay giữa Hà Nội – Đà Nẵng – Sài Gòn. Sau hơn 1 tháng triển khai nội bộ thì chính thức đưa vào bán cho khách thương mại tại 3 văn phòng khu vực trên các đường bay Hà Nội – Đà Nẵng – Sài Gòn. Từ thành công của giai đoạn thí điểm, đến Qúy II/2007, Vietnam Airlines đã áp dụng VĐT trên các đường bay nội địa và quốc tế khác. Sau 1 năm, tháng 04/2008, tỷ lệ VĐT trong tổng số vé của VNA đã đạt khoảng 75%, tại kênh bán BSP chiếm khoảng 85%.

Đã gần 17 năm từ dự án đó song cảm xúc trong anh Hoan vẫn nguyên vẹn như vậy: “Qủa thực là rất tự hào! Trong một thời gian ngắn, chỉ từ tháng 10/2006, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng công ty và sự phối hợp thực hiện của các Ban, các Trung tâm mà chương trình triển khai VĐT đã được thực hiện đúng tiến độ và kịp thời hạn do IATA đề ra. Mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết do sự phát triển không đồng đều của các hệ thống và các hãng hàng không trên thế giới nhưng VNA đã sẵn sàng với việc loại bỏ chứng từ hành khách giấy từ 01/06/2008. VĐT là một bộ phận cấu thành của Thương mại điện tử, do vậy triển khai thành công VĐT đã tạo điều kiện cơ bản cho triển khai thương mại điện tử của VNA vào quý IV/2008 cũng như quá trình ứng dụng thương mại điện tử của VNA. Thành công này càng tiếp thêm cảm hứng và sức mạnh cho chúng tôi trong quá trình công tác sau này.” 

Anh Trần Minh Hoan cùng gia đình. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay, trên cương vị là Trưởng Chi nhánh Campuchia, việc mở rộng thị trường, tăng cường bán và quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của VNA tại thị trường mới là rất quan trọng đối với sự phát triển của VNA. 

Anh Hoan luôn tâm niệm rằng, để VNA trở thành hãng hàng không 5* và hãng hàng không số, toàn bộ hệ thống hệ thống và con người VNA phải được nâng cấp đồng bộ lên tầm cao mới. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thương mại, anh Hoan nhận thấy phải luôn nghe và thấu hiểu các vấn đề của khách hàng từ đó mới có thể đưa ra được những giải pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Và đó cũng là cách thức mà anh đang áp dụng để cùng VNA chinh phục thị trường Campuchia. 

Có thể coi là thế hệ đàn anh, đàn chị tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, anh Hoan cũng rất tâm huyết với việc dìu dắt, giúp đỡ các thế hệ trẻ. Ở dấu mốc tuổi 30 của Hãng, anh Hoan gửi gắm nhiều cảm xúc: “So với 30 năm trước thì sự thay đối lớn nhất là về con người và phương pháp làm việc. Hiện nay các bạn trẻ rất giỏi, được đào tạo tốt, có kiến thức sâu rộng, rất chịu khó tìm tòi và áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới vào công việc. Phương pháp làm việc cũng có thay đổi rất nhiều, các hệ thống tiên tiến trong hàng không được áp dụng, từ đó giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công việc. “A chance has come one” – cơ hội chỉ đến một lần, bởi vậy chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt cơ hội để vun đắp cho VNA ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.”

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.