[Gương mặt 30 năm] Tự hào là một mắt xích quan trọng của “con tàu” Vietnam Airlines

Với anh Trịnh Hải Tùng, Trưởng Trung tâm kiểm soát tải và ULD, Ban Kế hoạch và tiếp thị hàng hoá, Vietnam Airlines là một cỗ máy lớn, mỗi bộ phận, phòng ban trong đó là một module, và muốn cỗ máy vận hành tốt thì mỗi module đều phải hoạt động tốt, đồng thời cần phối hợp nhịp nhàng với nhau. Chính vì lẽ đó, trong suốt gần 30 năm làm nghề của mình, bản thân anh Tùng cũng như mỗi người VNA đều phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, chung lòng, chung sức vì một tập thể ngày càng lớn mạnh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Anh Trịnh Hải Tùng, Trưởng Trung tâm kiểm soát tải và ULD, Ban Kế hoạch và tiếp thị hàng hoá. (Ảnh: NVCC)

Là người yêu nghề, luôn suy nghĩ tìm tòi để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế với thời gian ngắn nhất, độ chính xác cao nhất, anh Tùng cho biết mỗi thành quả mà mình có được đều là sự góp sức, chung tay của những người đồng nghiệp thân thiết từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Tổng Công ty. Những dự án đáng chú ý mà anh đã vinh dự được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình có thể kể đến như: Dự án chuyển đổi hệ thống chủ cũ là Sita Cargo sang hệ thống chủ mới CargoSpot thân thiện, dễ sử dụng với người dùng. Phối hợp với Tổng cục Hải Quan để cập nhật các thông tin về hàng hóa của VNA tới Cổng thông tin một cửa quốc gia theo chuẩn CIMP của IATA (Cargo Interchance Message Procedure). Hay đặc biệt là sáng kiến áp dụng Cartering chứa nước để hỗ trợ cân bằng trọng tải tàu bay trong giai đoạn Covid 19 nâng cao hiệu quả vận chuyển.

Anh Tùng chia sẻ: “Tàu A350 có yếu tố cân bằng không tốt, để đảm bảo khai thác hiệu quả thông thường tỷ lệ khối lượng hàng, hành lý khoang sau/khối lượng hàng, hành lý khoang trước là 55%/45%. Do đặc thù hàng hóa không đảm bảo tỷ lệ trên nên để cân bằng cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ như téc nước đuôi tàu bay (khoảng 1 tấn), ballast (bao sỏi dằn tải) chất xếp vào AKE xếp ở khoang sau hoặc xếp vào H5 của tàu bay. Bắt đầu từ ngày 21/12/2020, VNA đã sử dụng thêm công cụ hỗ trợ nữa là xe đẩy suất ăn tàu bay chất xếp tại khoang bếp cuối. Đây là sáng tạo đặc sắc của tập thể trong giai đoạn Covid 19. Kết quả đạt được là hàng chục chuyến bay chở hàng trong thời gian đó có thể chở đủ 11 mâm hàng khi áp dụng hỗ trợ cân bằng; nếu không có hỗ trợ cân bằng cartering nước chỉ chở được tối đa 10 mâm, hiệu quả chất xếp tăng 9%, tương đương xấp xỉ 20 ngàn USD/ chuyến”.

Anh Trịnh Hải Tùng – Tự hào là một mắt xích quan trọng của “con tàu” Vietnam Airlines. (Ảnh: NVCC)

Thời gian dịch bệnh, điều kiện làm việc gặp nhiều hạn chế, bản thân mỗi nhân viên cũng chịu nhiều áp lực khác nhau, nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, tất cả những thành viên của tổ dự án đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và thành quả đạt được là phần thưởng xứng đáng nhất cho những nỗ lực, cố gắng, suy nghĩ tìm tòi đêm ngày để cải tiến, giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu suất trong kinh doanh.

Kỷ niệm mà anh Tùng nhớ mãi trong quá trình làm nghề của mình đó là khi căn trang cho máy in vận đơn trong thời gian chuyển đổi từ hệ thống chủ cũ SitaCargo sang hệ thống chủ mới CargoSpot, khi chạy thử hệ thống mới để in vận đơn, cứ mỗi vận đơn lại dịch lên vài milimet, như vậy sau khi in một số vận đơn sẽ lệch vài xăngtimet, ảnh hưởng lớn đến công việc phục vụ hàng hóa. Chuyên gia kỹ thuật của nhà cung ứng từ Châu Âu sang và đội phần mềm của nhà cung ứng tại Thụy Sỹ đã mất rất nhiều công sức vẫn không tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

May mắn lúc đó, một kỹ sư công nghệ thông tin của VNA tại sân bay Đà Nẵng đã tìm ra nguyên nhân rất đơn giản, đó là khi kết thúc trang vận đơn, máy in có phát ra tín hiệu “bip”, do đó cần nhận dạng và chỉnh phần mềm CargoSpot để nhận diện, căn trang cho chính xác. Nhờ vào phát hiện đó, đội phần mềm của Champ- nhà cung ứng dịch vụ chỉ cần một thay đổi nhỏ trong phần mềm đã giải quyết được vấn đề tưởng chừng rất nan giải. Qua tình huống ấy có thể thấy khả năng chuyên môn, quan sát tinh tế của kỹ sư Việt Nam cũng không hề thua kém với đội ngũ quốc tế và chính nhờ lòng yêu nghề, luôn hết mình với công việc của những nhân viên VNA mà nhiệm vụ khó khăn nào họ cũng có thể vượt qua. 

Anh Trịnh Hải Tùng cùng vợ và các con. (Ảnh: NVCC)

Anh Tùng chia sẻ: “Điều tôi tự hào nhất là VNA luôn là Hãng Hàng không có ý thức cộng đồng cao, luôn đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, mà minh chứng là các chuyến bay giải cứu đồng bào tại Li Bi và những chuyến bay đi thẳng vào vùng dịch Vũ Hán… Nhân viên của VNA có được tinh thần đó do được giáo dục, tuyên truyền thường xuyên, Lãnh đạo luôn đi đầu, nêu gương, nhân viên nhiệt huyết và yêu nghề...”  

30 năm qua, Vietnam Airlines đã luôn định hình là một cầu nối quan trọng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như đưa văn hóa của các dân tộc 5 châu tới Việt Nam, và trên hành trình đó, dù có chông gai, thử thách đến đâu nhưng nhờ luôn giữ vững tinh thần “chiến binh sen vàng” của mỗi người VNA mà bông sen vàng VNA đã và sẽ luôn tỏa sáng, thịnh vượng, trường tồn cùng năm tháng.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.