Albert Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Chúng ta đều có thế mạnh và điểm yếu riêng. Chỉ khi bạn được đặt vào đúng chỗ thuộc về mình, phù hợp với bản ngã thì khi đó mới có thể thăng hoa và phát huy hết năng lực của vốn có. Người đã thắp cho tôi ngọn lửa, chắp cho tôi đôi cánh để có thể mạnh mẽ bay không ai khác, chính là bố tôi, Cơ trưởng – Giáo viên bay đội bay Boeing 787 – Capt Đường Trọng Thanh.
Trong ký ức của tôi, nghề bay bắt đầu với những quả trứng kinder surprise mà bố tôi thường mua làm quà sau những chuyến đi dài. Nghề bay, ngày ấy là sẽ có kẹo ngon! Lớn lên thêm một chút, nghề bay với tôi qua lời kể của bố và các chú các bác là những chuyến đi tới khắp các phương trời xa, là Dubai hoa lệ, là Paris ngập tràn ánh sáng, là Tokyo hiện đại, đông đúc…tất cả hiện lên thật đẹp, thú vị và lôi cuốn. Nghề bay, ấy còn là sự tự hào, khi có thể khoe cùng chúng bạn mỗi khi thấy máy bay bay ngang bầu trời: “Đó là bố tớ đấy”!
Nghề bay dưới góc nhìn của một đứa trẻ hiện lên thật đẹp, thật ngầu, thật thú vị, nhưng những vất vả và gian truân đằng sau sự hào nhoáng đó, chỉ khi dần lớn lên tôi mới hiểu được. Đó là khi màn đêm buông xuống, khi mọi người dần chìm vào giấc ngủ thì những người phi công mới bắt đầu công việc của mình, để kết nối những mảnh đất, con người tới những phương trời xa.
Đó là những dịp lễ tết, khi người người đoàn viên, nhà nhà sum họp, thì đó lại là lúc những “người giời” lại phải tạm gác lại niềm vui quây quần để hoàn thành sứ mệnh của sự kết nối. Đó là những thử thách về giới hạn sức khỏe của con người khi liên tục thay đổi múi giờ cùng nhiệt độ. Đó là những khoảng trống khi gia đình có biến cố lớn xảy ra nhưng bản thân lại đang ở cách xa hàng chục ngàn cây số. Và còn muôn vàn những khó khăn, vất vả, thử thách mà chỉ người bay và những người thân của họ mới có thể cảm nhận được.
Tuy nhiên càng hiểu lại càng yêu, ngọn lửa với bầu trời được thắp lên trong tôi một cách chậm rãi, nhưng bền bỉ và chắc chắn. Sứ mệnh với bầu trời được tôi tiếp tục duy trì và viết tiếp. Chỉ khi đeo lên ngực áo đôi cánh sen vàng, tôi mới dần nhận ra rất nhiều những đốm lửa nhỏ mà bố tôi – một nhà giáo kỳ cựu – đã gây dựng trong nhận thức của mình.
Đốm lửa ấy trước hết là đạo đức nghề nghiệp. Tôi luôn được dạy từ khi con nhỏ :“Người bay ấy là người trời, muốn bay được trên đôi cánh trước hết phải biết đi trên đôi chân mình”. Những quy tắc ứng xử, giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp đều được bố tôi cài cắm trong những câu chuyện thuở nhỏ, để đến hiện tại nó thể hiện ra một giá trị không gì đo đếm được. Đạo đức nghề nghiệp đó còn được thể hiện trong sự trân trọng với từng chuyến bay. Với gần 30.000 giờ bay, trải qua hàng triệu dặm hành trình, tuy nhiên chưa bao giờ tôi nhận thấy được sự cẩu thả hay hời hợt của ông trước mỗi chuyến bay. Bởi mỗi chuyến bay đều là một hành trình khác biệt và không lặp lại, phi công phải luôn chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng và cẩn trọng để đương đầu với những gì có thể xảy ra.
Đốm lửa ấy thể hiện ở tinh thần sẵn sàng đương đầu khó khăn và liên tục chấp nhận học hỏi. Xuất phát điểm từ các dòng máy bay Liên Xô cũ như AN-26, TU134, hoàn toàn xa lạ với các dòng máy bay phương tây, tuy nhiên với tinh thần cầu tiến và không ngần ngại học hỏi, sẵn sàng học lại từ đầu với một ngôn ngữ hoàn toàn mới, bố tôi và cả một thế hệ các bậc tiền bối khi đó đã thành công chuyển loại và làm chủ nhiều dòng máy bay hiện đại từ thời điểm mở cửa của ngành hàng không Việt Nam cho tới nay.
Lần lượt là Boeing 767, Boeing 777 và Boeing 787, các đỉnh cao về cơ khí và kỹ thuật lần lượt được các phi công Việt Nam làm chủ và vận hành hoàn hảo góp phần nâng tầm cao vị thế của Vietnam Airlines. Bố tôi vẫn thường nói đùa, ông như một con trâu già, từng đường cày đều in sâu vào trí nhớ, tuy nhiên trước mỗi kỳ huấn luyện hay kiểm tra đánh giá, tôi vẫn thấy được sự chuyên nghiệp và cẩn trọng của người lính già ấy khi nghiên cứu và chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra trong bài bay. Một kỷ niệm vui khi tôi bắt đầu huấn luyện bay cơ bản tại Mỹ thì cũng là lúc bố tôi cũng bắt đầu khóa huấn luyện chuyển loại Boeing 787. Không khí cùng học lan tỏa tạo động lực lớn và là tấm gương để tôi nỗ lực hoàn thành tốt và sớm nhất khóa học của mình.
Đốm lửa ấy là sự tận tụy, tận tâm, luôn sẵn sàng chấp nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ khi được tổ chức giao phó. Không kể sớm khuya, nắng mưa hay thậm chí là những nhiệm vụ nguy hiểm, bởi “Người bay ấy cũng là người lính, luôn sẵn sang khi Tổ Quốc gọi tên”.
Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi là một trong số những thành viên của phi hành đoàn chuyến VN68, chuyến bay cứu trợ công dân đầu tiên với hành trình Hà Nội – Vũ Hán – Hà Nội. Đây là thời điểm khởi nguồn của dịch Covid 19 khi mọi thông tin về dịch bệnh vẫn còn hạn chế và các phương thức bảo vệ chưa được triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó các thông tin về dịch bệnh qua các kênh truyền thông không rõ ràng khiến chuyến đi này vào thời điểm đó vô cùng đặc biệt và có tính rủi ro cao. Tuy nhiên, mang trong mình tâm thế tự hào là phi công Đoàn bay 919 anh hùng, toàn thể phi hành đoàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao phó, góp một phần bé nhỏ của mình vào hình tượng “Ngạo nghễ Việt Nam” đầy đáng quý, đáng tự hào.
Với hơn 40 năm gắn bó với bầu trời, cống hiến cả sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình cho ngành hàng không Việt Nam. Ngọn lửa đam mê đã được bố tôi truyền cho rất nhiều lứa học trò trong suốt cuộc đời vừa làm người bay, vừa làm người lái đò của mình. Một bầu trời rộng mở đã được các thế hệ đi trước khai phá và là một di sản đáng quý, đáng tự hào. Ngọn lửa ấy đã được thắp lên và sẽ được các thế hệ phi công trẻ như chúng tôi vun đắp, bảo vệ và truyền lại đến mãi về sau.