[8/3] Chị Trần Thị Cẩm Nhung: “Không có rào cản nào buộc chúng ta từ bỏ đam mê”

Từ một cử nhân Sư phạm, chị Trần Thị Cẩm Nhung quyết tâm theo đuổi đêm mê với ngành hàng không. 23 năm trôi qua, chị Nhung không thể nhớ chính xác mình đã trải qua bao nhiêu kỷ niệm với công việc phòng vé. Chỉ cần “chạm nhẹ” vào từng khoảnh khắc, ngay lập tức “cuốn băng ký ức” như được “tua lại”, chầm chậm hiện về trong tâm trí.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hành trình theo đuổi đam mê

Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân của đại học Sư phạm Ngoại ngữ, chị Trần Thị Cẩm Nhung (hiện đang là Đội phó Đội Dịch vụ kỹ thuật bán miền Bắc) đã quyết định tiếp tục học tập tại Trung Quốc trong 1,5 năm. Suốt quãng thời gian ở Trung Quốc, chị Nhung không chỉ nỗ lực học tập mà còn cố gắng trải nghiệm thật nhiều để thấu hiểu văn hóa, đời sống của một đất nước mới. Tại đây, đam mê của chị với ngành hàng không bắt đầu.

Ước mơ được tự do tung cánh trên bầu trời, khoác lên mình bộ đồng phục tiếp viên hàng không đầy kiêu hãnh luôn cháy bỏng. Dẫu vậy, vào thời điểm những năm 2000, cánh cửa bước vào ngành hàng không vô cùng khắt khe. Kể cả những vấn đề nhỏ như cận thị cũng có thể khiến thí sinh bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, trở thành rào cản buộc nhiều người phải gác lại ước mơ.

Nhưng niềm đam mê không vì vậy mà dập tắt. Không thể trở thành tiếp viên hàng không, chị quyết định theo đuổi con đường khác vẫn gắn liền với bầu trời – thi tuyển vào Đội Dịch vụ kỹ thuật bán miền Bắc thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Sự động viên, ủng hộ và tiếp sức từ bố mẹ đã tiếp thêm động lực để chị theo đuổi đam mê của mình.

Bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm cao độ, chị được tuyển chọn. Bắt đầu công việc ở phòng vé, chị Nhung chia sẻ rằng bản thân rất may mắn khi gặp được những người đồng hành tuyệt vời, đặc biệt là chị Minh Huyền (Đội Đội trưởng Đội hỗ trợ bán miền Nam) và chị Bích Thoa (Phó phòng phụ trách trực tiếp Đội Dịch vụ kỹ thuật bán của CNVN).

Trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân, hai người phụ nữ này đã trở thành những người thầy cố vấn đắc lực. Nhờ có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ đàn chị, chị Nhung từng bước tiến lên trong sự nghiệp của mình. Từ một nhân viên nhỏ bé đến vị trí đội phó Đội Dịch vụ kỹ thuật Miền Bắc, chị cho rằng đó không chỉ là thành quả cho sự nỗ lực của riêng mình, mà còn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Đến tận bây giờ, họ vẫn sắm vai những người bạn đồng hành đáng quý, luôn sẵn lòng giúp đỡ và hỗ trợ chị từng bước trong sự nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào quá trình đào tạo để trở thành một nhân viên phòng vé, chị Cẩm Nhung cho biết, những tháng ngày ấy như một thời kỳ đầy chông gai. Ba tháng, rồi sáu tháng trôi qua với rất nhiều bài học và những buổi thực hành, nhưng chỉ khi bắt tay vào làm việc, chị mới nhận ra rằng, có rất nhiều điều phát sinh phải học từ trải nghiệm thực tế mới có kết quả.

Một nhân viên phòng vé bắt buộc phải có kinh nghiệm và thật nhiều sự kiên nhẫn. Để nắm vững nghiệp vụ cần tới hai năm làm việc thực tế trở lên mới đủ”, chị Nhung nói.

 

Yoga và sách là bí quyết để cân bằng cuộc sống

Hơn 23 năm trôi qua, chị Nhung không thể nhớ chính xác mình đã trải qua bao nhiêu kỷ niệm với phòng vé. Nhưng chỉ cần “chạm nhẹ” vào từng khoảnh khắc là ngay lập tức “cuốn băng ký ức” như được “tua lại”, chầm chậm hiện về trong tâm trí.

Chị kể, từ thời phòng vé vẫn trực thuộc sân bay Nội Bài, chị và đồng nghiệp phải thường xuyên chạy qua lại giữa 2 địa điểm. Khi đó, chị hay gặp những tình huống khách hàng cực kỳ đặc biệt như: Bị ốm đột ngột trước giờ bay, hoặc khách bệnh nặng cần phải di chuyển bằng cán,… Chưa hết, có nhiều trường hợp chị Nhung phải hỗ trợ khách hàng có người thân mất sát giờ bay, hoặc giúp đỡ tìm chuyến bay phù hợp trong điều kiện kinh tế hạn hẹp. Những lúc như vậy, chị Nhung chia sẻ: “Chị cảm thấy mình không chỉ là một nhân viên phục vụ, mà còn là một người đồng hành, đồng cảm và hỗ trợ cho khách hàng”.

Như bao người làm trong ngành dịch vụ, chị Nhung không tránh khỏi việc đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của cuộc sống. Có đôi khi, những cảm xúc không ổn định và sự căng thẳng cũng cuốn chị vào những cơn giận dữ của khách hàng.

 

Chị Nhung tâm sự: “Trước đây, hôm nào tinh thần “đi xuống”, chị đều  phải đứng trước gương, cố gắng định thần lại bản thân trong khoảng thời gian ngắn nhất. Rồi học cách mỉm cười thật tươi trước khi bước chân đi làm. Nhưng thời gian dần qua, kinh nghiệm và trải nghiệm cũng giúp chị tìm được cách duy trì sự bình ổn cho cảm xúc, tăng thêm chỉ số EQ. Bây giờ, chỉ cần nói chuyện với khách hàng 2 – 3 câu là đủ để biết cách xử lý mọi tình huống rồi.”

Ngoài ra, Yoga cũng là một “người bạn đồng hành” giúp ích rất nhiều cho chị trong công việc này. Yoga giúp chị Nhung duy trì một sức khỏe dẻo dai và một tâm trí vững bền. Vì thế, ngay khi kết thúc một ngày làm việc, chị Nhung thường dành ra 1 – 2 tiếng để tập Yoga và thiền, tạo ra những khoảnh khắc yên bình và lặng lẽ trong cuộc sống. Những buổi tập này giúp chị giải tỏa căng thẳng, đồng thời tạo ra một tâm trạng thoải mái và sảng khoái.

Chị không đem công việc về nhà và không đem chuyện nhà vào công việc”, chị Nhung cho rằng chính việc tập Yoga và thiền cũng giúp chị giữ được ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Mặc dù công việc luôn bận rộn, nhưng đọc sách vẫn luôn là một thói quen không thể bỏ trong cuộc sống của chị. Chị dành nhiều thời gian để khám phá thế giới thông qua các cuốn sách. Cô con gái nhỏ hiểu được niềm đam mê của mẹ với những cuốn sách đã tặng chị một chiếc máy kindle thay mọi lời yêu thương và động viên chị Nhung trên hành trình ước mơ của mình.

Hồi còn học ở Trung Quốc, chị đã đọc hết 5 cuốn sách trong bộ Sherlock Holmes bằng tiếng Trung. Tới bây giờ chị vẫn giữ thói quen đọc sách ở bất cứ nơi đâu, ngay khi rảnh rỗi. Chị tin mình có thể học được rất nhiều điều bổ ích thông qua việc đọc sách. Và đúng là như thế, bước chân vào Vietnam Airlines cùng những quyển sách trinh thám đã giúp chị nhìn mọi việc rõ ràng, logic hơn. Vậy nên chị hay mang sách tới cơ quan, nhiều cuốn sách để trong phòng họp toàn là chị mang tới cho mọi người đọc cùng đó”, chị Nhung chia sẻ về niềm đam mê đặc biệt với những cuốn sách đặc biệt là trinh thám của mình.

Hơn tất cả, đối với chị Nhung, mẹ cũng là nguồn cổ vũ lớn lao, đồng hành cùng chị trên con đường theo đuổi ngành hàng không. Sự nhanh nhẹn và tháo vát được thừa hưởng từ mẹ đã dạy chị biết cách đối mặt với mọi tình huống trong công việc và cuộc sống. Mặc dù bà không còn ở bên, nhưng những dạy bảo và bài học mà bà truyền đạt lại, vẫn luôn ở trong tâm trí.

Đại diện cho những người phụ nữ “đầu sức trẻ”, chị Nhung luôn mong muốn được thử nghiệm những điều mới mẻ và không ngần ngại đối diện với những khó khăn. Trên cương vị là Đội phó, cũng là một người giáo viên của phòng vé, những câu chuyện của chị Nhung là một nguồn động viên, truyền cảm hứng cho các lớp trẻ đã và đang theo học, khuyến khích từng người không ngừng làm mới bản thân và khát khao khám phá thế giới xung quanh.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.