[20/11] Tự hào khi trở thành lứa giảng viên đầu tiên thay thế giảng viên nước ngoài

Không chỉ là lứa tiếp viên hàng không đầu tiên sau khi Đoàn tiếp viên được thành lập năm 1993 mà chị Nguyễn Thị Mỹ Phương còn là thế hệ giảng viên nội bộ đầu tiên với 27 năm thâm niên. Suối thời gian đó, chị đã tận tình, tận tâm, tận tụy dìu dắt, hướng dẫn hàng chục lớp tiếp viên kế cận, chắp cánh cho những “ước mơ bay” thành hiện thực.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Nhân ngày 20/11 – ngày tôn vinh các thầy cô giáo cùng những người làm công tác đào tạo, VNA Spirit đã có cuộc trò chuyện cùng chị!

Xin chào chị Mỹ Phương, chị đã đến với Vietnam Airlines cũng như bén duyên với “nghề dạy học” như thế nào?

Năm 1993 khi Đoàn Tiếp viên thành lập thì mình cũng may mắn trở thành một trong những tiếp viên hàng không đầu tiên của Đoàn. Thời điểm đó nghề TVHK chưa quá phổ biến song yêu cầu cũng khá khắt khe. Có thể nói để trở thành một tiếp viên của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam thì mình cũng phải nỗ lực, phấn đấu và vượt qua rất nhiều thử thách.

Sau 3 năm gắn bó thì mình có cơ hội tham gia giảng dạy. Thời điểm này đúng vào giai đoạn Đoàn Tiếp viên quyết tâm phát triển đội ngũ giáo viên nội bộ nhằm thay thế các giáo viên nước ngoài của chuyên ngành An toàn khai thác. Để trở thành một giảng viên ngoài kinh nghiệm thực tiễn, mình còn phải trải qua một số lớp đào tạo cùng các kỳ kiểm tra rất ngặt nghèo. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ, động viên của Ban lãnh đạo cũng như các anh chị quản lý, mình đã chính thức đứng lớp từ năm 1996. Sau đó đến tháng 11/1998 mình về tham gia công tác tại Trung tâm Huấn luyện bay ngay khi Trung tâm được thành lập.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương là thế hệ giảng viên nội bộ đầu tiên với 27 năm thâm niên. (Ảnh: NVCC).

Hiện nay mình là Phó trưởng khoa Huấn luyện khai thác bay – Trung tâm Huấn luyện bay kiêm nhiệm giảng viên An toàn khai thác, giảng dạy các bộ môn An toàn khoang khách (Safety & Emergency procedures), Sơ cứu (First Aid), Quy định vận chuyển Hàng nguy hiểm (Dangerous Goods Regulation), Quản lý nguồn lực tổ bay (Crew Resource management), Hệ thống an toàn (Safety Management System) và Ứng phó khẩn nguy (Emergency response). Mình cũng là một Tiếp viên trưởng, một Kiểm tra viên khi tham gia bay khai thác.

Vâng có thể nói là một lịch trình công việc vô cùng bận rộn trên các cương vị khác nhau.  Vậy chị đã làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân?

Quan điểm của mình là “Làm hết mình, chơi cũng hết mình”. Bởi vậy khi làm việc mình luôn dành toàn tâm toàn ý để làm việc, không nghĩ đến bất cứ điều gì khác, thời gian vì thế cũng trôi qua nhanh hơn và khi nhìn thấy hiệu quả công việc thì thấy rằng mọi nỗ lực của mình là xứng đáng.

Bản thân mình cũng có thói quen lập kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ được giao để sắp xếp thời gian nào làm việc gì thì có thể đạt hiệu quả cao nhất. May mắn của mình đó là gia đình luôn rất thông cảm cho công việc và chồng mình thì luôn sẵn sàng chia sẻ việc nhà những lúc mình bận rộn hoặc công tác xa nhà. Mình cũng có nguyên tắc đó là cuối tuần là thời gian ưu tiên dành trọn vẹn cho gia đình, cũng là cách để mình nạp năng lượng trở lại sau một tuần bận rộn.

Tham gia giảng dạy nhiều năm, chị cảm thấy môi trường đào tạo của VNA có gì khác biệt so với môi trường đào tạo thông thường?

Điểm đặc biệt nhất chính là các học viên, đó là những người đồng nghiệp trong công tác khai thác bay, vì vậy công việc huấn luyện ngoài việc cung cấp kiến thức thì chúng mình còn là những thành viên phi hành đoàn chia sẻ các kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Trong lớp học, chúng mình không chỉ là các giảng viên đứng trên giảng đường như các môi trường đào tạo khác, mà như những người anh, người chị đi trước sẵn sàng huấn luyện, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho thế hệ sau để họ làm tốt nhất có thể.

Quan điểm của chị Phương là “Làm hết mình, chơi cũng hết mình”, bởi vậy khi làm việc mình luôn dành toàn tâm toàn ý để làm việc. (Ảnh: NVCC).

Đối với những môn học mà chị phụ trách, khi giảng dậy cần đảm bảo những tiêu chí hoặc lưu ý những gì để đạt kết quả tốt nhất cho học viên?

Trong mắt hành khách và những người ngoài ngành, TVHK là những người đẹp, trang điểm chỉn chu và phụ trách cung cấp các dịch vụ của hãng hàng không đến với hành khách. Tuy nhiên là một người trong ngành, tôi mong rằng mọi người hiểu ưu tiên hàng đầu trong công việc của TVHK nói riêng và toàn thể phi hành đoàn nói chung là đảm bảo an toàn cho hành khách từ những việc hàng ngày như kiểm tra hành khách cài dây an toàn, sắp xếp hành lý, lưu ý chăm sóc các tình trạng sức khỏe bất thường của hành khách trong chuyến bay đến các việc xử lý các tình huống khẩn cấp như cháy nổ, mất áp suất hoặc hạ cánh khẩn cấp… Và để đảm bảo TVHK có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, giảng viên phải liên tục cập nhật các quy định của nhà chức trách, các tình huống thực tế xảy ra trong hãng và trên thế giới vào các bài tập thực hành để học viên có thể làm quen, thực hành thuần thục và có thể áp dụng khi có tình huống bất thường xảy ra trên chuyến bay.

“Học đi đôi với hành” và “Trăm hay không bằng tay quen” có lẽ càng đúng với công tác đào tạo của ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Phương châm trong công tác giảng dạy của chị Phương là gì?

Tôi muốn làm một người bạn, một người chị, một người đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm của học viên hơn chỉ đơn thuần là một cô giáo. Bởi vậy tôi luôn cố gắng tạo không khí thân thiện, gần gũi khi huấn luyện để học viên không bị áp lực, dễ tiếp thu kiến thức. Nhưng ngược lại tôi yêu cầu rất cao ở các kỳ kiểm tra. Phải nghiêm túc khi kiểm tra, đánh giá kết thúc môn để học viên hiểu được tầm quan trọng của việc nắm chắc kiến thức, thuần thục kỹ năng khi tham gia bay khai thác.

Trong quá trình học tôi cũng luôn nhắc nhở các bạn phải luôn nỗ lực vì tiêu chuẩn “Đạt” trong hàng không cao hơn một số môi trường đào tạo khác. Điểm đạt là 80% bao gồm cả 3 mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ nên không thể học hời hợt, qua quýt mà có thể qua môn được.

Theo chị Phương, “Học đi đôi với hành” và “Trăm hay không bằng tay quen” có lẽ càng đúng với công tác đào tạo của ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. (Ảnh: NVCC).

Gần 30 năm trên bục giảng, đâu là kỷ niệm chị nhớ nhất?

Kỷ niệm thì có rất nhiều nhưng nhớ nhất có lẽ là 2 câu chuyện. Đầu tiên là lần đầu đi dạy, khi ấy rất hồi hộp, căng thẳng nhưng đứng lớp thì lại không giấu được cảm xúc tự hào vì mình đã chính thức trở thành một trong những giảng viên đầu tiên thay thế đội ngũ giảng viên nước ngoài.

Câu chuyện thứ 2 cũng là một lần đầu tiên khác, lần đầu tiên tham gia huấn luyện về Quy định vận chuyển hàng nguy hiểm cho phi công nước ngoài. Lúc đầu mới vào lớp, họ nhìn mình với ánh mắt không tin tưởng lắm khi mình giới thiệu công việc kiêm nhiệm của tôi là TVHK. Trong buổi huấn luyện, họ đặt rất nhiều câu hỏi liên qua đến công việc thực tế và các kiến thức chuyên sâu. Ánh mắt họ dần thay đổi khi nhận được các đáp án mà mình chia sẻ. Cuối buổi huấn luyện, mình rất hạnh phúc khi họ bắt tay chào tạm biệt, giơ ngón tay cái lên và nói rằng “Bạn là 1 giảng viên rất chuyên nghiệp”. Điều này chính là động lực giúp mình phấn đấu nhiều hơn mỗi ngày!

Chị Phương muốn làm một người bạn, một người chị, một người đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm của học viên hơn chỉ đơn thuần là một cô giáo. (Ảnh: NVCC).

Nhân ngày 20/11 chị có điều gì muốn chia sẻ đến các đồng nghiệp không thưa chị?

Trước tiên chắc chắn là lòng biết ơn, biết ơn các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện cho tôi được các lớp học định kỳ, nâng cao nhằm củng cố và nâng cao kiến thức chuyên môn. Sau đó là cảm ơn  các đồng nghiệp, các học viên đã giúp đỡ, hỗ trợ và ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc chính cũng như các công việc kiêm nhiệm. Cuối cùng, tôi xin gửi lời chúc đến các anh chị làm công tác đào tạo tại VNA nhiều sức khỏe, luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để truyền đạt kiến thức bổ ích, là người dẫn đường tận tụy cho các thế hệ sau, tạo lập nền móng vững chắc cho Vietnam Airlines tiếp tục “sải cánh vươn xa”!

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị Mỹ Phương! Xin chúc chị sức khỏe và thành công, tiếp tục gắn bó và đồng hành cùng Vietnam Airlines trong những bước phát triển sắp tới!

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.