[20/11] Dạy học chính là học thêm một lần nữa

Tại TCT, đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác đào tạo đã, đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành huấn luyện đào tạo và xây dựng VNA ngày càng “sải cánh vươn cao”. Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023), VNA Spirit xin gửi tới toàn thể CBNV VNA Group những bài viết chia sẻ, tâm tư của các thầy cô. Xin cảm ơn những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô, để thực hiện tốt các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tại VNA Group.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Học viên trên lớp cũng chính là những đồng nghiệp thân yêu của mình. Vì thế nhiệm vụ giảng dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn làm sao để họ có thể giảm lỗi sai chuyên môn, giảm sự cố thực tế, cải tiến hiệu quả công việc giúp ổn định tổ chức” – đây chính là điều chị Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Phục vụ hành khách – Trung tâm đào tạo VIAGS luôn tâm niệm suốt gần 20 năm làm công tác đào tạo.

Chị Nguyễn Thị Lan – Trưởng bộ môn Phục vụ hành khách – Trung tâm đào tạo VIAGS. (Ảnh: NVCC).

Khi được hỏi về điều đáng nhớ nhất suốt gần 2 thập kỷ thực hiện nhiệm vụ “đưa đò” tại Vietnam Airlines, chị Lan không hề suy nghĩ đã đáp ngay rằng đó là một lớp đào tạo về hệ thống làm thủ tục trong thời gian giãn cách năm 2021. Chị đã miêu tả về ký ức ấy như “một bộ phim đấu trí nghẹt thở” với những cung bậc cảm xúc vô cùng mãnh liệt.

Thời điểm đó, theo kế hoạch, chị Lan và đồng nghiệp được phân công dạy về hệ thống làm thủ tục cho nhân viên Công ty PVMĐ tại Cảng hàng không Côn Đảo từ ngày 07 – 14/06/2021. Tuy nhiên đúng ngày ngày 30/5 một hành khách là F0 đã thực hiện chuyến bay đến CHK Côn Đảo. Để kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19, các chuyến bay chở khách đi đến Côn Đảo và ngược lại bị tạm dừng hoạt động từ 17h00 ngày 5/6/2021. Như vậy, hai giáo viên không thể bay đến Côn Đảo để giảng dạy như kế hoạch. Song công tác cutover hệ thống cho các sân bay địa phương tại Việt Nam đang ở giai đoạn nước rút nên chị đã nhận lệnh bằng mọi cách phải thực hiện được việc đào tạo theo đúng kế hoạch.

Ở tình thế ấy, chị Lan cùng Tổ bộ môn và lãnh đạo Trung tâm đào tạo VIAGS đã thoáng nghĩ đến việc đào tạo trực tuyến. Thực tế với các môn chuyên môn, các giảng viên ở VIAGS đã bắt đầu làm quen trong thời gian dịch bệnh nhưng đào tào trực tuyến bằng hệ thống quả là khó khăn. Nguyên nhân bởi môn này cần phải được “cầm tay chỉ việc”, học viên vừa phải học lý thuyết vừa phải thực hành trên máy trong lớp để giáo viên kiểm soát, điều chỉnh trực tiếp. Đây quả là nhiệm vụ khó khăn!

“Làm thế nào để giảng dạy thao tác hệ thống bằng hỉnh thức trực tuyến mà vẫn phải đảm bảo chất lượng?” là câu hỏi thưởng trực trong nhóm giáo viên lúc bấy giờ. Cân nhắc nhiều giải pháp, cuối cùng Ban Lãnh đạo đã quyết định tổ chức học trực tuyến với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận liên quan. Qúa trình chuẩn bị cho công tác đào tạo hệ thống trực tuyến, từ yêu cầu về cách tổ chức, kiểm tra băng thông đường truyền, thiết bị lớp học, xây dựng Quick reference cho học viên, làm slide bài giảng, xây dựng 2 kênh giao tiếp (mỗi học viên cần có máy tính cài đặt, kết nối hệ thống kèm theo điện thoại thông minh để tạo nhóm Zalo để giáo viên kiểm tra, hỗ trợ học viên)…

Trong lo lắng và căng thẳng, ngày học đầu tiên cũng đã đến.

“Tôi và đồng nghiệp dạy cùng bước vào lớp với tâm thế khá hồi hộp mặc dù đã chuẩn bị rất chu đáo và kiểm tra nhiều lần. Toàn bộ 9 học viên đã có mặt tại phòng học và chỉ sử dụng 1 máy tính kết nối MS Teams để trình chiếu còn các học viên đều sử dụng đồng thời 2 thiết bị. Mọi việc ban đầu diễn ra khá ổn và trong tầm kiểm soát. Hai cô giáo làm việc phải nói là hết công suất. Trong lúc một cô giảng bài qua MS Teams, giảng viên còn lại chia sẻ màn hình và thực hiện các thao tác tương ứng với lời giảng của giáo viên thứ nhất, đồng thời  kiểm soát thao tác của học viên bằng cách xem kết quả trên SSCI; giải đáp vướng mắc của học viên qua Zalo. Lớp học đôi lúc bị gián đoạn lúc kết nối nên chúng tôi vừa dạy vừa động viên, điều chỉnh giữa các phần nội dung linh hoạt để đảm bảo tiến độ. Buổi học đầu tiên cũng đã kết thúc. Mặc dù mệt nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì dù sao những cố gắng của hai chị em cũng đã giúp học viên tiếp cận được hệ thống từng bước.”

Những tưởng mọi việc cũng dần ổn thì tầm 23h30 tối ngày hôm đó nhóm lớp dạy của chị Lan lại nhận được yêu cầu tạm dừng lớp học để rà soát nhân viên phục vụ chuyến bay có hành khách F0. Toàn bộ học viên của lớp đều phải ở nhà chờ đợi kết quả trong 2 ngày vì toàn bộ mẫu phải gửi về đất liền để xét nghiệm.

“Đó gần như là 2 ngày dài nhất cuộc đời đi làm của tôi. 2 ngày tâm trạng tôi cứ lên xuống, hồi hộp và khá lo âu. Nhóm Zalo lớp học dường như hoạt động hết công suất. Học trò thì lo lắng, hai cô giáo thì cũng không kém phần sốt ruột cũng như bồn chồn không biết học viên của mình có ổn hay không? Liệu lớp học có thực hiện tiếp được không? Thông báo tin nhắn nhóm Zalo lớp liên tục nhảy, là những lời quan tâm hỏi han, chia sẻ, tâm sự đầy cảm xúc giữa cô và trò.”

May mắn là đến sáng 9/6/2021, toàn bộ học viên đều có kết quả âm tính. Cả cô và trò đều thở phào nhẹ nhóm, vui mừng vì mọi người đều bình an và cuối cũng lớp học lại tiếp tục được thực hiện. Dường như mọi khó khăn đều gác lại phía sau!

Không chỉ có kỷ niệm ấy, hàng trăm nghìn cung bậc cảm xúc gắn với “nghề giáo” đều được chị Lan trân trọng cất vào hành trang công tác của mình, trở thành những kinh nghiệm quý báu để chị truyền dạy cho lớp học trò kế tiếp.

Suốt gần 2 thập kỷ, chị Lan thực hiện nhiệm vụ “đưa đò” tại Vietnam Airlines. (Ảnh: NVCC).

Người giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, mỗi lần đứng lớp là một lần chị được học lại kiến thức, điều này giúp chị tránh được nhiều lỗi sai khách quan lẫn chủ quan và càng thêm tự tin trong công việc hàng ngày. Và chị cũng muốn truyền đạt đến các bạn học viên tinh thần đó: không sợ học viên làm sai trên lớp, thà sai trên lớp còn hơn sai trong thực tế làm việc.

“Việc đào tạo của VNA gắn liền với công việc mà học viên sẽ đảm nhận. Chính vì vậy nội dung, đầu ra của các khoá học là làm thế nào để giúp học viên có thể tự tin thực hiện nhiệm vụ họ được giao sắp tới. Do vậy, công tác giảng dạy của chúng tôi luôn phải gắn liền với thực tế công việc. Các bạn có quyền sai trong lớp học để nhớ làm đúng trong thực tế. Tôi muốn học viên có thêm những trải nghiệm “chưa đúng” để có thể hiểu rõ nhất về công việc sẽ làm và biết cách phòng tránh sai lầm trong tương lai.”

Người giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, mỗi lần đứng lớp là một lần chị được học lại kiến thức. (Ảnh: NVCC).

Đã 20 năm từ ngày đầu đứng trên bục giảng, đến nay sự nhiệt huyết và niềm đam mê “truyền lửa nghề” vẫn luôn cháy trong chị Lan. Và chị khẳng định rằng nó đều đang cháy trong trái tim của tất cả các thầy cô giáo cũng như những người làm công tác đào tạo tại VIAGS nói riêng và VNA nói chung.

Đã 20 năm từ ngày đầu đứng trên bục giảng, đến nay sự nhiệt huyết và niềm đam mê “truyền lửa nghề” vẫn luôn cháy trong chị Lan. (Ảnh: NVCC).

“Tôi quan niệm, một người thầy hạnh phúc sẽ có ảnh hưởng tích cực đến học viên. Vì vậy, nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin kính chúc toàn thể các anh chị em giáo viên cũng như những người làm công tác đào tạo của VNA có thật nhiều sức khoẻ và niềm vui để tiếp tục tạo ra môi trường học tập tích cực, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” tại TCT cũng như VIAGS”. 

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.