[20/11] Cơ trưởng Nguyễn Phan Ngọc Tùng: Học viên như những đồng nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm khai thác thực tế

Tự nhận bản thân chỉ là người hướng dẫn và truyền đạt lại cho học viên những gì bản thân đã tích lũy được trong lĩnh vực hàng không nói chung, dạy bay nói riêng, Cơ trưởng Nguyễn Phan Ngọc Tùng – Giáo viên Đội bay A321 thậm chí luôn cho rằng chính mình cũng luôn học hỏi được rất nhiều từ những người đồng nghiệp trẻ xuất sắc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giáo viên bay – Nghề trong nghề

Vội vã phỏng vấn khi anh Nguyễn Phan Ngọc Tùng, Cơ trưởng và là giáo viên Đội A321 đang đào tạo phi công trong buồng lái mô phỏng, VNA Spirit không khỏi “choáng” với sự “hỏi nhanh – đáp gọn và gửi 1 bức ảnh duy nhất kèm câu “Gửi em. Anh vào Sim rồi nên không xoay xở được nữa”.

Dù khiến chúng tôi đôi chút bối rối vì sự ngắn gọn của mình nhưng điều khiến chúng tôi khâm phục ở người cơ trưởng và thầy giáo Tùng chính là sự tận tâm, chuyên nghiệp và chỉn chu trong công tác đào tạo, bởi anh không muốn làm sao nhãng dù chỉ 1 phút khi bước vào buổi đào tạo dành cho các bạn học viên phi công.

Gắn bó với công tác đào tạo nhiều năm qua, đào tạo hàng trăm lượt học viên, Cơ trưởng Nguyễn Phan Ngọc Tùng – giáo viên Đội A321 vẫn luôn giữ nguyên tắc đó là là luôn đối xử với các bạn học viên như những đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Nhắc lại khoảng thời gian được tạo cơ hội đến với công tác đào tạo, huấn luyện, Cơ trưởng Phan Ngọc Tùng không khỏi bồi hồi và biết ơn lãnh đạo, các thầy đã tận tình chỉ bảo và giúp đỡ mình.

“Năm 2008 khi Đoàn bay và Trung tâm huấn luyện tiến hành huấn luyện đào tạo lớp kỹ năng sư phạm, mình được cử tham gia đào tạo và sau đó được phê chuẩn theo thời gian qua các loại hình giáo viên lý thuyết, giáo viên bay kèm, giáo viên hướng dẫn bay buồng lái mô phỏng… Mình được các cấp lãnh đạo, các thầy, các chú, các anh đi trước quan tâm, dẫn dắt, chỉ bảo tận tình và nhờ sự quan tâm ấy bản thân mình ngày một thêm gắn bó và được tham gia công tác đào tạo. Với mình các chú, các anh đi trước luôn là tấm gương để phấn đấu noi theo”.

Nhớ lại lần đầu tiên tham gia đúng lớp với tư cách là một giáo viên lý thuyết, được giảng dạy cho các bạn học viên phi công cơ bản, anh Tùng không khỏi xúc động khi mình cũng từng trải qua những ngày đầu như thế. “Lần đầu tiên của mình tham gia đứng lớp là hồi giáo viên lý thuyết, làm việc với các bạn học viên phi công cơ bản. Các bạn đang rất háo hức về những chặng đường sắp tới, những cửa ải sắp phải vượt qua. Lần đầu đứng lớp, chia sẻ lại những việc mình mới trải qua nên rất bồi hồi”.

Cơ trưởng Nguyễn Phan Ngọc Tùng và vợ – TVT Đoàn Hồng Phương. (Ảnh: ĐB).

Và cho đến tận bây giờ, với thầy Tùng, cơ hội được truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức và truyền lửa đam mê bay cho các học viên, phi công và chứng kiến các phi công trẻ tiếp bước bay cao bay xa với đội bay hiện đại chính là niềm vinh dự, tự hào của mình.

Chia sẻ về đặc thù trong công tác đào tạo đội bay A321, anh Tùng chia sẻ “Tiếp nhận các bạn học viên mới về nên hãy còn ít kinh nghiệm khai thác thực tế, bên cạnh đó mạng đường bay tới các sân bay cả quốc tế lẫn quốc nội nên đòi hỏi các bạn học viên phải có sự chuẩn bị tốt và giáo viên phải luôn sẵn sàng can thiệp, ứng đối khi cần thiết. Nhằm luôn đảm bảo yếu tố An toàn và Hiệu quả nên Phòng đào tạo và Đội bay đã tổ chức các lớp chia sẻ, thảo luận giúp cho các bạn học viên có thông tin và sự chuẩn bị tốt cho các chuyến bay.

Tự hào là những người đi trước lan tỏa năng lượng tích lực

Đội ngũ giáo viên huấn luyện bay không chỉ giảng dạy kiến thức, kỹ năng, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút mà còn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp đối với học viên, phi công trẻ mới nhập nghề. Do đó, dù đào tạo hàng trăm lượt học viên, anh Tùng luôn có nguyên tắc của chính mình.

Gắn bó với công tác đào tạo nhiều năm qua, đào tạo hàng trăm lượt học viên, mình vẫn luôn giữ nguyên tắc đó là là luôn đối xử với các bạn học viên như những đồng nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm khai thác thực tế, gợi mở cách tiếp cận vấn đề và hướng dẫn các ban tìm thông tin. Không khí làm việc cởi mở và các bạn học viên chủ động trao đổi những vướng mắc để thật sự nắm bắt và hiểu rõ mọi kiến thức”.

Anh Tùng hy vọng sẽ tiếp tục được truyền đạt kinh nghiệm cho những thế hệ phi công mới ngày càng hiểu nghề và yêu nghề hơn. (Ảnh: NVCC).

Với ngành hàng không an toàn luôn là số 1 và đồng nghĩa với giờ bay an toàn là một quá trình phấn đấu không ngừng của mỗi phi công để học hỏi và tích luỹ các kiến thức chuyên môn, cùng với một thái độ trân trọng, nghiêm túc công việc mình đang làm. Chính vì vậy, kỷ niệm đặc biệt đối với anh Tùng chính là có thể trong quá trình khai thác cũng như bay kèm có rất nhiều chuyến bay diễn ra trong thời tiết không thuận lợi nhưng tổ bay đã phối hợp tốt, thực hiện chuyến bay an toàn và thành công, đó là những kỉ niệm đọng lại để sau này khi các bạn học viên thả đơn, khi hàn huyên vẫn nhớ và nhắc lại.

Đào tạo được các lứa học viên đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, truyền tiếp được ngọn lửa đam mê cho các lứa học viên tiếp theo để tạo nguồn lực kế nhiệm sau này cho hãng, giữ vững an toàn – giữ vững truyền thống của Đoàn bay 919 anh hùng, của Hãng hàng không quốc gia đó chính là thành quả của anh Tùng cũng như hàng trăm thầy cô giáo tại VNA. Và đó cũng là món qùa tri ân lớn nhất đối với anh cũng như các đồng nghiệp đang ngày đêm nỗ lực triển khai công tác đào tạo, huấn luyện.

Đảm nhận công tác đào tạo, bên cạnh việc luôn cập nhật kiến thức thì bạn cũng cần sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện bài giảng sao cho được hiệu quả và dễ hiểu nhất. Nhờ vậy mà bản thân tôi được cải thiện mỗi ngày. Thật sự đó là điều tuyệt vời. Hy vọng rằng tôi sẽ tiếp tục được truyền đạt kinh nghiệm cho những thế hệ phi công mới ngày càng hiểu nghề và yêu nghề hơn”.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.