Nhà văn người Mỹ Thomas Merton đã nói rằng “Chúng ta phải đưa ra những lựa chọn cho phép bản thân phát huy hết khả năng bên trong con người mình” và sự lựa chọn của anh Bùi Thành Nhân đến thời điểm này theo anh là đã phát huy được tối đa khả năng của mình.
Khi bắt đầu “chạm ngõ” hàng không, anh Nhân theo học để trở thành một phi công thương mại. Như mọi học viên khác, anh cũng trải qua những ngày học lý thuyết “bù đầu”, những giờ thực hành căng thẳng, những bài kiểm tra đầy khắt khe. Là một học sinh gương mẫu, anh Nhân thường xuyên được bạn bè tin tưởng hỏi han, trao đổi trong học tập. Như một cái duyên, những giờ phút “kèm cặp” các bạn học bỗng khiến anh nhận thấy công việc huấn luyện, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho người khác là một điều vô cùng thú vị. Đặc biệt nó lại rất hợp với một người đầy kiên nhẫn như anh.
Suy nghĩ ấy lớn dần mỗi ngày và đến khi hoàn thành khóa đào tạo phi công, anh Nhân quyết định tham gia các khóa học và kỳ thi chuyên môn để chính thức trở thành một giáo viên bay.
“Thời điểm đó tôi thấy mình khá có năng khiếu trong việc dạy học. Khi được chia sẻ, truyền đạt kiến thức và hiểu biết của mình với người khác tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Và tôi ngày càng hứng thú với việc làm thế nào để chia sẻ với nhiều người hơn, chia sẻ hiệu quả hơn, cách thức chia sẻ mới mẻ, sáng tạo hơn… Những suy nghĩ ấy cứ lớn dần lên, cộng thêm việc tôi muốn trải nghiệm một cái gì đó thật mới, thật khác đi. Vậy nên tôi đã quyết định trở thành thầy giáo của các phi công, thay vì là một phi công.”
Thấm thoát, anh Nhân đã có 7 năm gắn bó với sự nghiệp huấn luyện phi công và hơn 1 năm gắn bó với Bay Việt. Tuy nhiên theo anh Nhân, 1 năm đồng hành cùng Bay Việt mang đến cho anh cảm xúc và cảm hứng làm việc bằng nhiều năm trước đó cộng lại vì “đó là lần đầu tiên mình được bay cùng học viên Việt Nam, trên bầu trời Việt Nam”. Và đó, cũng là khoảnh khắc trái tim người thầy giáo càng thêm thiết tha với sự nghiệp đào tạo phi công dân dụng ở Việt Nam.
“Suốt quá trình công tác tới bây giờ mình đã có rất nhiều kỷ niệm với VNA và một trong những kỷ niệm làm mình nhớ nhất là khi được chứng kiến bạn học viên đầu tiên của khoá PPL01 thực hiện chuyến bay đơn đầu tiên (First Solo) tại Rạch Giá.”
Trước đó, anh Nhân đã thực hiện rất nhiều chuyến bay huấn luyện cho học viên Việt Nam tại Mỹ, tại Thái Lan nhưng ở lần đầu tiên được thực hiện chuyên bay huấn luyện thực tế tại Việt Nam thì mọi cảm xúc đều rất mới. Theo anh chia sẻ thì những cảm xúc đó gần như choáng ngợp vì hạnh phúc. “Lần ấy mặc dù tất cả các bộ phận đều chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng nhưng không ai là không hồi hộp, từ các anh em thợ máy đến chỉ huy bay đều căng thẳng vì đây là lần đầu tiên mọi người chứng kiến một học viên chưa có nhiều kinh nghiệm bay lại bay đơn một mình. Khi máy bay cất cánh, mình cảm giác như mọi người đều nín thở nhìn theo vậy. Và khi bạn ấy hoàn thành chuyến bay, rất đông mọi người đến chia vui. Lúc đó mình cảm giác rất rất vui, vui vì học viên hoàn thành tốt chuyến bay đơn, vui vì thấy được sự cố gắng của tất cả mọi người, càng vui hơn vì thấy được nỗ lực của Bay Việt trong việc hoàn thiện chương trình huấn luyện phi công tại Việt Nam.”
Là một phần của Bay Việt, anh Nhân luôn nỗ lực tìm tòi, phát triển và ứng dụng cách giảng dạy phù hợp nhất tới học viên để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Khi đứng lớp, anh Nhân luôn tâm niệm mình phải đặt bản thân vào tâm thế của học viên để giúp học viên có thể hiểu hơn về những kiến thức mà giáo viên truyền đạt.
“Mình luôn cố gắng đặt mình vào dòng suy nghĩ của học viên để có thể tìm ra các phương pháp giảng dạy, truyển đạt kiến thức cho học viên phù hợp với khả năng hiện tại của từng bạn. Nhưng dù tiếp cận theo cách nào đi chăng nữa thì ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động bay huấn luyện với mình là an toàn. Đây cũng chính là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Vietnam Airlines và mình muốn học viên thực sự hiểu tầm quan trọng của nó. Áp lực của nghề phi công là cực kỳ lớn và các bạn phải làm quen với nó ngay từ những chuyến bay huấn luyện đầu tiên.”
Trách nhiệm và áp lực đều không nhỏ song không vì thế mà anh Nhân là một thầy giáo khó tính và khắt khe. Anh rất tâm đắc với câu nói “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một chiếc bình, mà là việc thắp sáng một ngọn lửa.” Thay vì chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, giáo dục thực sự là quá trình khám phá, kích thích sự tò mò và thúc đẩy sự sáng tạo. So với việc “đổ đầy một chiếc bình,” nơi kiến thức chỉ được chứa đựng mà không có sự biến đổi, thì “thắp sáng một ngọn lửa” tượng trưng cho sự sáng tạo, đam mê và sự khao khát học hỏi của học viên.
“Mình luôn trăn trở làm sao có thể kích thích được sự thích thú, tò mò cho các bạn về các kiến thức chuyên ngành. Khi có sự hứng khởi về kiến thức, các bạn học viên sẽ có thể tự đào sâu, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu và nhờ đó ngọn lửa đam mê của các bạn dần dần được thắp lên.”
Lựa chọn gắn bó với Bay Việt, anh Nhân cũng lựa chọn nỗ lực miệt mài vì sứ mệnh đào tạo phi công cho Vietnam Airlines và tương lai là phi công cho ngành hàng không nước nhà.
“Với việc tự chủ đào tạo phi công tại Việt Nam, theo mình nghĩ VNA sẽ có thể quản lý chất lượng phi công đầu vào ngày một tốt hơn. Bên canh đó, với sự nhất quán trong chương trình đào tạo và tuyển dụng thì các bạn phi công mới sẽ dễ dang tiếp cận với các quy trình của VNA, từ đó có thể tối ưu được chi phí và thời gian đào tạo. Và để Bay Việt cũng như Vietnam Airlines ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhân ngày 20/11, mình xin gửi tới anh chị em đồng nghiệp, những người làm công tác đào tạo – huấn luyện lời chúc sức khỏe, thành công và đặc biệt luôn giữ được cái tâm trong sáng của người dẫn đường. Công việc của chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng sự nỗ lực, chân thành và đam mê trong giáo dục chính là kho báu quý giá nhất mà chúng ta có thể mang đến cho thế hệ tương lai.”