Dành cả thanh xuân cùng Vietnam Airlines
Năm 1994, chàng trai trẻ 18 tuổi Trần Trung Dũng mang đầy nhiệt huyết và sự tò mò với lĩnh vực hàng không bước chân vào Vietnam Airlines.
Năm 2001, sau 7 năm gắn bó với Hãng, anh Dũng lần đầu tiên tham gia giảng dạy với tư cách là giáo viên mặt đất của máy bay ATR72.
Năm 2014, chàng phi công trẻ tuổi trở ngày nào đã thành một cơ trưởng và một giáo viên bay dày dặn kinh nghiệm.
Nhìn lại hành trình gần 3 thập kỷ đồng hành cùng Vietnam Airlines đặc biệt may mắn được đóng góp trên cả 3 cương vị phi công – quản lý – giảng viên nội bộ, anh Dũng cảm thấy mình đã có quãng thời gian làm việc, cống hiến vô cùng xứng đáng.
“Có thể nói tuổi trẻ của tôi bắt đầu ở Vietnam Airlines, thanh xuân của tôi trải qua cùng Vietnam Airlines. Đây cũng là nơi tạo điều kiện cho tôi được làm những gì mình thích, những gì mình đam mê, phát huy những gì được xem là sở trường. Bản thân tôi rất yêu thích công việc giảng dạy, nên khi được lựa chọn để đưa đi huấn luyện chuyên nghành giáo viên, tôi vừa phấn khích lại vừa hồi hộp, lo lắng.”
Những năm 2000, khi anh Dũng gia nhập đội ngũ huấn luyện của Vietnam Airlines, hàng không thương mại của nước ta vẫn chưa bước vào thời kỳ bùng nổ. Số lượng phi công thương mại khi đó tương đối ít và khá phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài để đào tạo đội ngũ lái máy bay ở Việt Nam. Bởi vậy chi phí đào tạo một phi công lúc ấy khá tốn kém, lên tới vài tỷ đồng. Trong khi đó nếu có nguồn giáo viên nội địa thì chi phí sẽ giảm hẳn, tiết kiệm không chỉ cho học viên mà còn giúp chủ động trong công tác đào tạo, huấn luyện. Bởi vậy, anh Dũng và các giảng viên bay giai đoạn ấy càng thêm quyết tâm học tập, rèn luyện để có thể đứng trong hàng ngũ những người huấn luyện bay.
“Lúc ấy tôi thực sự chỉ lo không đảm bảo được yêu cầu khắt khe của khóa học. Tôi hiểu mong muốn thôi là chưa đủ, mình phải thực sự nỗ lực, chăm chỉ và quyết tâm. May mắn thay, với sự hỗ trợ rất lớn từ Hãng, tôi đã vượt qua được các khóa huấn luyện này để chính thức đứng trên bục giảng, truyền đạt những gì mình biết đến với các anh chị em đồng nghiệp và cả những thế hệ sau này của Vietnam Airlines nữa.”
Trong hơn 20 năm làm thầy giáo, anh Dũng vẫn nhớ mãi một lớp học đặc biệt khiến anh lần đầu cảm thấy mất tự tin vào bản thân. Đó là một lớp định kỳ giáo viên bay với danh sách học viên là những cái tên gạo cội – những đàn anh và thậm chí cả những người thầy của anh với kinh nghiệm bay và giảng dạy phong phú. “Thú thực khi xem danh sách lớp tôi bị ngợp. Thật khó tưởng tượng mình lại dạy những người đi trước, những người giỏi hơn mình rất nhiều. Thêm nữa nội dung giảng dạy lại không phải là sở trường của tôi. Lúc ấy, tôi đã đề nghị với quản lý là đổi lớp khác cho tôi, chứ hướng dẫn lớp toàn học viên như thế này thì khó quá. Nhưng cũng rất may là anh quản lý đã động viên tôi tiếp tục nhận lớp, vì đây đều là những đồng nghiệp thân thuộc, thái độ chuyên nghiệp, họ chắc chắn sẽ hỗ trợ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và đúng là như vậy, qua những phút bối rối ban đầu tôi đã nhanh chóng tìm được cách cùng các học viên đặc biệt này triển khai các nội dung bài học hiệu quả. Có thể nói tôi dạy họ và họ cũng dạy tôi rất nhiều điều. Dù đã qua lâu rồi nhưng tôi vẫn muốn gửi lời cảm ơn các thây, các anh, đặc biệt là thầy Nguyễn Nam Liên, đã khích lệ, hỗ trợ tôi trong buổi học đó, giúp cho buổi học thật sự sôi động, tràn đầy kiến thức đáng quý.”
Hoàn thành tốt mọi vai trò với “cái tâm trong sáng”
Hiện nay, bên cạnh công tác chuyên môn và đào tạo, anh Dũng còn đảm nhiệm vị trí quản lý (Phó trưởng phòng Điều hành khai thác) nên lịch trình của anh khá eo hẹp. Và tự nhận định có nhiều “duyên nợ” với sự nghiệp trồng người nên anh đã giảm bớt thời gian bay để ưu tiên quỹ thời gian cho công việc hành chính và giảng dạy. Theo anh, để làm tốt bất cứ công việc gì thì điều quan trọng nhất là “cái tâm” của người thực hiện, với nghề dạy học thì càng nên như vậy bởi tri thức là chìa khóa để mở mọi cánh cửa. Đặc biệt với lĩnh vực đặc thù như anh đang giảng dạy thì kiến thức còn nắm giữ sự an toàn không chỉ của một mình học viên mà còn của rất nhiều hành khách khác.
“Tất cả môn giảng dạy của tôi đều cần trau dồi, cập nhật kiến thức cá nhân, tìm hiểu nội dung cần truyền đạt, tìm hiểu kỹ từng học viên để có cách tiếp cận, chia sẻ, hướng dẫn phù hợp. Phương châm khi giảng dạy của tôi luôn là: giảng dạy kỹ càng và yêu cầu khắt khe. Tôi không ngại học viên cho rằng tôi khó tính bởi tôi càng khó tính thì sau này, trong thực tế các bạn sẽ càng giảm thiểu được sai sót.”
Qủa thực, đối với ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng, công tác đào tạo lại càng quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động của Hãng trong ngắn hạn và dài hạn. Nếu công tác đào tạo không được chú trọng, mỗi cá nhân người thầy không tâm huyết với nghề đều sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của VNA.
Anh Dũng khẳng định rằng chi phí trồng người thấp hơn nhiều so với hiệu quả đem lại, vậy nên đầu tư cho giáo dục thực sự là quyết định đúng đắn và cũng là lý do anh thêm tin yêu và gắn bó với ngôi nhà thứ 2 của mình.
Nhân ngày lễ lớn dành cho những người làm giáo dục, anh Dũng muốn gửi lời chúc không chỉ đến các đồng nghiệp mà còn tới gia đình – hậu phương vững chắc của họ bởi “Công việc hiện tại của tôi khá vất vả nhưng được gia đình tôn trọng và ủng hộ hết mức có thể, đặc biệt là người bạn đời của tôi. Vợ tôi đã hy sinh rất nhiều vì tôi, luôn thấu hiểu và hỗ trợ tuyệt đối trong công việc, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xin chúc các thầy cô và những người làm công tác đào tạo trong VNA có sức khỏe dồi dào, luôn hạnh phúc, có hậu phương vững mạnh để chúng ta toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ, giúp VNA phát triển bền vững!”.